Cảm lạnh có thể gây các triệu chứng như ho, đau đầu, sốt, nghẹt mũi… Cảm lạnh thường không quá nghiêm trọng, nhưng một số loại thuốc trị cảm lạnh có thể khiến bệnh đái tháo đường khó kiểm soát hơn hoặc khiến kết quả đo glucose không chính xác.
Dùng thuốc gì để điều trị ho khi bị đái tháo đường?
Hai thành phần chính trong thuốc không cần kê đơn (OTC) để trị ho là:
- Guaifenesin có tác dụng làm loãng chất nhầy (chữa ho có đờm).
- Dextromethorphan giúp làm dịu cơn ho (chữa ho khan).
Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc này riêng lẻ hoặc có thể kết hợp, phù hợp với tình trạng ho.
Một số loại thuốc dùng điều trị cảm lạnh có thể khiến đường máu khó kiểm soát hơn. |
Người đái tháo đường nên dùng loại không thêm đường hoặc cồn. Một số loại thuốc ho phổ biến dành cho người bị đái tháo đường bao gồm:
- Thuốc ho robitussin không đường: Được bào chế đặc biệt cho người bị đái tháo đường, có tác dụng làm giảm ho khan và nghẹt ngực, chứa guaifenesin giúp làm loãng chất nhầy và đờm.
- Scot-Tussin: Chứa dextromethorphan, có tác dụng làm dịu tạm thời cơn ho khan do kích ứng cổ họng và phế quản.
- Safetussin là thuốc kết hợp guaifenesin và dextromethorphan để điều trị ho và nghẹt ngực do dị ứng, cảm lạnh thông thường hoặc cúm.
Siro ho là một phương thuốc phổ biến cho bệnh cảm lạnh kèm ho, giúp làm dịu cổ họng bị ngứa nhưng cần lựa chọn loại không đường.
Lưu ý, người bệnh đi khám nếu các triệu chứng không cải thiện sau 7 ngày điều trị hoặc nếu bị sốt kèm nhức đầu, ho hoặc phát ban… Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Dùng thuốc gì để chữa nghẹt mũi khi bị đái tháo đường?
Các biện pháp khắc phục nghẹt mũi có thể dùng bao gồm:
- Xịt nước muối vào mũi làm loãng chất nhầy trong mũi.
- Rửa xoang bằng nước muối, sử dụng hệ thống bình bóp hoặc bình neti, làm sạch chất nhầy từ xoang và giảm tắc nghẽn.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương để tăng độ ẩm trong phòng, có thể giúp làm loãng đờm hoặc chất nhầy.
- Thuốc xịt mũi steroid (nasacort).
Có thể uống loại thuốc trị đau họng nào khi bị đái tháo đường?
Người bị đái tháo đường nên chọn thuốc trị đau họng không thêm đường. Một số thuốc trị đau họng không đường như:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen, ibuprofen, naproxen… Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý ibuprofen và naproxen không phù hợp với tất cả người bị đái tháo đường. Người bị bệnh thận nên tránh hoặc sử dụng thận trọng. Thuốc cũng có thể làm tăng huyết áp, do đó, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi dùng.
-Thuốc ngậm họng: Viên ngậm benzocaine/menthol (thận trọng khi dùng ở trẻ em), thuốc xịt chloraseptic…
Người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết (lấy máu ở ngón tay) nếu sử dụng aspirin hoặc acetaminophen. |
Người đái tháo đường nên dùng thuốc giảm đau, hạ sốt nào?
Nhìn chung, thuốc OTC để giảm đau và hạ sốt sẽ không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu ở người đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng máy theo dõi glucose liên tục (CGM), một số loại thuốc nhất định có thể khiến kết quả đo glucose không chính xác.
Thuốc OTC như ibuprofen không ảnh hưởng đến chỉ số CGM, có thể được sử dụng an toàn với người bệnh đái tháo đường để giảm đau và hạ sốt.
Những loại thuốc cảm nên tránh ở người đái tháo đường
- Không dùng siro ho có các thành phần như: Đường, xi-rô ngô, mật ong, cồn…
- Thuốc thông mũi: Pseudoephedrine là thuốc thông mũi OTC phổ biến, nhưng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Hầu hết thuốc xịt thông mũi, như oxymetazoline (afrin), đều có cảnh báo cho người bệnh đái tháo đường. Nếu sử dụng, hãy đảm bảo theo dõi lượng đường trong máu, có thể điều chỉnh thuốc khi cần thiết.
- Một số thuốc giảm đau và hạ sốt cần thận trọng: Acetaminophen (tylenol) và axit salicylic (aspirin) là những loại thuốc điều trị phổ biến cho bệnh sốt, đau họng và đau nhức, nhưng đều làm ảnh hưởng đến CGM, gây ra kết quả đọc bất thường. Uống acetaminophen khi bị cảm có thể khiến CGM, có kết quả đọc cao giả, trong khi aspirin có thể khiến lượng glucose thấp giả.
Do đó, người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết (lấy máu ở ngón tay) thay vì CGM, nếu sử dụng aspirin hoặc acetaminophen để điều trị các triệu chứng cảm lạnh.
Cảm lạnh ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào?
Khi bị bệnh, người bệnh có thể khó giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Căng thẳng do bệnh tật có thể kích hoạt việc giải phóng các hormone khiến lượng đường trong máu tăng lên. Đôi khi, bệnh tật có thể gây ra tình trạng chán ăn và lượng đường trong máu có thể giảm.
Do đó, khi bị cảm lạnh, người đái tháo đường nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên (ít nhất 4 lần/ngày).
Nếu lượng đường trong máu liên tục cao hơn 250 mg/dL, người bệnh cần kiểm tra nồng độ ketone trong nước tiểu và báo cho bác sĩ biết.
Lượng glucose và ketone trong nước tiểu cao có thể là dấu hiệu của một biến chứng nghiêm trọng gọi là nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA). Đây là lúc lượng đường trong máu tăng cao đến mức nguy hiểm, có thể gây ra các vấn đề từ mất nước đến suy thận, thậm chí là hôn mê và tử vong.
Các bệnh như cảm lạnh hoặc cúm là nguyên nhân quan trọng, nhưng có thể phòng ngừa, gây ra DKA. Nếu bị bệnh, người bệnh nên phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, giúp điều chỉnh thuốc điều trị đái tháo đường phù hợp để tránh DKA.
Hồi ký "Hồng Sơn 'Công Chúa' - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính" kể chuyện đời, chuyện nghề thăng trầm nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thách thức của cầu thủ vàng làng bóng đá Việt Nam.