Tôi nín thở, ở yên một chỗ vào thời điểm muốn bỏ chạy khỏi Italy nhất
Chúng tôi thường tự trách mình thiếu ý thức thực hiện nghĩa vụ công dân. Thế nhưng, người Italy đủ mạnh mẽ và sẽ đoàn kết để cùng nhau vượt qua dịch bệnh lần này.
Những ngày này, người Italy như đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc: Chúng tôi hoảng loạn, thấy mình vô cùng nhỏ bé, nhưng đồng thời cũng nhìn được bức tranh toàn cảnh.
Những ngày này, người dân Italy phải tự lo cho bản thân và cả những nhóm yếu thế đang phải chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch Covid-19.
Những ngày này, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là nín thở và ở yên một chỗ.
Tôi đang viết những dòng này từ nhà riêng ở Milan, cửa đóng then cài – giống như hàng triệu người Italy khác. Milan có cái hồn rất riêng của nó. Thời trang, kiến trúc, nghệ thuật, ẩm thực, thể thao - mọi thứ đều liên tục vận động, khiến bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được bầu không khí tràn đầy năng lượng ở đây.
Ở Milan, mọi người luôn chạy. Còn giờ đây, ngay tại thời điểm muốn chạy trốn nhất, chúng tôi lại không thể di chuyển.
Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy thủ phủ nhộn nhịp của vùng Lombardy giờ thật hiu quạnh. Và mọi thứ đang diễn biến quá nhanh.
Chưa phải lúc quay lại nhịp sống hàng ngày
Mới một tuần trước, tôi còn tham gia trận bóng rổ quan trọng nhất mùa giải ở Schio, thuộc khu vực Veneto. Tình hình dịch bệnh leo thang rất nhanh.
Khoảng 3 tuần trước, ngày 21/2, Mattia, 38 tuổi - hiện được gọi là bệnh nhân số 1 - được đưa đến phòng cấp cứu ở Codogno, thị trấn nhỏ ở tỉnh Lodi, cách Milan 56 km. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, hai ổ dịch Covid-19 được phát hiện.
Tình cảnh của Vũ Hán mà tôi chỉ thấy trên truyền thông giờ lại trở thành sự thực đối với 50.000 người ở quê hương mình.
Sau vài ngày, cuộc truy tìm bệnh nhân số 0 trở nên vô nghĩa vì dịch bệnh đã lan rộng khắp khu vực. Ngày 22/2, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte công bố sắc lệnh đầu tiên: 11 thị trấn và 50.000 người ở phía bắc Italy bị phong tỏa (đây còn được gọi là vùng đỏ).
Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mọi hoạt động đều phải tạm dừng, trừ các dịch vụ thiết yếu. Tình cảnh của Vũ Hán mà tôi chỉ thấy trên truyền thông giờ lại trở thành sự thực đối với 50.000 người ở quê hương mình.
Ngày 23/2, trận bóng rổ của tôi bị hủy bỏ. Trường học ở vùng Veneto và Lombardy bị đóng cửa. Các sự kiện công cộng và buổi lễ tôn giáo không được phép tổ chức. Nhà thờ chính tòa Milan và nhà hát La Scala cũng dừng hoạt động. Đáng chú ý là trong 242 năm tồn tại, La Scala chỉ đóng cửa 6 lần trước đó.
Sau khi nghỉ vài ngày, đội bóng rổ của tôi vẫn tiếp tục tập luyện. Nhưng trận đấu dự kiến diễn ra vào ngày 29/3 tới đã bị hủy. Tôi cũng không thể tham dự một buổi hòa nhạc như dự định.
Trong giai đoạn này, thông điệp của chính phủ cho người dân thực sự khó hiểu. Thật đáng lo ngại khi lệnh phong tỏa khiến thành phố Milan và khu vực Lombardy (nơi đóng góp đáng kể cho GDP của Italy) phải chịu thiệt hại về kinh tế.
Trên mạng, người dân thi nhau để các hashtag như #milanowontstop, #italiawontstop (Milan sẽ không dừng lại, Italy sẽ không dừng lại). Chúng tôi được khuyến khích vẫn giữ nhịp sống thường ngày để chứng tỏ rằng mình không sợ hãi.
Nhưng không lâu sau, nỗi lo âu của chúng tôi chuyển hướng sang khả năng ứng phó với dịch bệnh của hệ thống y tế công. Đây không phải là lúc để chúng tôi trở lại với nhịp sống thường ngày. Rõ ràng là chưa phải lúc.
Tôi bắt đầu đọc tin tức từ bệnh viện và bài phỏng vấn trực tiếp các y bác sĩ cho thấy tình hình rất đáng báo động. Tôi cố gắng tìm khắp mặt báo tin gì đó tốt lành hơn là tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh.
Tôi dần quen với các khuyến nghị từ những nhà dịch tễ học uy tín nhất của Italy. Họ liên tục được truyền thông săn đón để giải thích về bệnh dịch dựa trên cơ sở khoa học, và nhận định về ý nghĩa của các con số.
Mattia, bệnh nhân số 1, vẫn đang chiến đấu giành mạng sống từ tay “tử thần” Covid-19. Anh ấy đã hôn mê và phải đặt nội khí quản. Mỗi sáng thức dậy tôi đều hy vọng có tin vui về Mattia. Nếu anh ấy có thể vượt qua được “cửa tử”, chúng tôi cũng có thể làm được.
Ngày 4/3, thủ tướng Italy ra lệnh đóng cửa trường học trên cả nước.
Quá nhiều người nhiễm bệnh cùng lúc khiến bộ phận điều trị tích cực tại các bệnh viện bị quá tải nghiêm trọng. Ca làm việc của y bác sĩ tưởng chừng như không bao giờ kết thúc. Với tình trạng như thế này, hệ thống y tế sẽ sớm không còn chịu đựng được.
Hình ảnh một y tá ngã gục khi vẫn đang đeo khẩu trang trở thành biểu tượng cho các nhân viên y tế trong giai đoạn này, khi họ phải làm việc quá sức còn hệ thống y tế bị quá tải.
Chính quyền địa phương và các bệnh viện đang dựng lên các phòng bệnh tạm thời, trong khi lực lượng dân phòng được điều động để mua máy thở, khẩu trang và vật tư y tế cần thiết khác. Khu vực Lombardy nơi tôi sinh sống có hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyệt vời và phản ứng hiệu quả trước khủng hoảng. Nhưng khả năng của nó vẫn có hạn.
Hình ảnh một y tá ngã gục khi vẫn đang đeo khẩu trang trở thành biểu tượng cho các nhân viên y tế trong giai đoạn này, khi họ phải làm việc quá sức còn hệ thống y tế bị quá tải.
Đáng báo động là khoảng 10% y bác sĩ vùng này không thể tiếp tục làm việc vì đã nhiễm virus corona và đang được cách ly, theo lãnh đạo cơ quan y tế vùng Lombardy, ông Giulio Gallera.
Động thái chưa từng có
Trong hai tuần đầu tiên kể từ khi rơi vào tình trạng khẩn cấp, cuộc sống người dân ở đây bị đảo lộn: Trường học đóng cửa, làm việc qua Internet, không được đi xem phim, không đi bảo tàng, không tụ tập trong quán rượu. Chúng tôi còn không được uống cà phê tại quầy, dù ngày thường đó là việc ưa thích của người Italy.
Nhưng chúng tôi vẫn đi chơi trong tâm thế cẩn trọng. Các cửa hàng vẫn mở cửa. Chúng tôi tổ chức tiệc ở nhà thay vì ra quán bar. Chúng tôi vẫn có thể tụ tập cùng một vài người bạn, dù phải giữ khoảng cách với nhau và tránh ôm, hôn. Dù vậy, chúng tôi lại thấy đoàn kết hơn trong giai đoạn đầy bất an này.
Lúc đó là tối thứ 7, tôi ở nhà cùng một vài người bạn, lắng nghe tin tức về bản dự thảo mà chính phủ đang thảo luận. Lombardy và 14 tỉnh khác sắp trở thành vùng đỏ. Vào lúc 2h30 sáng, Thủ tướng Giuseppe Conte xác nhận Italy đang tiến một bước vào cuộc chiến.
Về cơ bản, hầu hết miền Bắc Italy bị phong tỏa. Mọi phương tiện di chuyển trong và đến hoặc ra khỏi vùng đỏ chỉ được cấp phép với lý do công việc, tình huống khẩn cấp và nhu cầu chính đáng. Tất cả quán bar và nhà hàng phải đóng cửa sau 18h.
Chúng tôi vẫn trêu nhau chắc đến già vẫn sẽ nhớ về quãng thời gian Lombardy bị phong tỏa.
Tôi biết người Italy thường phản ứng thái quá, nhưng đây thực sự là động thái chưa từng có, và có lẽ là quyết định kịch tính nhất của Italy kể từ Thế chiến II. Nhưng chỉ 2 ngày sau, vào ngày 9/3, quyết định này cũng không còn là đủ.
Đây thực sự là động thái chưa từng có, và có lẽ là quyết định kịch tính nhất của Italy kể từ Thế chiến II.
Italy chính thức bị phong tỏa. Toàn bộ Italy. Sắc lệnh được tóm tắt trong câu khẩu hiệu: “Tôi sẽ ở nhà”. Lý do rất đơn giản: Ở nhà càng nhiều, virus càng ít lây lan.
Động thái cuối cùng diễn ra vào ngày 11/3: Chính phủ quyết định đóng cửa tất cả hoạt động thương mại “không cần thiết” cho đến ngày 25/3. Chỉ siêu thị, cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, trạm xăng, quầy thuốc lá, tiệm giặt ủi và ngân hàng được phép hoạt động.
Các trường học (bao gồm đại học) trên khắp Italy sẽ đóng cửa đến ngày 3/4, cùng với các rạp chiếu phim, nhà hát, vũ trường, quán rượu, bể bơi, phòng tập gym và trung tâm thể thao. Tất cả sự kiện hòa nhạc, hội chợ, sự kiện thể thao sẽ bị tạm hoãn.
Lệnh phong tỏa có ảnh hưởng nhất đến giao thông và du lịch. Ngay cả trong khu vực mình sinh sống, bạn chỉ có thể di chuyển nếu có lý do thực sự cần thiết vì công việc, sức khỏe hoặc trường hợp khẩn cấp. Và bạn phải điền vào giấy thông hành.
Giải bóng rổ của tôi đang bị tạm hoãn. Ban tổ chức đang bàn kế hoạch nối lại hoạt động sau khi dịch bệnh qua đi.
Cuối cùng cũng đã có tin tốt lành
Nhịp sống ở đây đang khác hoàn toàn so với thường ngày, và thực sự khó khăn cho một vận động viên như tôi. Nhưng tôi vẫn may mắn vì là một nhà báo tự do và có thể làm việc qua Internet.
Tôi chỉ ra ngoài để mua hàng tạp hóa. Không đến thăm bạn bè, tôi cắt mọi liên lạc không cần thiết, ở nhà nhiều nhất có thể. Thi thoảng tôi cũng đi dạo, hoặc chạy bộ để giữ dáng (dù nhiều người cho rằng không nên cả ra ngoài chạy bộ).
Ông bà mình còn phải đối mặt với chiến tranh, trong khi tôi chỉ phải ngồi nhà, xem phim trên Netflix và đọc sách.
Mỗi ngày vào lúc 18h tối, lực lượng dân phòng sẽ tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh. Theo dõi cuộc họp báo này giờ đã trở thành thói quen của tôi. Một trong những câu hỏi thường gặp nhất là về đi bộ và chạy bộ: Chúng tôi có được phép làm thế không? Câu trả lời là có, và không.
Chúng tôi có thể vận động thể chất, nhưng với điều kiện phải giữ khoảng cách 1 m với nhau. Nhưng tốt nhất vẫn là ở nhà càng nhiều càng tốt và hạn chế tối đa việc đi ra ngoài. Tôi sống một mình và hôm nay, khi mẹ tôi đi siêu thị, tôi phải chào mẹ từ ban công. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm vào lúc này.
Tuần rồi chúng tôi vừa tổ chức sinh nhật cho một người bạn qua Skype. Thật là siêu ảo. Nhưng tôi phải tự động viên bằng cách nghĩ: Ông bà mình còn phải đối mặt với chiến tranh, trong khi tôi chỉ phải ngồi nhà, xem phim trên Netflix và đọc sách. Mức độ này thì tôi vẫn có thể vượt qua được.
Vài ngày qua thực sự hỗn loạn. Kịch bản được thay đổi liên tục. Giờ đây, ít nhất chúng tôi biết được mình phải làm gì trong 3 tuần tới, đó là ở nhà. Chúng tôi đang chờ đợi hiệu quả của biện pháp này trong hai tuần tới.
Alessandro Manzoni, nhà thơ và tiểu thuyết gia vĩ đại người Italy, trong kiệt tác của mình hơn hai thế kỷ trước đã mô tả cách bệnh dịch hạch càn quét Milan vào năm 1600.
Tôi vừa nghe nói Mattia - bệnh nhân số 1 - vẫn ổn, đã có thể tự thở không cần máy. Cuối cùng cũng có một tin tốt lành.
Giờ đây, sau 4 thế kỷ, thật đáng kinh ngạc là phản ứng và cảm xúc của người dân trên toàn thế giới trước dịch bệnh vẫn y như vậy. Chúng ta sẽ học được điều gì đó từ thảm kịch này.
Là người Italy, chúng tôi thường tự trách mình thiếu ý thức thực hiện nghĩa vụ công dân. Theo một cách nào đó, chúng tôi là một đất nước trẻ, mới thống nhất được 159 năm.
Chúng tôi vẫn đang tự xây dựng ý thức cộng đồng. Thế nhưng, chắc chắn chúng tôi đủ mạnh mẽ và sẽ đoàn kết để cùng nhau vượt qua dịch bệnh lần này.
Khi tôi viết những dòng này, các công viên công cộng của Milan vừa tuyên bố đóng cửa. Tôi vừa nghe nói Mattia - bệnh nhân số 1 - vẫn ổn, đã có thể tự thở không cần máy.
Cuối cùng cũng có một tin tốt lành.