Ông Guillermo Otta Parum đã đánh cá ở sông Amazon trên địa phận Bolivia suốt cuộc đời mình, hơn 50 năm.
Ban đầu, ông đánh bắt cá bản địa, bao gồm các loại cá da trơn trên sông. Nhưng sau đó một loài cá nước ngọt khổng lồ đã xuất hiện, được người dân địa phương gọi là paiche hay tên khoa học là Arapaima gigas.
Loài cá khét tiếng này còn có những tên gọi khác như pirarucu, hải tượng long và được mệnh danh là “thủy quái” khổng lồ sông Amazon.
"Hung thần" trên sông
“Tôi từng nghĩ sinh vật này là một con rắn nước, nó sẽ tấn công mọi thứ, ăn thịt nó sẽ không tốt cho sức khỏe và có thể có độc”, ngư dân này nhớ lại.
Trên thực tế, đây là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, dài tới 4 m và có thể nặng tới 200 kg hoặc thậm chí còn hơn thế nữa.
Ông Guillermo Otta Parum đã đánh cá hơn 50 năm. Ảnh: BBC. |
Ứớc tính rmỗi năm, đàn paiche lại len sâu thêm 40 km vào các con sông thuộc lưu vực sông Amazon.
Ông Federico Moreno, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Thủy sản của Đại học Beni, cho biết kích thước khổng lồ của loài cá này và chế độ ăn uống khiến chúng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với nguồn cá bản địa.
“Đây là loài cá có tính lãnh thổ, chúng chiếm lĩnh một vùng nước và khiến các loài bản địa sợ hãi. Vấn đề rất nghiêm trọng. Các loài khác chạy trốn khỏi kẻ săn mồi háu ăn này và buộc phải dạt tới các vùng nước khác ở xa hơn và khó tiếp cận hơn”, ông Moreno cho hay.
Không ai thực sự biết chính xác paiche xuất hiện lần đầu tiên ở Bolivia năm nào.
Nhiều người tin rằng chúng xuất hiện từ sau sự cố "sổng chuồng" ở trang trại nuôi cá paiche ở Peru. Từ đó, chúng lan ra các con sông ở Bolivia.
Mỗi con cá paiche khi trưởng thành có thể nặng hơn 200 kg. Ảnh: Guardian. |
Fernando Carvajal là một nhà sinh vật học và chuyên gia về paiche. Ông nói rằng chúng là loài háu ăn.
“Trong những năm đầu đời, paiche tăng trưởng ở mức 10 kg mỗi năm. Điều đó có nghĩa là paiche đang ăn rất nhiều cá”, ông nói. Không giống những loài cá săn mồi khác như piranha, paiche chỉ có hàm răng nhỏ chứ không đặc biệt sắc nhọn.
Nhưng việc thiếu hàm răng nhọn không ngăn cản chúng biến piranha thành bữa sáng. Và nhiều loài cá khác, bao gồm cả thực vật, động vật thân mềm hay chim cũng đều là con mồi của paiche.
Paiche cũng khiến bất kỳ loài cá nào cố gắng ăn thịt con của chúng sợ hãi.
Paiche được mua bán và chế biến trên khắp Bolivia
Ông Carvajal nói rằng không có dữ liệu chắc chắn về tác động của paiche, nhưng ngư dân địa phương đang phản ánh rằng số lượng một số loài bản địa đang giảm dần.
“Trong một hoặc hai thập kỷ tới, loài paiche sẽ lan rộng đến tất cả khu vực tiềm năng mà loài này có thể sinh sống”, ông cảnh báo.
Nhà sinh vật học Fernando Carvajal đã nghiên cứu về cá paiche nhiều năm qua. Ảnh: BBC. |
“Chúng tôi biết rằng trên khắp thế giới, hầu hết trường hợp xâm lấn đều gây hại cho tự nhiên. Các loài xâm lấn được coi là nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến mất đa dạng sinh học sau khi môi trường sống bị phá hủy”, ông nêu rõ.
Tuy nhiên, đối với ngư dân địa phương, sự xuất hiện của cá paiche được xem là điều may mắn. Ông Guillermo Otta Parum chia sẻ rằng ban đầu nhiều người còn lo sợ về nó nhưng không mất nhiều thời gian để ngư dân nhận ra tiềm năng của loài cá này.
Thuyền đánh bắt cá paiche của ngư dân trên sông Yata thuộc sông Amazon trong địa phận Bolivia. Ảnh: BBC. |
“Khi mang con cá đầu tiên về, tôi sẽ tặng khách hàng những miếng nhỏ để họ ăn thử và cảm nhận hương vị của nó”, vị ngư dân cho biết.
Một số ngư dân thậm chí còn lấp liếm rằng nó là một loại cá da trơn để xua tan sự nghi ngại của người mua về việc ăn thịt một động vật khổng lồ như vậy.
Giờ đây, paiche được mua bán và chế biến trên khắp Bolivia.
Ông Edson Suzano điều hành nhà máy chế biến paiche ở Riberalta, một thị trấn ở phía đông bắc Bolivia gần biên giới Brazil.
Edson Suzano (trái) nói rằng paiche có giá cả phải chăng. Ảnh: BBC. |
“Chúng tôi bán cá paiche ở khắp mọi nơi - từ siêu thị lớn tới chợ. Cá được cắt khúc theo những kích thước khác nhau nên phù hợp với túi tiền của nhiều khách hàng. Chúng tôi mua và chế biến khoảng 30.000 kg paiche mỗi tháng”, ông nói.
Thử thách đối với các ngư dân là việc tìm kiếm loài cá này trên khu vực quá rộng lớn của sông Amazon.
Paiche có bộ phận giống như phổi và phải thường xuyên ngoi lên để thở nên thích nước lặng. Nó thích sống ở hồ và đầm, nhưng di cư khi cảm thấy gặp nguy hiểm.
Paiche sẽ di cư khi chúng cảm nhận được sự đe dọa. Ảnh: New York Times. |
Phần lớn những con cá paiche mà nhà máy của ông Suzano chế biến đều được đánh bắt bằng thuyền. Ngày nay, ngư dân phải tới những vùng xa xôi hơn để đánh bắt paiche và phải chuyển từ thuyền sang ca nô trong những chuyến đánh bắt kéo dài tới 2 tuần. Điều này đã dẫn tới những xung đột với cộng đồng bản địa.
Những cộng đồng này đã được trao quyền sở hữu đất đai đối với nhiều đầm phá xa xôi, nơi cá paiche đang len lỏi tới và chính những cư dân của cộng đồng cũng bắt đầu đánh bắt và bán cá.
Paiche đang được chuẩn bị bán tại chợ cá Riberalta. Ảnh: BBC. |
Hiện những ngư dân buôn bán phải có giấy phép đặc biệt để đánh bắt ở những khu vực như vậy. Nhưng các ngư dân như Guillermo Otta Parum nói rằng ngay cả khi họ có giấy tờ hợp lệ, họ vẫn thường bị ngăn cản.
Các cộng đồng bản địa cho rằng họ chỉ đang cố gắng bảo vệ những nguồn tài nguyên đã được chính phủ Bolivia công nhận quyền kiểm soát.
Ông Juan Carlos Ortiz Chavez là một ngư dân đánh bắt paiche thuộc cộng đồng bản địa Alto Ivon Tco Chacobo.
Ông nói rằng trước đây người dân bản địa rất sợ những ngư dân buôn bán. “Nhưng thế hệ trẻ đã thay đổi, vì chúng tôi đã đưa ra các quy tắc để mọi người không thể đến đây và tước đoạt của chúng tôi nữa”, ông nói.
Ông Federico Moreno cũng như nhiều nhà khoa học khác hy vọng rằng việc đánh bắt cá nói chung, bất kể ai đang làm việc đó, sẽ giúp kiểm soát số lượng cá.
“Hãy tiếp tục săn bắt loài cá này, điều đó có thể giữ sự cân bằng giữa các loài khác nhau”, ông giải thích.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.