Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình người lan toả sau những chuyến xe đêm

Hòa vào cung đường nhỏ giữa màn đêm sánh đặc, đâu đó len lỏi một chuyến xe mang trong mình sứ mệnh góp nhặt những khoảnh khắc ấm áp tình người.

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Cẩm Thạch - đối tác tài xế GrabCar. Tuy mới chạy xe khoảng 2 năm nhưng phải đến 2/3 chuyến xe của anh có hành khách là bệnh nhân và điểm đến là bệnh viện. Bởi vậy, anh tự nhận những cuốc xe của mình là “xe cấp cứu bán chuyên”.

Từ cuốc xe “thần tốc”...

Không như cánh tài xế chuyên nghiệp, anh Thạch chỉ chạy xe khoảng 4 tiếng mỗi ngày (19h-23h30 hoặc 22h-2h), nhưng khoảng thời gian ấy đủ để “bác tài” 35 tuổi có những trải nghiệm đặc biệt.

“Chạy xe vào ban đêm, tôi rất hay gặp những trường hợp bệnh nhân đến viện nhi hoặc viện sản. Lúc đầu nhận chuyến tôi sợ lắm, không biết phải đi đứng ra sao để người bệnh cảm thấy thoải mái, đến nơi an toàn và kịp thời cấp cứu. Sợ thì sợ thật nhưng cái tâm của người tài xế đâu cho phép mình không nhận cuốc. Với những trường hợp như vậy, tôi luôn dặn mình phải tỉnh táo, giữ bình tĩnh trong suốt chuyến đi”, anh Thạch kể.

Grab anh 1
Ánh sáng yếu, nhiều xe chạy ẩu vào ban đêm đòi hỏi tài xế phải xử lý tình huống khéo léo.

Nếu người lái xe thông thường chỉ cần di chuyển đúng tốc độ, tuân thủ luật giao thông và quy tắc của hãng xe thì với anh Thạch, điều khiển vô lăng còn là một nghệ thuật. Anh nói tài xế cũng giống như bác sĩ - phải giữ cái đầu lạnh và trái tim ấm nóng. Cái đầu lạnh để xử lý tốt mọi tình huống và trái tim ấm nóng để không cho phép mình bỏ mặc bệnh nhân.

“Đôi khi 1 phút cũng đủ để níu giữ mạng sống cho người bệnh. Bởi vậy tôi luôn đặt tiêu chí đi thật nhanh, tìm kiếm cung đường ngắn nhất và đảm bảo an toàn cho mọi người trên xe”, anh Thạch chia sẻ kinh nghiệm.

Lâu dần thành thói quen, trước khi chạy xe, anh Thạch luôn kiểm tra, chuẩn bị các vật dụng cần thiết như đèn pin, lốp, dầu, phanh và đồ sơ cứu để đảm bảo không có sự cố nào xảy ra khi đang di chuyển.

Grab anh 2
Đối tác tài xế Nguyễn Cẩm Thạch luôn ưu tiên nhận cuốc có điểm đến là bệnh viện.

Ngoài “cái đầu lạnh”, chạy xe đêm còn đòi hỏi tài xế phải trang bị nhiều kỹ năng: phân loại điểm đến, tự vệ, sơ cứu, nắm bắt tâm lý khách hàng... Tuy vậy, bác tài xế gốc Hải Phòng tỏ ra rất lạc quan nhờ sự trợ giúp của các anh em trong nhóm tài xế Grab - Spiderman.

Tham gia nhóm tài xế Grab này, anh Thạch có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm hay từ đồng nghiệp như chia sẻ điểm đi không an toàn, thông tin cần lưu ý trên những tuyến đường lạ, điểm dừng có thể nghỉ ngơi ăn uống hay số điện thoại cứu hộ…

Lúc rảnh, anh tranh thủ đọc thông báo của Grab để cập nhật quy định mới và chương trình thưởng, qua đó, làm chủ mỗi chuyến đi và tăng thêm thu nhập. Mỗi đêm chạy xe, trừ chi phí bỏ ra để mua xe, xăng, ăn uống… và chiết khấu cho hãng, anh thu được 1,8 triệu đồng. Nhưng thu nhập khá không phải là thứ duy nhất giúp anh giữ lửa với công việc này.

Anh Thạch tâm sự: “Những chuyến đi thấy mọi người vượt qua cơn nguy hiểm, người nhà vui cười đó là điều tôi hạnh phúc nhất”.

... đến bài học tình người

Trước tình huống cấp bách, việc chạy xe quá tốc độ là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, không ít lần anh Thạch bị hiểu nhầm là “tay đua F1” hay lọt vào tầm ngắm của cảnh sát giao thông.

Anh kể, có lần chở người bệnh nguy kịch, anh mải tập trung lo cho tính mạng bệnh nhân mà vượt quá tốc độ cho phép, kết quả bị công an phạt nguội và đứng trước nguy cơ treo bằng lái, thất nghiệp. Chính Grab đã đứng ra giúp anh liên lạc với khách hàng để chứng minh cho công an lý do “bất đắt dĩ” phải chạy xe quá tốc độ. Nhờ đó, anh có thể giữ lại bằng lái và tiếp tục nghiệp cầm vô lăng. Những buồn - vui của nghiệp lái đôi khi vẫn song hành giản dị, trở thành nguồn năng lượng nối dài mỗi chuyến đi.

“Có lần tôi đang chở bệnh nhân thì gặp phải đoạn đường xấu, công trình thi công dở dang nên ngổn ngang vật liệu, xe bị kẹt không thể qua được. Khi biết trên xe có ‘hành khách đặc biệt’, người đi qua và cả công an cùng góp sức thông đường. Những lúc như vậy tôi cảm thấy vô cùng ấm áp, đúng là dù ở đâu tình người vẫn có sức mạnh thật đặc biệt”.

“Lại có lần tôi chở khách đến nơi, họ vội vàng vào trong cấp cứu rồi quên cả trả tiền. Sáng hôm sau tôi nhận được tin nhắn cảm ơn cùng số tiền đã gửi vào tài khoản. Ngày mới bắt đầu lại thấy vui vui lạ”, tài xế 35 tuổi kể bằng giọng say sưa.

Và mỗi ngày trôi qua, những chuyến xe giàu lòng nhân ái như vậy vẫn tiếp tục hành trình của mình, để cuộc sống thêm gắn bó, thấm đẫm tình người.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm