Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Tôi đã chủ động đề nghị ký hợp đồng tiền hôn nhân, và không hối hận

Nhiều người cảnh báo rằng hợp đồng tiền hôn nhân có thể là dấu chấm hết cho mối quan hệ. Và tôi đã đứng trước một lựa chọn rất khó khăn.

hop dong tien hon nhan,  ly di,  Trung Nguyen,  Vu-Th anh 1

Tôi đã chủ động đề nghị ký hợp đồng tiền hôn nhân, và không hối hận

Nhiều người cảnh báo rằng hợp đồng tiền hôn nhân có thể là dấu chấm hết cho mối quan hệ. Và tôi đã đứng trước một lựa chọn rất khó khăn.

hop dong tien hon nhan,  ly di,  Trung Nguyen,  Vu-Th anh 2

hop dong tien hon nhan,  ly di,  Trung Nguyen,  Vu-Th anh 3

Laurie Itkin

Cố vấn tài chính

Laurie Itkin tốt nghiệp Đại học Pennsylvania năm 1990 và hiện là cố vấn tài chính liên quan đến vấn đề ly hôn của công ty tư vấn The Options Lady tại California (Mỹ). Bà nằm  trong top 100 cố vấn tài chính có ảnh hưởng nhất nước Mỹ do chuyên trang Investopedia bình chọn. Itkin lần đầu chia sẻ kinh nghiệm của chính mình về hợp đồng tiền hôn nhân trên trang Yahoo Finance năm 2014. Zing.vn cập nhật từ nguyên bản tiếng Anh với sự đồng ý của tác giả.

Trước khi đám cưới diễn ra, tôi cư xử khác lạ trong nhiều ngày liền. Dan, chồng sắp cưới của tôi, để ý thấy và gặng hỏi. Thực sự, tôi không biết nên mở lời thế nào với anh.

Cuối cùng tôi cũng phải thú nhận: Tôi muốn ký hợp đồng tiền hôn nhân.

Khi cả hai đều sợ làm tổn thương nhau

Đó là vào năm 2006. Ở tuổi 36, tôi có việc làm ổn định và sở hữu tài sản trị giá vài triệu USD. Thế nhưng, tôi cảm thấy thật sự rất khó chịu khi nghĩ đến viễn cảnh toàn bộ cơ ngơi mà một tay mình gầy dựng hơn 10 năm lăn lộn trong ngành tài chính có khả năng bị chia đôi nếu chẳng may cuộc hôn nhân sắp tới đổ vỡ.

Hợp đồng hôn nhân từ lâu vẫn bị gắn với cái định kiến là công cụ dành cho người giàu, đặc biệt là các quý ông sở hữu gia sản kếch xù, luống tuổi.

Những năm gần đây, chuyện phụ nữ là người chủ động yêu cầu ký hợp đồng hôn nhân không còn hiếm. Tuy vậy, bản hợp đồng này từ lâu vẫn bị gắn với cái định kiến là công cụ dành cho người giàu, đặc biệt là các quý ông sở hữu gia sản kếch xù, luống tuổi, nhằm ngăn chặn các cô vợ trẻ “đào mỏ”.

Bạn bè tôi nhiều người cảnh báo rằng đề nghị ký hợp đồng tiền hôn nhân có thể là dấu chấm hết cho mối quan hệ. Tình yêu đâu thể chỉ cân đo đong đếm bằng tiền.

Chúng tôi chung sống với nhau trong hai năm rồi mới quyết định tiến tới kết hôn. Trong suốt thời gian đó, Dan và tôi đều tiền ai người nấy tiêu, tài khoản ai người nấy nắm, căn nhà chúng tôi đang ở cũng là mỗi người góp một nửa.

Có lẽ một phần là bệnh nghề nghiệp, tôi vẫn muốn có sự đảm bảo, ràng buộc về mặt pháp lý cho các khoản tài chính. Sau này nếu tôi có nợ chồng nợ chất, Dan sẽ không có nghĩa vụ phải trả chúng. Về phần mình, tôi cũng không thể tiêu xài hoang phí tiền của Dan.

Do vậy, chẳng có gì sai khi tôi muốn bảo vệ tài sản của mình và đưa ra lời đề nghị ký hợp đồng tiền hôn nhân, nhưng có thể Dan sẽ nghĩ tôi xúc phạm anh ấy, rồi chia tay. Tôi không muốn mất anh.

Tôi nín thở chờ phản ứng của Dan, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là anh ấy sẽ nổi giận phừng phừng, đùng đùng bỏ ra khỏi nhà rồi sau đó… Tôi không dám nghĩ tiếp nữa.

May mắn thay, Dan mỉm cười, thở phào như thể trút được gánh nặng.

Anh nắm chặt tay tôi và nói: “Cảm ơn em vì đã muốn ký hợp đồng tiền hôn nhân. Anh đã rất lo sợ không biết phải nói với em thế nào, chỉ sợ làm em tổn thương nhưng ơn Chúa em là người mở lời trước”.

Chưa bao giờ hối hận

Và chúng tôi ký thỏa thuận, phân định rõ ràng tài sản trước khi kết hôn, các khoản nợ, tiền bảo hiểm và quy định nếu chẳng may chúng tôi có ly hôn thì tài sản sẽ được chia thế nào.

Ở thời điểm đó, tôi chưa từng kết hôn, còn Dan đã trải qua một cuộc hôn nhân đầy giông bão. Không có hợp đồng tiền hôn nhân, khi ly hôn, một nửa tài sản trị giá cả triệu USD mà gần như do một tay Dan làm ra thuộc về vợ cũ.

Dan thú nhận với tôi, đó là sai lầm kinh khủng và để lại bài học đắt giá nhất đời anh.

Ngày ấy, Dan và vợ cũ đều nghĩ hợp đồng hôn nhân là thứ nực cười nhất trên thế gian. Tại sao lại coi quan hệ vợ chồng chỉ như một bản hợp đồng mua qua bán lại?

Ngày ấy, Dan và vợ cũ đều nghĩ hợp đồng hôn nhân là thứ nực cười nhất trên thế gian. Tại sao lại coi quan hệ vợ chồng chỉ như một bản hợp đồng mua qua bán lại? Nếu đã tin nhau thì cần gì phải ràng buộc nhau bằng thứ giấy tờ như thế? Ký hợp đồng hôn nhân kiểu như là chưa mua xe mà đã lo nó hỏng, chưa cưới đã lo ly dị.

Nhưng suy cho cùng, hôn nhân cũng là một loại hợp đồng. Chúng ta có thể kết hôn vì tình yêu, nhưng khi đặt bút ký giấy chứng nhận kết hôn nghĩa là đã đồng ý với tất cả về quyền, nghĩa vụ và tài sản khi kết hôn. Đó là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý, chứ đâu có liên quan đến tình yêu.

Với rất nhiều người trẻ mà tôi có dịp tiếp xúc, đã bắt đầu có những thay đổi trong cách nghĩ về vấn đề này.

Theo số liệu khảo sát của Viện hàn lâm Luật sư Hôn nhân Mỹ (AALM), 62% luật sư ghi nhận sự tăng vọt trong số lượng người trẻ yêu cầu có những bản thỏa thuận tiền hôn nhân giai đoạn 2013-2016.

Thế nhưng một bộ phận, nhất là phái nữ tầm 20-30 tuổi, vẫn vô cùng dè dặt khi nghĩ đến hợp đồng tiền hôn nhân và cho rằng nó không dành cho mình.

Đối với họ, tuổi trẻ là giai đoạn của nhiệt huyết, yêu hết mình, đâu cần nghĩ đến tương lai. Ở cái tuổi mới phát triển sự nghiệp, tài sản đâu có gì nhiều ngoài khoản nợ học phí đại học khổng lồ. Và soạn thảo hơp đồng hôn nhân lại vô cùng tốn kém, với chi phí có thể lên đến 5.000 USD.

Với tư cách người trong cuộc và làm công việc tư vấn tài chính, tôi luôn khuyên người trẻ nên cân nhắc ký bản hợp đồng đó.

Vai trò của phụ nữ trong các mối quan hệ hiện nay đang thay đổi. Phụ nữ có thu nhập cao hơn và tích luỹ được nhiều tài sản hơn khi còn độc thân. Điều đó càng khiến họ muốn bảo vệ lợi ích tài chính của mình khi kết hôn.

Phụ nữ có thu nhập cao hơn và tích luỹ được nhiều tài sản hơn khi còn độc thân. Điều đó càng khiến họ muốn bảo vệ lợi ích tài chính của mình khi kết hôn.

Về mặt tài chính, hợp đồng tiền hôn nhân là sự đảm bảo cho tương lai của các cặp vợ chồng, là công cụ để phòng tránh rủi ro - cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Khi ra tòa ly hôn để tranh chấp tiền nong, tài sản và con cái, ảo vọng tình yêu màu hồng thuở mới cưới đâu còn nữa. Chưa kể một số trường hợp khi chia tay, những người từng thề non hẹn biển yêu thương giờ quay sang dùng những lời lẽ nặng nề, cay nghiệt để mạt sát nhau.

Dan là một ví dụ. Câu chuyện ly hôn với người vợ cũ vẫn là kỷ niệm cay đắng với anh. Bỏ qua chuyện khối tài sản “chung” được chia đôi dù anh là người góp vào nhiều hơn, phân chia quyền nuôi con mới là điều khiến anh buồn nhất. Tài sản vô tri, kiếm lại cũng được nhưng con cái không thể “chia đều” được.

Gần 15 năm trôi qua, cuộc hôn nhân của tôi và Dan vẫn hạnh phúc. Bản hợp đồng tiền hôn nhân mà vợ chồng tôi ký năm nào lẫn trong đống giấy tờ nằm trên nóc tủ nhưng chúng tôi vẫn tự giác làm theo những gì hợp đồng quy định (đương nhiên trừ điều khoàn về ly hôn).

Chưa bao giờ chúng tôi hối hận khi thảo ra và ký vào bản hợp đồng đó.

Tôi biết có rất nhiều sự khác nhau giữa luật pháp (và có thể cả văn hóa) giữa Mỹ và Việt Nam khi đề cập đến vấn đề hợp đồng tiền hôn nhân. Nhưng tôi vẫn hy vọng kinh nghiệm của chính mình sẽ cung cấp một góc nhìn hữu ích cho những bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa xây dựng gia đình.

Trước khi tuyên bố “đồng ý” trong lễ đường, thì hãy “đồng ý” với hợp đồng tiền hôn nhân.

Laurie Itkin

Illustration: Hà My
Biên dịch: Hà Phương

Bạn có thể quan tâm