Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tòa xét hỏi hơn 4.000 bị hại vụ địa ốc Alibaba

Sau 3 ngày thẩm vấn Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm, HĐXX sẽ xét hỏi đối với các bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.

Sáng 12/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm.

Trong vụ án này, Luyện cùng Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 đồng phạm bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố tội Rửa tiền.

Sau 3 ngày thẩm vấn cựu Chủ tịch Alibaba và 22 đồng phạm, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi đối với các bị hại trong vụ án này.

Tòa bắt đầu xét hỏi hơn 4.000 bị hại

xet xu dia oc Alibaba anh 1

Một số bị hại và người có quyền nghĩa vụ liên quan làm thủ tục tham gia phiên tòa hôm 8/12. Ảnh: Y Kiện.

Do số lượng bị hại rất đông và phải xét hỏi thông qua đường truyền kết nối từ phòng xử án ra sân tòa, HĐXX thông báo nếu các luật sư muốn xét hỏi bị hại, thì cần chú ý theo dõi diễn biến phiên xử. Theo đó, HĐXX sẽ xét hỏi từng bị hại theo từng dự án cụ thể, khi hỏi xong HĐXX sẽ không quay lại hỏi nữa.

Về lý do con số bị hại chưa thống nhất, chủ tọa Trần Minh Châu cho biết do trong phần hồ sơ bị trùng số tiền, trùng tên bị hại. TAND TP.HCM với sự hỗ trợ của các chuyên gia đang nhập đúng với số liệu thực.

Đối với những khách hàng mua sản phẩm dự án "ma" tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, nhưng chưa được Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định là bị hại, khi thụ lý vụ án HĐXX vẫn nhận đơn nếu có phiếu thu, hợp đồng, tài liệu và các giấy tờ, chứng cứ kèm theo. HĐXX sẽ lập danh sách để xem xét khi xét xử nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bị hại.

Nguyễn Thái Luyện kêu oan, khẳng định không lừa đảo

Trước đó, trả lời thẩm vấn HĐXX, Nguyễn Thái Luyện kêu oan, khẳng định bản thân không lừa đảo. Bị cáo cho rằng nội dung cáo trạng có nhiều điểm không đúng sự thật.

Theo Nguyễn Thái Luyện, cáo trạng truy tố bị cáo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của người khác là không đúng. "Công ty tôi kinh doanh công khai, minh bạch. Tôi vận dụng Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản và quy định tách thửa để tôi mua đất. Những điều này cũng được tôi xuất bản ra hàng trăm cuốn sách, cẩm nang, tôi đào tạo và chia sẻ cho nhân viên và khách hàng", Luyện nói.

xet xu dia oc Alibaba anh 2

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu.

Về việc xin dự án để phân lô, bán nền, Luyện cho rằng bản thân đã vận dụng Luật Đất đai. "Theo Luật Đất đai, người có quyền sử dụng đất được quyền đầu tư để làm tăng giá trị của đất theo đúng quy hoạch của lô đất. Những lô đất tôi mua là có đất ở và hiện hữu đất ở, tôi mua để làm dự án", Luyện khai.

Ngoài ra, Nguyễn Thái Luyện cho rằng có vài trăm nghìn người đã ký kết hợp đồng với Alibaba, trung bình mỗi tháng công ty này bán từ 1.500 đến 2.000 sản phẩm, có những sản phẩm 2-3 người đồng sở hữu. Do vậy, số người mua đất phải nhiều hơn rất nhiều con số khoảng 4.500 người mà cáo trạng nêu.

Bị cáo Luyện cũng cho rằng có rất nhiều tài liệu chứng minh số đất nông nghiệp mà bị cáo tách thửa thuộc sở hữu của Công ty Alibaba. "Đất là tài sản của toàn dân, nhưng do Nhà nước quản lý. Để tách thửa đất nông nghiệp, chúng tôi không thể làm được mà phải thông qua cơ quan chức năng đồng ý", cựu Chủ tịch Alibaba nói và khẳng định việc Công ty Alibaba mua đất nông nghiệp sau đó tách thửa, phân lô đều là công khai, minh bạch.

Tại tòa, các bị cáo là thuộc cấp của Luyện mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì không biết mình vi phạm pháp luật, do tin tưởng vào Nguyễn Thái Luyện và thực hiện theo chỉ đạo của Luyện, chỉ đến khi làm việc với Cơ quan điều tra mới nhận thức được hành vi phạm tội. Nhiều bị cáo khai đã vay mượn ngân hàng, bạn bè, cha mẹ để mua dự án của Alibaba.

Theo cáo buộc, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, Luyện thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.

Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên đất nông nghiệp đặc biệt lớn, quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng thủ đoạn trên, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tương đương số tiền hơn 2.100 tỷ đồng bị chiếm đoạt.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

5 bước kinh doanh trong cẩm nang bán hàng của Nguyễn Thái Luyện

Theo bị cáo Như, cẩm nang viết về các bước kinh doanh do Nguyễn Thái Luyện biên soạn, phát hành nội bộ cho nhân viên công ty.

Nguyễn Thái Luyện: 'Tôi gửi 80 đơn khiếu nại trong quá trình điều tra'

Cựu chủ tịch Alibaba khai đã gửi tổng cộng 80 lá đơn khiếu nại trong quá trình điều tra, nhưng số lần nhận được đơn trả lời chỉ có vài cái và hầu như không được trả lời.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm