Bệnh sởi ở TP.HCM vẫn đang tăng. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Ngày 20/11, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong tuần 46 (11-17/11), tại thành phố ghi nhận 695 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 8,3% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm nay là 12.013 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 296 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 35,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay là 15.416 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
Riêng bệnh sởi, tuần qua thành phố ghi nhận có 211 ca, tăng 43,5% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 1.858 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức.
Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở TP.HCM trong tuần 46. Ảnh: HCDC. |
Để phòng bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết, HCDC khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế.
Ngoài ra, phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất nhưng cũng là bệnh dễ phòng ngừa nếu được chủng ngừa đầy đủ. Vaccine sởi rất an toàn, hiệu quả và tác dụng ngoại ý (nếu có) rất nhẹ.
Phụ huynh nên đưa trẻ đến khám khi có những biểu hiện sốt cao liên tục, ho nhiều, thở mệt, nổi ban trên người và những dấu hiệu lừ đừ, tiêu chảy nhiều, ho nhiều, chảy mủ tai.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.