1.400 km là khoảng cách từ TP.HCM đến TP Vinh (Nghệ An). Chúng tôi đã không gặp nhau từ khi dịch bùng phát đến nay.
Zing chia sẻ câu chuyện của Chung Vũ Minh Hương (1997, TP Vinh). Giống với nhiều đôi khác, trong dịch Covid-19, Minh Hương và bạn trai Nhật Duy (1997, TP.HCM) đành yêu xa dù ở cách nhau chỉ hơn nghìn cây số.
Lần yêu xa lâu nhất trong 5 năm
Đến cuối tháng 9/2021, tôi và người yêu đã quen nhau tròn 5 năm.
Nhà tôi ở TP Vinh còn anh lớn lên ở TP.HCM. Chúng tôi gặp nhau trong những năm Đại học. Trước dịch, tôi là một giáo viên dạy kỹ năng sống. Cả hai rất ít khi xa nhau, trừ mỗi dịp Tết khi tôi về nhà khoảng 1 tháng.
Khi TP.HCM giãn cách xã hội và học sinh không đến trường, tôi quyết định về với gia đình trong 1-2 tuần, chưa từng nghĩ tôi sẽ ở nhà 4 tháng tiếp theo - xa anh, xa TP.HCM đến 1.400 km.
Tuy tôi từng có những chuyến công tác tại Campuchia, Hà Nội, lần yêu xa này hoàn toàn khác biệt với tôi. Lý do là cả tôi và anh đều không rõ khi nào được gặp lại.
Yêu xa không dễ, nhưng có thể thích nghi
Với những người chưa bao giờ yêu xa, việc không gặp nhau 3-4 tháng có thể gây bối rối. Sau một thời gian tập làm quen với điều này, tôi nghĩ mình đã rút ra một số kinh nghiệm sau.
Thể hiện cảm xúc thẳng thắn và chân thành
Lúc trước, tôi thường nghĩ: "Mình hành động như vậy, thể hiện thái độ như vậy thì anh chắc chắn phải hiểu mình muốn gì". Nhưng, khi không còn ngồi với nhau trực tiếp, tôi học được rằng mong muốn trên hoàn toàn thiếu thực tế.
Hai cá thể khác nhau rất khó để nắm bắt tâm ý nhau 100%. Hơn nữa, việc suy diễn tư tưởng của người khác nhưng chệch ý còn là nguyên nhân khiến nhiều đôi tan vỡ.
Vì chúng tôi trạc tuổi nhau nên có thể tranh luận về bất cứ điều gì, từ công việc, bạn bè đến góc nhìn đối với những vấn đề diễn ra trên mạng.
Hiện tại, mâu thuẫn vẫn là chuyện "như cơm bữa", nhưng chúng tôi không ngại nói cho đối phương biết cảm nhận của mình. Đôi khi, tôi còn hướng dẫn anh cách làm lành.
Bày tỏ tình cảm bằng lời nói
Ở xa nghĩa là tôi và anh không thể dùng hành động để thể hiện tình cảm. Do đó, chúng tôi tập nói ra dù không dễ dàng.
Mỗi lần gọi điện thoại, chúng tôi thường mở đầu bằng một lời yêu thương. Cả hai đều ngượng ngùng lúc đầu, nhưng hiện đã quen hơn sau 4 tháng.
Thường xuyên "báo cáo"
Tôi kể cho anh nghe tất cả chuyện vui, chuyện buồn, thậm chí những điều nhỏ nhặt nhất trong ngày. Không mất quá nhiều thời gian, không cần đối phương phải hồi âm ngay, 1-2 tin nhắn cũng đủ để chúng tôi cập nhật cảm xúc tức thì.
Ví dụ, tôi biết anh ăn trưa lúc mấy giờ khi nhận hình ảnh món bún khô mẹ anh nấu. Anh hiểu tôi vẫn khỏe khi tôi nói kết quả kiểm tra Covid-19 chiều nay.
Cách này giúp đôi bên nhắc nhau nhớ rằng người kia vẫn ổn. Ngoài ra, tôi biết luôn có một người lắng nghe mình. Trong thời gian này, đó là điều cần thiết nhất.
Hiểu lịch trình của nhau
Khi bạn ở bên ai đó đủ lâu và hiểu cuộc sống của họ, việc dành ít thời gian trò chuyện sẽ không là vấn đề, miễn mỗi khoảnh khắc với nhau đều chất lượng.
Ở nhà, người yêu tôi vẫn làm việc online theo giờ hành chính. Vì vậy, tôi hạn chế làm phiền và hoàn toàn thông cảm nếu anh không trả lời tin nhắn của mình. Chúng tôi thống nhất không gọi nhau vào thời gian dành riêng cho gia đình, và vì tôi là tuýp người làm việc buổi tối, nên cả hai sẽ kết thúc cuộc gọi sớm để tôi tập trung hơn.
Thay vào đó, chúng tôi có thể mở video call, tắt tiếng và làm việc chung một vài ngày. Đồng thời, tôi và anh tìm các bài tập thể dục để tập cùng nhau.
Lập kế hoạch ngắn hạn
Chúng tôi không rõ bao giờ mới có thể gặp nhau, hẹn hò hay du lịch. Do đó, thay vì lập kế hoạch dài hạn cho ngày gặp lại, hai người chọn tính toán theo ngày.
Cụ thể, nếu tôi muốn rủ anh cùng xem phim online vào cuối tuần, thì tôi sẽ hẹn trước để anh tiện sắp xếp công việc. Tương tự với kế hoạch tập đàn và hát bài "Mong sao hết dịch" của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Những cuộc hẹn nhỏ như trên giúp chúng tôi có động lực làm việc, thư giãn đầu óc và tận hưởng mỗi 24h xa nhau.
Cơ hội để mỗi người phát triển bản thân
Với tôi, thời gian yêu xa là cơ hội để cả hai có không gian cá nhân, tích lũy thêm vốn sống và nghĩ về định hướng tương lai.
Nếu tôi nói rằng mình không gặp căng thẳng thì không đúng. Tuy nhiên, tôi hiểu ai cũng có nỗi lo riêng. Việc có người yêu đồng trang lứa nghĩa là cả hai sẽ cùng nhau trải qua hầu hết khó khăn tuổi trẻ. Thi thoảng, nếu một trong hai người thấy mệt thì người kia sẽ đùa: "Cứ sống vui qua dịch, việc còn lại để anh/em lo."
Anh khỏe mạnh, tôi khỏe mạnh và gia đình hai bên cũng vậy. Đó là điều đáng để biết ơn.