Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Thuế hồng - vì sao phụ nữ thường tốn nhiều tiền mua sắm hơn đàn ông?

Cùng sản phẩm nhưng phân loại cho nữ giới đôi khi có giá cao hơn. Khoản chênh lệch đó được xem như một dạng thuế ẩn liên quan đến sự bất bình đẳng giới.

pink tax la gi anh 1

Cùng sản phẩm nhưng phân loại cho nữ giới đôi khi có giá cao hơn. Khoản chênh lệch đó được xem như một dạng thuế ẩn liên quan đến sự bất bình đẳng giới.

pink tax la gi anh 2pink tax la gi anh 3

Điểm chính:

  • Thuế hồng ám chỉ việc các sản phẩm được bán đặc biệt cho phụ nữ có xu hướng đắt hơn sản phẩm cho nam cùng loại.
  • Dù tồn tại từ khá lâu, đây không phải là một loại thuế chính thức.
  • Ngoài hàng hóa, thuế hồng còn hiện hữu trong các dịch vụ hàng ngày.

Thuế hồng (pink tax) là cụm từ chỉ khoản tiền dôi ra mà phụ nữ phải trả cho một vài sản phẩm nhất định, được sản xuất và truyền thông trực tiếp đến họ.

Lấy dao cạo làm ví dụ. Đây vốn là sản phẩm mà nam và nữ có thể dùng chung. Tuy nhiên, dưới phiên bản được gắn mác "dành cho nữ giới", chiếc dao cạo có giá 19.000 đồng đã trở thành 21.000 đồng.

Trong nhiều trường hợp, điểm khác biệt duy nhất là sản phẩm dành cho nữ có hương thơm hay lớp vỏ màu hồng xinh xắn. Tóm lại, chúng được gắn với những đặc điểm thường thấy ở phụ nữ và vì vậy có giá cao hơn sản phẩm nam.

Bài viết sau sẽ giải thích nguồn gốc của thuế hồng và đề cập một số hình ảnh cho thấy tính phổ biến của nó ở Việt Nam.


Thuế hồng xuất hiện từ khi nào?

Theo Investopedia, các nhà nghiên cứu về bất bình đẳng giới thường đề cập thuế hồng như sự chênh lệch giá giữa sản phẩm được tiếp thị cho nữ với món tương tự, thậm chí giống hệt, nhưng bán cho nam.

Vì lẽ đó, pink tax còn có ý nghĩa như khoản thuế giới tính (gender tax). Dù vậy, đây không phải là một khoản thuế chính thức và không có bộ luật nào quy định nó.

Vào năm 2015, vấn đề này từng nhận được nhiều sự chú ý khi New York City Department of Consumer Affairs (DCA) khảo sát 35 nhóm sản phẩm khác nhau. Họ phát hiện đến 42% sản phẩm nữ bị định giá cao hơn mặt bằng chung, trong khi con số sản phẩm nam chỉ dừng ở khoảng 18%.

Cũng theo phía nghiên cứu, hiện tượng thuế hồng đã tồn tại ít nhất từ những năm 1990. Khi đó, một báo cáo từ bang California, Mỹ cho biết 64% cửa hàng ở nhiều thành phố tính phụ phí khi giặt hấp áo nữ.

Nhờ bản báo cáo mà đến năm 1995, Đạo luật Bãi bỏ Thuế giới tính được bang thông qua, yêu cầu doanh nghiệp tính phí cho nam và nữ ngang nhau với cùng một dịch vụ như cắt tóc, giặt hấp, sửa quần áo, sửa xe,...


Vì sao phụ nữ bị đánh thuế?

Không có lời giải cụ thể cho câu hỏi vì sao phụ nữ phải trả nhiều hơn đàn ông trong suốt 3 thập kỷ.

Thuế quan, sự phân biệt và khác biệt hóa sản phẩm thường là đề tài được đưa ra để tranh luận. Song song, niềm tin về việc nữ giới sẵn sàng chi tiền "mạnh" hơn nửa còn lại khi mua sắm cũng có thể xem xét.

Dù chưa có bằng chứng nào được công nhận, một số ý kiến còn cho rằng, chi phí sản xuất sản phẩm và hoạt động marketing hướng đến đối tượng nữ dường như có phần tốn kém hơn.

Điển hình, xe scooter màu hồng thường có số lượng ít hơn xe màu đỏ hoặc xanh. Lý do là xanh, đỏ đều có thể được cả hai giới yêu thích, trong khi màu hồng đa phần chỉ thu hút phái nữ.


Bạn có đang trả thuế hồng hàng ngày?

Theo Ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase, trung bình phụ nữ tiêu cho pink tax đến 1.300 USD/năm, tương đương với khoảng 30 triệu đồng.

Trong nhiều năm, những nỗ lực kêu gọi bình đẳng giới và phản đối thuế hồng đã được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới. Song, loại thuế đặc biệt này hiện vẫn gắn với không ít mặt hàng tiêu dùng.

Báo cáo của DCA đồng thời nhận định bên cạnh phụ nữ, sản phẩm và dịch vụ cho bé gái cũng thể hiện sự tồn tại của thuế hồng.

Trung bình, quần áo bé gái đắt hơn đồ bé trai khoảng 4%. Đồ chơi và các phụ kiện có giá nhỉnh hơn đến 7%.

Tại Việt Nam, theo quan sát:

  • Chiếc máy tính cầm tay quen thuộc với học sinh có giá 708.000 đồng cho màu đen và 722.000 đồng cho phiên bản màu hồng cùng loại, được bán ở cùng một nhà sách.
  • Vali kéo của một thương hiệu được để giá 942.000 đồng với màu đen và 990.000 đồng với màu hồng. Chất liệu, kiểu dáng và kích thước không thay đổi.
  • Chai lăn khử mùi từ 71.000 đồng bỗng bị nâng giá lên 78.000 đồng khi thêm từ chỉ giới tính vào tên gọi.
  • Phí cắt tóc nam thường rơi vào mức 50.000-150.000 đồng. Con số này nhân đôi với mái tóc nữ.

Thuế hồng là khái niệm chưa có nhiều số liệu uy tín ở Việt Nam. Nhưng theo báo cáo năm 2016 của UN Women, có thể thấy nhìn chung, phụ nữ Việt có mức thu nhập trung bình thấp hơn nam giới nhưng lại ít nhận được ưu đãi thuế tiêu dùng hơn.

Chưa kể, các khách hàng nữ còn thường xuyên chi tiền cho mặt hàng băng vệ sinh. Đó là lý do pink tax hay được nói đến cùng tampon tax - loại thuế mà đàn ông không bao giờ phải trả trong suốt cuộc đời của họ.

#HerMoney là series dành cho nữ giới, nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn cá nhân. Với kinh nghiệm và màu sắc của họ, mỗi bài viết gửi đến người đọc một hướng tiếp cận mới về tài chính, công việc và cuộc sống.

Thiên Hân

Đồ hoạ: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm