Mức phụ cấp mà công ty đề xuất được cho là không phù hợp với thực tập sinh. Ảnh minh họa: SpaceSpeakers. |
SpaceSpeakers, công ty chủ quản của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Touliver, Binz hay Soobin Hoàng Sơn, gần đây đã tuyển dụng 5 vị trí thực tập sinh thiết kế đồ họa cho công ty (graphic designer intern).
Bản mô tả công việc (JD) được viết bằng 2 ngôn ngữ và đăng tải bởi một người được cho là nhân sự công ty. Trong đó, mục "Mô tả công việc" được viết bằng tiếng Anh, còn mục "Quyền lợi" và các thông tin còn lại được viết bằng tiếng Việt.
Bài đăng nhanh chóng được lan truyền sang các hội nhóm tìm việc làm, cũng như thổi bùng lên cuộc tranh cãi trên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng bản JD chưa hợp lý, với mức phụ cấp không thỏa đáng, trong khi một số khác cho rằng yêu cầu và quyền lợi công việc hoàn toàn phù hợp với vị trí thực tập sinh.
Bản JD gây tranh cãi
Trong phần "Mô tả công việc" bằng tiếng Anh, người đăng bài nêu rõ ứng viên cần hợp tác với đội ngũ sản xuất để hiểu yêu cầu, mục tiêu dự án; hỗ trợ thiết kế các ấn phẩm trên các nền tảng kỹ thuật số.
Cùng với đó, thực tập sinh cần biết sử dụng thành thạo các công cụ như Photoshop, Illustrator, InDesign; biết đóng góp ý tưởng, tham gia vào các cuộc họp và trình bày concept với các thành viên; hỗ trợ team thiết kế những công việc khác; cập nhật xu hướng và các phương pháp tốt nhất trong lĩnh vực thiết kế đồ họa.
Ở phần "Quyền lợi", ngoài nhận trợ cấp 2 triệu đồng/tháng, thực tập sinh được làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, thời gian 10-18h; được giao lưu với nghệ sĩ trực thuộc công ty và có nhiều cơ hội học tập/thực hành.
Bài đăng tuyển dụng nhận về nhiều tranh cãi của SpaceSpeakers. |
Bài đăng tuyển dụng lập tức vấp phải một làn sóng tranh cãi, đặc biệt từ những nhân sự đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa.
Nhiều người chỉ ra rằng bản mô tả công việc của SpaceSpeakers chưa hợp lý. Đặc biệt, với khối lượng công việc như vậy, cùng với yêu cầu trình độ cao, mức phụ cấp 2 triệu đồng/tháng cho thực tập sinh là không công bằng.
Nhưng một số khác phản đối, cho rằng mức hỗ trợ này có thể chấp nhận được. Theo họ, sau 3 tháng thực tập, các ứng viên sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ với những nghệ sĩ lớn. Hơn nữa, họ so sánh rằng một số công ty khác thậm chí còn tuyển thực tập sinh không lương, không trợ cấp.
HR thiếu chuyên nghiệp?
Trao đổi với Tri thức - Znews, Thục Anh (31 tuổi, quận 1, TP.HCM), trưởng phòng nhân sự tại một công ty truyền thông, cho biết nếu chưa bàn đến yếu tố phụ cấp, bản mô tả công việc này đang tồn tại một số lỗi cơ bản.
Theo Thục Anh, một JD có thể được viết bằng 2 ngôn ngữ trở lên. Điều này sẽ giúp công ty tiếp cận được nhiều ứng viên hơn. Tuy nhiên, cho dù được soạn bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, bản mô tả phải có đầy đủ các mục "Quyền lợi", "Mô tả công việc" và "Yêu cầu công việc" ở mỗi phiên bản ngôn ngữ.
Đối với các nội dung như thời gian làm việc và thời gian thực tập, không nên nằm trong mục "Quyền lợi", mà nên được tách thành mục "Yêu cầu công việc".
Vị trí thực tập sinh có thể có hoặc không có lương, trợ cấp. Ảnh: Alexander Suhorucov/Pexels. |
Còn khi đề cập đến mức phụ cấp, trưởng phòng nhân sự cho biết chi phí này sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của công ty và được ban lãnh đạo thông qua.
"Mức phụ cấp có thể có hoặc không, tùy vào tình hình công ty và yêu cầu công việc. Để ra được một con số hợp lý cần rất nhiều sự tính toán từ các bộ phận. Ứng viên cần đảm bảo mình phù hợp với vị trí và mức lương, tránh làm tốn thời gian của đôi bên", Thục Anh nói.
Theo Indeed, thực tập sinh có thể được trả lương hoặc không. Tại Mỹ, vị trí thực tập sinh không lương khá phổ biến, đặc biệt đối với những sinh viên cần hoàn thành tín chỉ để tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng vẫn trả lương cho thực tập sinh của họ để chiêu mộ nhân tài cho doanh nghiệp trong tương lai.
Ví dụ, phần lớn các công ty Fortune 500 đều trả lương cho thực tập sinh. Mức lương trung bình cho vị trí thực tập sinh được trả lương tại Mỹ là 12,88 USD/giờ. Đối với những thực tập sinh không lương, họ hoàn toàn có thể từ chối làm những công việc nằm ngoài chuyên môn ngành học của mình.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.