1. Tỉnh nào ở miền Tây có đặc sản dừa sáp Cầu Kè độc đáo?
Dừa sáp Cầu Kè là sản vật nổi tiếng của Trà Vinh. Khác với các loại dừa thông thường, dừa sáp Cầu Kè "đặc ruột", rất ít nước, lại sánh sệt, có cơm dày choán hết phần ruột bên trong, không giòn mà mềm dẻo xốp như bột quánh. Cách đơn giản nhất để thưởng thức dừa sáp là bổ đôi trái, dùng muỗng múc trực tiếp. Ngoài ra, người ta thường dùng dừa sáp để chế biến sinh tố, có thêm sữa, đường, đá lạnh... hấp dẫn. Ảnh: Khải Phát. |
2. Đến Phú Quốc (Kiên Giang), du khách chuộng thưởng thức món gỏi độc đáo nào có sử dụng dừa nạo trong thành phần nguyên liệu?
Gỏi cá trích là một trong những đặc sản nổi tiếng của "đảo ngọc" Phú Quốc, được nhiều du khách ưa chuộng. Để chế biến món ngon này, người ta cần nhiều nguyên liệu như cá trích tươi sống được sơ chế sạch, xẻ đôi, bỏ xương, hành, ớt, chanh, nước mắm, đậu phộng, các loại rau thơm, bánh tráng... Bên cạnh đó, góp phần tạo nên nét độc đáo, khác lạ cho món ăn phải kể đến dừa nạo trắng tinh, bùi bùi, beo béo. Ảnh: Kiều Diễm. |
3. Món ăn nào ở Bạc Liêu kết hợp cả vị ngọt nước cốt dừa và vị mặn nước mắm?
Về Bạc Liêu, bạn có thể thử qua món bánh tằm lạ miệng với sự kết hợp hương vị độc đáo, thậm chí "đối nghịch" nhau giữa vị ngọt nước cốt dừa và vị mặn nước mắm. Người ta cho rằng vì sợi bánh bột gạo trong món ăn có hình dạng giống con tằm nên gọi thành tên. Bánh tằm thường ăn chung với bì, thịt nạc heo trộn thính, xíu mại, rau thơm, dưa leo... rất hấp dẫn. Ở Bạc Liêu, nổi tiếng nhất là "thương hiệu" bánh tằm Ngan Dừa, một địa danh thuộc huyện Hồng Dân của tỉnh này. Ảnh: Trần Ngọc Thuỳ Nhi. |
4. Ở Tiền Giang, người dân thường kết hợp chuối và dừa để chế biến thành món ăn nào sau đây?
Ở Tiền Giang, người ta thường sử dụng chuối sứ xanh già kết hợp cùng dừa nạo để chế biến món chuối quết dừa độc đáo. Nguyên liệu khá đơn giản, song các công đoạn chế biến món ăn này lại đòi hỏi sự khéo léo của người nấu. Chuối sau khi luộc chín được cho vào cối, quết cùng dừa nạo, thêm chút đường, muối. Khi thưởng thức, bạn có thể rắc thêm đậu phộng rang, ăn cùng các loại rau thơm và nước mắm chua ngọt. Ảnh: Huỳnh Hằng. |
5. Tại Cần Thơ, nước dừa tươi được kết hợp với nguyên liệu nào sau đây để cho ra một thức uống hấp dẫn?
Đến Cần Thơ, nếu muốn giải nhiệt "cấp tốc", du khách có thể tìm thưởng thức món sâm dừa hấp dẫn. Thức uống này kết hợp nước dừa tươi ngọt ngào cùng nước sâm thanh mát, có thêm miếng cơm dừa trắng tinh, giòn giòn sựt sựt. Sâm dừa có giá bình dân, song lại mang đến hương vị độc đáo, khó quên. Ảnh: Now Cần Thơ. |
6. Tỉnh nào ở miền Tây từ lâu được mệnh danh là "xứ dừa" của cả nước?
Nhắc tới "xứ dừa", người ta thường nghĩ ngay đến Bến Tre. Ca dao có câu: "Thấy dừa thì nhớ Bến Tre/ Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang". Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, trong năm 2018 vừa qua, địa phương có hơn 72.000 ha diện tích trồng dừa, cho sản lượng khoảng 612,5 triệu trái. Cây dừa hiện diện cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân nơi đây. Riêng với ẩm thực Bến Tre, dừa cũng có mặt trong rất nhiều món ăn. Ảnh: Toto Hui. |
7. Đặc sản kẹo dừa Bến Tre thường có sự kết hợp 2 hương vị nào sau đây?
Kẹo dừa là đặc sản nức tiếng của "xứ dừa" Bến Tre, được nhiều du khách chọn mua về làm quà khi du lịch đến đây. Nguyên liệu chế biến kẹo gồm nước cốt dừa ép từ cơm dừa khô, mạch nha, đường... Một công đoạn quan trọng, công phu, đòi hỏi kinh nghiệm trong quy trình chế biến món ăn là sên kẹo, cô đặc nước cốt. Kẹo dừa được bọc trong lớp bánh tráng mỏng dính trước khi gói giấy, đóng hộp. Ngày nay, người ta sáng tạo nhiều hương vị kẹo dừa khác nhau, trong đó sự kết hợp thường thấy là lá dứa và sầu riêng. Ảnh: Nguyễn Thị Thêu. |