Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TP.HCM lên phương án điều trị 15.000 người mắc Covid-19

Để sẵn sàng cho số ca mắc Covid-19 gia tăng trong thời gian tới, ngành y tế TP.HCM chuẩn bị 4 bệnh viện dã chiến với quy mô 12.000 giường.

Sở Y tế TP.HCM thông tin số F0 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn vượt mốc 7.000 ca. Dự báo trong thời gian tới, bệnh nhân tiếp tục tăng nhanh, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Y tế, TP.HCM đã chuẩn bị kịch bản ứng phó khi có 10.000 - 15.000 ca mắc trên địa bàn.

4 bệnh viện dã chiến với 12.000 giường

Hiện tại, dịch Covid-19 ở TP.HCM diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh. Bình Tân là quận có số lượng bệnh nhân cao nhất.

Tính đến sáng 8/7, thành phố ghi nhận 8.385 ca mắc Covid-19. Các cơ sở y tế trên địa bàn đang điều trị cho hơn 7.200 F0. Ngoài ra, 16 bệnh nhân đã tử vong trong làn sóng Covid-19 thứ 4.

Để tiếp nhận và điều trị các ca mắc mới hoặc trường hợp đang cách ly không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, TP.HCM đã đưa vào hoạt động thêm Bệnh viện dã chiến ở Thủ Thiêm (Bệnh viện dã chiến số 3) tại khu nhà tái định cư ở TP Thủ Đức và Bệnh viện dã chiến số 4 ở khu tái định cư, huyện Bình Chánh. Cả hai cơ sở y tế này đều có quy mô 3.000 giường.

Như vậy, tổng công suất tiếp nhận, điều trị tại 4 bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP.HCM lên đến 12.000 giường.

O dich Covid-19 tai TP.HCM anh 1

Các xe cấp cứu được huy động đến Bệnh viện dã chiến số 3 vào chiều 7/7 để tiếp đón các F0 đầu tiên. Ảnh: Phương Lâm.

Ngoài ra, 5.000 giường khác được chuyển đổi công năng từ các bệnh viện chuyên tiếp nhận, chữa trị cho F0.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến này là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.

Chi viện nhân lực theo nhu cầu thực tế của TP.HCM

Dự báo áp lực điều trị khi số lượng bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, TP.HCM đã huy động tổng lực nhân sự từ các đơn vị trên địa bàn.

Lực lượng chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM cùng nhân viên y tế trên địa bàn thành phố đã được điều động luân phiên đến công tác tại 4 bệnh viện dã chiến. Thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần. Lực lượng này sẽ lưu trú tại bệnh viện dã chiến và không trở về nhà khi nhận nhiệm vụ.

Trung tâm Cấp cứu 115 cũng được huy động và chịu trách nhiệm bố trí các nhân lực, xe cấp cứu thường trực 24/24 tại các bệnh viện dã chiến để kịp thời vận chuyển người bệnh diễn biến nặng đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19.

Đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ liên hệ và điều phối xe chuyên phục vụ chống dịch Covid-19 đến các điểm cách ly tạm để vận chuyển F0 đến các bệnh viện dã chiến.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết nhiều tỉnh, thành chủ động đăng ký sẵn sàng cử nhân sự tham gia "chia lửa" cho TP.HCM. Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý số lượng nhân sự được điều động sẽ dựa trên nhu cầu thực tế của thành phố. Từ đó, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều động phù hợp.

O dich Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Nhân viên y tế giám sát và xử lý ổ dịch tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Theo Thứ trưởng Sơn, Bộ Y tế sẽ điều động khoảng 10.000 nhân viên y tế tham gia hỗ trợ. Nếu chỉ tính riêng các đơn vị y tế tuyến trung ương trên địa bàn, Bộ có thể điều tới 5.000 người tham gia chống dịch.

Lực lượng này bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên từ các trường (Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)..., các bệnh viện trung ương trên địa bàn TP.HCM (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM…).

Bộ Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ Quốc phòng để huy động sự hỗ trợ từ lực lượng quân y trực thuộc, đóng trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong sáng 7/7, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang làm việc với từng quận, huyện trên địa bàn, xác định rõ nhu cầu nhân lực, công tác tại từng đơn vị để có kế hoạch điều phối, phối hợp, tăng cường phù hợp.

Đồng thời, TP.HCM cũng đã liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, thực phẩm, di chuyển…, để có sự bố trí thích hợp, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch tại từng địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP.HCM lập danh sách chi tiết về số lượng nhân sự cần được chi viện theo từng mục đích, bao gồm hỗ trợ công tác lấy mẫu, bù khuyết vào các trường hợp nhân sự được điều chuyển, bác sĩ, điều dưỡng tham gia hỗ trợ điều trị tại bệnh viện dã chiến; nhu cầu nhân sự để “đảo quân” với những người thuộc lực lượng tuyến đầu đã tham gia công tác trong suốt thời gian vừa qua.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tổng cộng 14 ổ dịch đang được theo dõi trên địa bàn. Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng là 15 ngày.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, dù số ca nhiễm đang tăng nhanh, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống. Ông khẳng định đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng nên người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người và "bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố".

Nguồn lây của đợt dịch Covid-19 đang bùng phát tại các tỉnh phía Nam

Sau ổ dịch lớn tại TP.HCM, 17 địa phương ở khu vực phía Nam cũng ghi nhận bệnh nhân Covid-19.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm