Quán đã hoàn thiện được 80% thì lockdown kéo dài 4 tháng, đồ đạc bị mất trộm. Chồng tôi cũng nhiễm Covid-19 khi đang sửa lại quán.
Zing chia sẻ câu chuyện vượt qua khó khăn thời dịch bệnh để kinh doanh của Thu Thuỷ (sinh năm 1993, Bình Thạnh).
Gặp muôn vàn khó khăn vì dịch bệnh
Tôi và chồng từng mở quán cà phê ở Đà Lạt và vượt qua giai đoạn khó khăn năm 2020. Đến năm 2021, chúng tôi nghĩ không thể cứ ngồi yên đợi dịch mãi. Vậy là, hai vợ chồng bắt tay vào làm quán cà phê ở TP.HCM.
Thời điểm đó, do Covid-19 nên tôi dễ dàng tìm được mặt bằng lớn, vị trí đẹp với giá mềm hơn bình thường rất nhiều. Mặt bằng tôi thuê rộng 330 m2, có giá 30 triệu đồng/tháng.
Vì những khoản tiền để dành trước đó đã để mua nhà và đầu tư làm quán trên Đà Lạt nên tôi phải vay ngân hàng 1 tỷ đồng, trả trong vòng 15 năm. Ban đầu, tôi dự định làm quán hết 750 triệu đồng, đã bao gồm tiền cọc và tiền nhà 3 tháng. Số tiền còn lại để đề phòng những khoản phát sinh.
Tháng 6, tôi vừa ký hợp đồng thuê mặt bằng và bắt tay vào thi công quán thì tình hình trở nên xấu đi. Số ca nhiễm ngày một tăng cao. Lúc đó, tôi tự trấn an mình rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát trong vòng 1-2 tháng. Thế nhưng từ tháng 7, thành phố lockdown suốt 4 tháng.
Lúc này, quán tôi đã xây dựng được khoảng 80%. Tiền đầu tư đã đội lên khoảng 1 tỷ đồng.
Vì thành phố lockdown, tôi phải tạm hoãn hết việc hoàn thiện quán. 2 vợ chồng ngồi nhà mà lòng như lửa đốt. Cây cối sau mấy tháng trời may mắn nhờ trời mưa nên vẫn sống sót. Tuy vậy, đồ nội thất trong quán bị mất trộm gần hết nên tôi phải tốn tiền sắm sửa lại.
Sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, tôi cùng chồng sang sửa chữa quán. Chỉ 5 ngày sau, anh bị nhiễm Covid-19. Hai vợ chồng lại phải cách ly ở nhà 5 ngày.
Sau 4 tháng gánh tiền mặt bằng chưa kinh doanh được gì, tôi chuẩn bị phải đóng tiếp tiền nhà 3 tháng.
Thời điểm đó, tôi rất nản.
Biết ơn khi vượt qua khó khăn
Vì tất cả vốn liếng của 2 vợ chồng đều đã nằm ở đây nên tôi quyết tâm không bỏ cuộc.
Đầu tiên, tôi xin chủ nhà và thợ thầu khất nợ đến khi quán hoạt động có kinh phí tôi sẽ trả đủ. Khi được họ giúp đỡ lùi hạn đóng tiền nhà, trả tiền công tôi cảm thấy rất trân quý. Người dưng nước lã vẫn dang tay giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn, đó là may mắn tôi có được.
Khi sửa lại quán, tôi cắt hết những chi phí không cần thiết hoặc để mua sau. Ví dụ, tôi chưa mua máy pha cà phê mà dùng phin pha cà phê để tiết kiệm chi phí. Tôi cũng tạm thời sử dụng loa máy tính rồi mới đầu tư hệ thống loa riêng. Đồ nội thất của quán tôi mua đồ thanh lý để giảm giá thành.
Tôi ưu tiên hoàn thiện không gian quán để có thể đi vào kinh doanh sớm nhất có thể.
Đến cuối tháng 10, quán tôi đã khai trương. May mắn là quán được nhiều bạn trẻ ủng hộ nhờ mô hình gần gũi với thiên nhiên và phong cách trẻ trung. Buổi tối không gian ở ngoài mát mẻ nên tôi tổ chức thêm các đêm nhạc acoustic để thu hút khách hàng.
Hiện tại, quán đã có doanh thu ổn định. Tôi đã có tiền để trả nợ cho chủ nhà, thầu xây dựng và tiếp tục tái đầu tư vào quán. Nếu duy trì doanh thu ổn định, tôi sẽ sớm có lời.
Nhiều người vẫn nói rằng chúng tôi quá liều lĩnh khi làm quán cà phê giữa mùa dịch. Thành thật, nếu biết thời gian lockdown kéo dài 4 tháng, tôi sẽ không dám làm.
Nhưng tôi từng khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, mua được nhà, cũng từng gánh những khoản nợ to nhỏ. Vì vậy, tôi không ngại thử thách bản thân. Trong kinh doanh tôi đã có những sai lầm, phải trải qua thời điểm không thuận buồm xuôi gió. Dù vậy, trong rủi ro luôn có cơ hội thắng lợi. Nếu không làm đến cùng, tôi xác định mình không thể có được cuộc sống tốt hơn cho cả gia đình và con cái.
Hiện tại tôi chưa nói được trước điều gì, cũng chưa dư dả đồng nào trong tay. Nhưng tôi và chồng coi như đã chiến thắng bản thân, chiến thắng nỗi sợ hãi khi đứng trên núi nợ. Cuối cùng, những bài học còn lại và tấm chân tình của những người đã giúp đỡ tôi là điều tôi sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn.