Thay thế vị sếp độc hại có thể là thử thách lớn của nhiều nhân sự trẻ tuổi. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels. |
Mọi thứ chưa bao giờ đơn giản với một người vừa được lên chức quản lý. Bạn phải đặt ra nguyên tắc làm việc, tầm nhìn chung cho tập thể.
Bên cạnh đó, làm quen và gây dựng lòng tin với cấp dưới cũng là yêu cầu bắt buộc, theo Fast Company.
Tuy nhiên, các nhiệm vụ kể trên sẽ khó khăn hơn nhiều khi bạn thay thế một vị sếp độc hại. Lúc này, hầu hết nhân viên đã có định kiến với vị trí người đứng đầu.
Họ không thoải mái mở lòng hay cho phép bạn hiểu hơn về văn hóa làm việc. Thậm chí, vài người có thể ngó lơ nhiệm vụ được giao vì bận tìm kiếm môi trường mới an toàn hơn.
Dưới đây là 3 gợi ý từ Giáo sư tâm lý học Art Markman nhằm giúp bạn xoay xở tốt trong giai đoạn chuyển giao này.
Lắng nghe, đặt câu hỏi cho nhân viên là bước đầu để quản lý mới gắn kết với tập thể. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels. |
Lắng nghe nhiều hơn
Thực tế, các nhà lãnh đạo độc hại luôn thích kìm hãm, thao túng bất kỳ ai hoặc sự việc nào khi còn ở trong “đế chế” của mình.
Đây là nguyên nhân dẫn đến cảm giác bất mãn, ấm ức của nhân viên. Vì thế, bước đầu tiên để thay đổi trạng thái tinh thần này là cho phép họ lấy lại quyền tự chủ.
Ở cương vị quản lý mới, hãy chủ động đặt nhiều câu hỏi. Bởi bạn cần tìm hiểu xem tập thể đang cảm nhận ra sao về công việc mình đang thực hiện.
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu xem đâu là lý do khiến họ yêu thích vị trí hiện tại. Quá trình trao đổi sẽ cho cấp dưới không gian và sự tự do để bày tỏ về những gì đã và đang diễn ra, cũng như thể hiện kỳ vọng về đường lối hoạt động sắp tới.
“Nhiệm vụ lúc này là tổng hợp, thống kê lại mọi phản hồi của nhân viên. Sau đó, bạn cần kết hợp khéo léo đề xuất, mối bận tâm của họ với kế hoạch dẫn dắt mình đặt ra.
Nhờ vậy, cấp dưới sẽ hiểu rằng quản lý mới không chỉ nghe rồi để đó. Họ sẽ dần tích cực hơn khi tin bản thân có quyền làm mới môi trường tồi tệ trước đây”, ông Markman khẳng định.
Thay vì ôm đồm, bạn chỉ nên tập trung vào vấn đề cốt lõi khi mới lên chức. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels. |
Làm quen
Quản lý độc hại luôn làm cho môi trường công sở trở nên hỗn loạn.
Mỗi ngày, nhân viên đều nơm nớp lo lắng, không biết khi nào sẽ bị mắng mỏ hoặc trừng phạt. Chưa kể, họ còn sợ sẽ bị giao quá nhiều nhiệm vụ gấp trong khoản thời gian ít ỏi.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn chỉ nên chọn một số đầu việc làm trọng điểm, thay vì ôm đồm, đòi hỏi quá đà. Song song đó, vị quản lý mới cần tập cách chống lại cảm giác tham vọng, muốn hoàn thành mọi thứ thật hoàn hảo.
Hãy luôn nhớ rằng sự ổn định là yếu tố quan trọng để phát triển mối quan hệ công sở tốt đẹp, đặc biệt trong thời điểm chuyển giao.
Tương tự, chúng ta cần lưu ý ở khoản đánh giá hiệu quả lao động của nhóm. Ở cương vị người đứng đầu, nhiều khả năng bạn sẽ nhận ra khá nhiều vấn đề cần được khắc phục.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên chọn ra một số điểm thực sự đặc biệt quan trọng ở giai đoạn hiện tại để cùng mọi người xử lý, cải thiện. Khi họ đã quen với phong cách quản lý mới, bạn cũng dễ dàng mở rộng phạm vi thảo luận và giải quyết hơn.
Quản lý mới nên tập kiên nhẫn, bởi quá trình thay đổi của nhân viên tốn khá nhiều thời gian. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Kiên nhẫn
Theo Giáo sư Markman, quản lý mới cần đảm bảo sẽ hành động rõ ràng, chính xác với những điều nói ra nếu muốn xây dựng niềm tin với nhân viên dưới quyền.
Bởi trong quá khứ, nhiều khả năng họ đã quen với kiểu sếp “nói một đằng, làm một nẻo”.
“Thậm chí, dù khẳng định sẽ ghi nhận công sức bằng phần thưởng và thực sự lên kế hoạch như vậy, bạn cũng khó khiến họ tin tưởng và làm theo lời mình.
Do đó, tôi hy vọng bạn sẽ tìm cách thu thập phản hồi và lưu ý thái độ của cả nhóm để biết cân đối tình huống”, ông nói.
Quan trọng hơn cả, bạn luôn phải cố gắng thực hiện những thay đổi được mọi người gửi về. Chưa cần biết hiệu quả ra sao, chúng ta vẫn nên bày tỏ thái độ trân trọng với nỗ lực đóng góp của họ.
Đặc biệt, điều bạn nên làm là tạo điều kiện cho cá nhân đề xuất được thực hiện, nắm chính phương án của mình.
Cuối cùng, hãy hiểu rằng quá trình thay đổi nhận thức của cả nhóm có thể cần rất nhiều thời gian. Họ đã trải qua một giai đoạn khó khăn và có thể thiếu khả năng phục hồi.
Nếu bị nghi ngờ, bạn cũng đừng cho rằng mình thiếu năng lực hay làm sai gì đó. Cứ tin rằng đó chỉ là một bước quan trọng để hướng đến sự hàn gắn hoàn toàn.
“Tôi luôn mong các quản lý mới sẽ dẫn dắt, đồng hành nhóm hoạt động của mình với thái độ cảm thông và cầu thị. Kết hợp với mọi yếu tố bên trên, bạn sẽ vững vàng hơn ở vị trí này”, ông Markman nói thêm.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.