Trà sữa trân châu, đặc sản xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc), được kỳ vọng sẽ vươn xa toàn cầu và đi trên con đường ngày xưa của pizza Italy.
Các tín đồ của trà sữa trân châu hẳn đã nghe đến đủ thứ mỹ từ như "trà sữa số một Đài Loan", "trà sữa ngon nhất Đài Loan", "trà sữa chuẩn vị Đài Loan"...
Không phải ngẫu nhiên những cái nhất của trà sữa đều gắn với nơi này, bởi đơn giản, đây chính là quê hương của thứ đồ uống "gây nghiện" cho giới trẻ nhiều quốc gia.
Cho đến giờ, nhiều thành phố ở Đài Loan vẫn tranh cãi vấn đề đâu là quê nhà thật của trà sữa. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn uy tín, thành phố Đài Trung đã bắt đầu cho "thời đại trà sữa" từ những năm 1980.
Lưu Hán Giới với quyết định "điên rồ" đã tạo tiền đề cho trà sữa trân châu ra đời. Ảnh: SCMP. |
Ở Đài Trung năm ấy có một quán trà ô long tên Xuân Thủy Đường (Chun Shui Tang) do Lưu Hán Giới (Liu Han-Chieh) làm chủ. Một ngày nọ, ông bắt đầu suy nghĩ về cách mọi người uống trà. Lưu tự hỏi liệu người ta có thể thưởng trà mà không làm theo cách truyền thống không? Để giải đáp thắc mắc của chính mình, ông quyết định thực hiện một phương pháp táo bạo.
Lưu đổ trà sữa truyền thống vào một bình lắc cocktail. Sau đó, ông cho thêm đá vào, lắc đều rồi uống thử và thấy hương vị rất tuyệt. Việc cho đá vào trà thời điểm ấy bị xem là chuyện điên khùng nhưng Lưu Hán Giới không nghĩ vậy.
Ông thấy ở Nhật Bản, các cửa hàng phục vụ cà phê với đá, do đó, thay vì uống trà nóng, ông sẽ cho khách uống trà lạnh.
"Họ nói bố tôi có vấn đề bởi không ai uống trà như thế cả. Nhiều người chê nhưng đổi lại các bạn trẻ cảm thấy hứng thú với kiểu trà mới", Angela, con gái ông chủ Lưu, trả lời. Gần đây, cô đã xuất hiện ở Hong Kong (Trung Quốc) trong sự kiện khai trương quán trà Xuân Thủy Đường tại khu phố Cửu Long.
Quán Xuân Thủy Đường với những sự kết hợp ngẫu nhiên đã tạo ra trà sữa trân châu. Ảnh: Just Gola. |
Nếu coi Lưu Hán Giới là người mở đường cho "thời đại trà sữa" thì bà Lâm Tú Tuệ (Lin Hsiu-hui) khi ấy khoảng 20 tuổi, quản lý một cửa hàng thuộc chuỗi Xuân Thủy Đường, xứng đáng mang danh "mẹ đẻ" của trà sữa trân châu.
Năm 1987, ông Lưu mở một cuộc thi nội bộ để tìm ra công thức mới cho món trà sữa. Rất nhiều ý tưởng đã được nghĩ ra nhưng chẳng có phương án nào đủ sức thuyết phục vị giác của ông chủ Xuân Thủy Đường. Những tưởng cuộc tìm kiếm công thức sẽ rơi vào ngõ cụt, ông Lưu lại bất ngờ nhận được "cục vàng trên trời rơi xuống".
Họ nói bố tôi có vấn đề bởi không ai uống trà như thế cả.
Con gái Lưu Hán Giới kể về những chỉ trích món ăn mới của bố mình phải nhận
Do thích ăn trân châu từ bé, Lâm Tú Tuệ quyết định bỏ thêm thứ hạt dai dai này vào món trà lạnh ông chủ nghĩ ra. Sau khi cốc trà sữa kèm trân châu được chuyển đến cho các nhân viên khác dùng thử, họ đều đồng tình rằng hương vị rất ngon và sẽ trở thành một bước đột phá trên thị trường trà. Đó có thể xem như phiên bản đầu tiên của một cốc trà sữa trân châu trên thế giới.
"Ban đầu, cô ấy không trình lên bố tôi mà bán thử nghiệm khoảng một tuần. Khách hàng tỏ ra rất thích thứ đồ uống mới mẻ này", Angela chia sẻ trên SCMP.
Bên cạnh "sáng chế" này, những người đứng đầu Xuân Thủy Đường khi ấy cũng đưa ra một ý tưởng nâng tầm món đồ uống.
Thứ hạt đen đen, dai dai bên trong được họ đặt tên là "trân châu đen" (black pearl) khiến các thực khách tò mò muốn thử. Ban đầu trân châu được biết nhiều hơn với tên "boba" hay "tapioca ball". Cách gọi "trân châu đen" đã biến sự kết hợp hoàn hảo ấy thành một nét văn hóa độc đáo còn tồn tại đến tận bây giờ - văn hóa trà sữa trân châu.
Xuân Thủy Đường được xem như nơi đầu tiên làm ra trà sữa trân châu và có rất nhiều nguồn tin chính thống như CNN, South China Morning Post... công nhận. Tuy nhiên, tại Đài Loan, câu chuyện "tranh con" này dường như chưa bao giờ có hồi kết.
Không phải mọi người đều công nhận Xuân Thủy Đường là nơi đầu tiên làm ra trà sữa. Ảnh: Twitter. |
Quán trà Hàn Lâm (Hanlin) vẫn luôn tuyên bố ông chủ của họ, Đồ Tông Hòa (Tu Zonghe), mới là người tạo ra món trà sữa trân châu đầu tiên vào năm 1986.
Trong một lần đi chợ ở Đài Nam (Đài Loan), Đồ Tông Hòa bất chợt hứng thú trước những viên trân châu màu trắng (khi ấy vẫn gọi là tapioca ball). Dù chưa thực sự biết nên làm gì, ông vẫn quyết định mua chúng về nhà.
Sau một hồi ngẫm nghĩ, Đồ Tông Hòa nấu những viên trân châu lên rồi bỏ vào cốc trà sữa. Ngay từ ngụm đầu tiên, ông nhận ra đây chính là sự kết hợp hoàn hảo mà mình tìm kiếm bấy lâu và gọi thứ đồ uống này bằng cái tên "trà sữa trân châu". Ngày nay, nếu bạn có dịp ghé thăm quán trà Hàn Lâm, lựa chọn "trân châu trắng nguyên bản" vẫn được đặt trang trọng trong phần menu.
Tranh cãi không hồi kết giữa Xuân Thủy Đường và Hàn Lâm buộc đôi bên phải đưa nhau ra tòa và đều chịu án phạt cấm bán một thời gian. Sau đó, tòa cũng không thể đưa ra phán xét đâu mới là nơi đầu tiên làm ra trà sữa. Vì vậy, họ đành chấp nhận cái mác "cha đẻ" trên danh nghĩa chứ không có một giấy tờ chính thức nào.
Tuy nhiên, theo thời gian, Xuân Thủy Đường đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành "đế chế trà sữa" thật sự ở Đài Loan còn đối thủ Hàn Lâm chưa bao giờ được xếp ngang hàng.
Thực tế, không chỉ riêng hai thương hiệu này tranh nhau "bản quyền" trà sữa. Theo một vài nguồn tin, ý tưởng cho ly trà sữa lần đầu tiên được giới thiệu bởi một phụ nữ bán rong.
Do tình hình cạnh tranh gắt gao giữa các quán, bà đã suy nghĩ cách làm một loại trà khác biệt để thu hút khách hơn. Người này nảy ra ý tưởng đưa những hương vị hoa quả cũng như sữa vào món trà của mình. Sáng kiến của bà nhanh chóng được đón nhận với cái tên "trà bong bóng" (ám chỉ bong bóng nổi lên khi khách hàng lắc đều để quyện lẫn các hương vị với trà).
Không ai có thể phủ nhận mức độ phủ sóng của trà sữa trân châu ở chính quê nhà Đài Loan cũng như các nước châu Á. Theo ước tính từ Beverage Business World, riêng Đài Loan đã có tổng cộng 10.000 cơ sở trà sữa trân châu. Tính rộng khắp châu Á, con số này cũng phải ngót nghét vài chục nghìn.
Số liệu từ Taiwan Today cho biết trong năm 2011, Đài Loan đã phục vụ tổng cộng 18 triệu cốc trà sữa và con số hiện tại chắc chắn đã tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, trên thế giới, thứ đồ uống này vẫn chưa thực sự chiếm lĩnh được thị trường như tại quê nhà. Điển hình như Xuân Thủy Đường, quán đã "khai sinh" ra trà sữa trân châu cũng khá rụt rè với ý định đưa thương hiệu đến với thực khách quốc tế.
"Chúng tôi hiện có 30 cơ sở tại Đài Loan. Nhiều vị khách quốc tế đến đây đều chọn quán Xuân Thủy Đường để dùng thử trà sữa. Không ít lần, họ đề nghị chúng tôi mở rộng cơ sở ra nước ngoài nhưng điều này vẫn cần xem xét kỹ lưỡng. Phải mất tới 6 tháng để một nhân viên học thuộc lòng cách pha chế 80 loại trà trong thực đơn. Xuân Thủy Đường cần những người thực sự tận tâm", Lâm Tú Tuệ, nay là giám đốc phát triển của hãng, trả lời CNN.
Trà sữa sẽ trở nên phổ biến toàn cầu trong tương lai. Ảnh: HonestlyYum. |
Dù vậy, trà sữa trân châu vẫn đang có những bước đi tốt trên thương trường quốc tế. Phó giáo sư Krishnendu Ray, người chuyên nghiên cứu thực phẩm tại Đại học New York (Mỹ), nhận định trà sữa trân châu nói riêng và ẩm thực Trung Quốc nói chung đang đi cùng con đường trước kia với pizza.
"Trà sữa trân châu là loại đồ uống tương đối dễ tiếp nhận vì được phục vụ bằng cốc nhựa và ống hút. Sự kết hợp giữa trà sữa cùng những viên trân châu cũng tạo nên sự thích thú. Ngoài ra, giá thành món này khá rẻ nên mọi người đều có thể thử ít nhất một lần", Ray chia sẻ.
Theo nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp, đối tượng mà những người kinh doanh trà sữa trân châu hướng đến đang dần lấn sang tầng lớp trung lưu và cả cao cấp. Điều này giúp tăng giá trị của thứ đồ uống trong mắt khách hàng so với những thực phẩm dành cho tầng lớp nghèo.
"Giá trị của thực phẩm càng cao, việc lưu thông toàn cầu càng dễ, uy tín sẽ được nâng lên. Câu chuyện này từng xảy ra với thực phẩm Pháp, phim Mỹ, quảng cáo Mỹ hay những cuốn tiểu thuyết đến từ Anh".
Trà sữa trân châu hứa hẹn sẽ trở thành một phần của văn hóa toàn cầu.
Phó giáo sư Krishnendu Ray nhận xét
Nhìn cách các hàng trà sữa trân châu đang dần mọc lên trên khắp ngóc ngách ở New York (Mỹ), Ray có niềm tin vào đà phát triển của thứ đồ uống nguồn gốc Đài Loan này. Theo vị phó giáo sư, trà sữa trân châu có nhiều nét tương đồng với ẩm thực Italy.
Cuối thế kỷ 19, những người dân đầu tiên của xứ mì ống đã di cư tới Mỹ. Thời điểm này, những món ăn từ Italy bị chê khủng khiếp. Ở các thành phố của Mỹ, người ta hầu như chẳng thèm quan tâm đến ẩm thực Italy. Dù vậy, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt kể từ khi vô số nhà hàng Italy sang trọng xuất hiện vào những năm 1980.
"Ẩm thực Trung Quốc đang đi trên con đường của pizza khi xưa. Xuất phát từ Trung Quốc, trà sữa trân châu hứa hẹn sẽ trở thành một phần của văn hóa toàn cầu", Ray kết luận.