Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM trước nguy cơ quá tải khi thông tuyến bảo hiểm y tế

Từ 1/1/2021, bệnh nhân các tỉnh khi điều trị nội trú tại TP.HCM vẫn được chi trả 100% bảo hiểm y tế mà không cần giấy chuyển tuyến.

Sở Y tế TP.HCM nhận định dù thuận lợi cho người dân, điều này lại trở thành nỗi lo không nhỏ của các bệnh viện trong thành phố, vốn là cơ sở y tế tuyến cuối của khu vực phía Nam theo phân công của Bộ Y tế.

TP.HCM qua tai khi thong tuyen BHYT anh 1

Liên thông BHYT mang nhiều lợi ích cho người dân song nhiều bệnh viện sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu. Ảnh: Liêu Lãm.

Hiện tất cả bệnh viện của thành phố đều tự chủ chi thường xuyên (trừ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Bệnh viện Tâm Thần, Bệnh viện Nhân Ái, Khu điều trị Phong Bến Sắn), nhất là phương thức giao dự toán chi của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Do đó, khi xảy ra hiện tượng gia tăng đột ngột số lượng bệnh nhân nội trú, bệnh viện sẽ gặp khó khăn không nhỏ.

Sở Y tế TP.HCM xác định các bệnh viện tuyến cuối của thành phố phải thực hiện "nhiệm vụ kép": Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT theo luật định (liên thông tuyến tỉnh), đồng thời phải duy trì có hiệu quả các giải pháp giảm tải bệnh viện. Ngành Y tế TP.HCM đang xây dựng biện pháp sẵn sàng thích ứng với tình hình mới.

Đề xuất tăng dự toán chi quỹ bảo BHYT

Trong những năm qua, tại khu vực phía Nam, bình quân số lượt điều trị nội trú của người bệnh vượt tuyến BHYT tại các bệnh viện chiếm khoảng 3%. Chi phí khám, chữa bệnh của nhóm này chiếm khoảng 5% tổng chi khám chữa bệnh BHYT.

Nếu như trước đây, bệnh nhân nội trú vượt tuyến sẽ được BHXH thanh toán 60% chi phí điều trị, theo quy định mới, trường hợp này sẽ được hưởng 100%. Chưa kể khi bắt đầu liên thông, bệnh nhân khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu sẽ chuyển sang sử dụng thẻ BHYT.

Trong khi đó, mỗi năm, BHXH TP.HCM giao cho mỗi bệnh viện mức dự toán nhất định. Bệnh viện chi vượt dự toán, có thể sẽ không được bảo hiểm thanh toán. Như vậy, Sở Y tế TP.HCM khẳng định cần điều chỉnh tăng dự toán chi khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện tại thành phố.

TP.HCM qua tai khi thong tuyen BHYT anh 2

Các bệnh viện có thể phải đề xuất tăng dự toán nếu số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tăng đột biến. Ảnh: Duy Hiệu.

Dự kiến, cơ quan này sẽ đề xuất Bộ Y tế và BHXH Việt Nam bổ sung giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM và BHXH TP.HCM sẽ sơ kết tình hình trên địa bàn theo từng quý trong năm 2021 để chủ động đề xuất điều chỉnh dự toán chi khám chữa bệnh BHYT phù hợp.

Ngoài ra, toàn ngành y tế thành phố cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh BHYT cho người dân và người bệnh. Đặc biệt là nâng cao năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, trạm y tế phường, xã đổi mới hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình..., tránh yêu cầu chuyến tiếp người bệnh đến các bệnh viện thành phố khi chưa thật cần thiết.

Nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến quận, huyện

Sở Y tế TP.HCM nhận định liên thông BHYT tuyến tỉnh là thách thức về năng lực điều trị nội trú của các bệnh viện quận, huyện trong bối cảnh các đơn vị này đã tự chủ chi thường xuyên.

Điều này đòi hỏi các bệnh viện quận, huyện phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển danh mục kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu mô hình bệnh tật, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn và quản trị bệnh viện phải được xem là ưu tiên hàng đầu.

TP.HCM qua tai khi thong tuyen BHYT anh 3

Trạm y tế nâng cao năng lực chuyên môn, có bác sĩ về hỗ trợ sẽ giúp người dân an tâm, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bên cạnh đó, các bệnh viện quận, huyện cần quan tâm, củng cố và đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng cho khu vực khám và điều trị ngoại trú, đa dạng hoá dịch vụ danh mục chuyên môn.

Sở Y tế TP.HCM tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho công tác chuyển đổi các trạm y tế phường, xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình trong giai đoạn 2020-2025. Hình ảnh người dân đến trạm y tế khám chữa bệnh sẽ được kết nối trực tuyến với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố mang lại nhiều niềm tin cho người dân.

Ngoài ra, các bệnh viện quận, huyện phải hỗ trợ nguồn nhân lực cho công tác khám, chữa bệnh tại các trạm y tế trên địa bàn. Cụ thể, bác sĩ tại bệnh viện quận, huyện được luân phiên 2 chiều về hỗ trợ khám chữa bệnh tại trạm y tế.

Cơ quan đứng đầu y tế TP.HCM nhấn mạnh việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân thành phố là hoạt động có ý nghĩa mang tầm chiến lược trong công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030.

Hoạt động này không thể tách rời với những nỗ lực để tạo niềm tin và thu hút người dân đến với trạm y tế trong thời gian qua. Sở Y tế TP.HCM xác định đây là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành y tế và đang xây dựng kế hoạch, trình UBND TP.HCM phê duyệt để sớm triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Bệnh nhân điều trị tại TP.HCM sẽ được chi trả bảo hiểm y tế thế nào?

Bệnh nhân từ tỉnh, thành khác đến điều trị nội trú TP.HCM sẽ được hưởng 100%, tuy nhiên, quy định này không áp dụng tại tất cả cơ sở y tế tại thành phố.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm