Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trách nhiệm bồi thường trong vụ khách mất xe SH khi đi uống cà phê

Luật sư cho biết việc bồi thường sẽ ưu tiên thỏa thuận của các bên. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, bên vi phạm nghĩa vụ trông giữ xe có trách nhiệm bồi thường cho khách.

Ngày 9/9, anh Phạm Đức Tâm (ở Hà Nội) tới quán Phê La số 2 Núi Trúc (phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) để uống cà phê và gửi chiếc Honda SH tại bãi trông giữ xe của quán. Khi gửi xe, anh Tâm được bảo vệ tiếp nhận và đưa vé xe.

Tuy nhiên, khi anh ra về, chiếc xe bị mất trộm. Vụ việc sau đó được trình báo lên cơ quan công an.

Theo thông tin từ phía Phê La, nhân viên bảo vệ là người thuộc Công ty Bảo vệ Sao Việt được quán thuê để làm nhiệm vụ. Sau khi sự việc xảy ra, quán cùng Công ty Sao Việt đã lập biên bản về việc mất xe, đồng thời trình báo cơ quan công an và lập hồ sơ vụ việc. Tới ngày 26/9, Phê La và anh Tâm gặp mặt tại Công an quận Ba Đình, đi đến thỏa thuận về việc quán sẽ bồi thường thiệt hại cho anh Tâm.

Trường hợp này, với việc bảo vệ là người của bên thứ 3, đơn vị này có phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường với quán không?

khach mat xe SH anh 1

Vé xe của anh Tâm tại Phê La. Ảnh: NVCC.

Luật sư Ngô Văn Thạnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết về nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường sẽ chia thành bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (đối với trường hợp cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản... của người khác). Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, cần làm rõ giữa khách hàng và quán đã xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản hay chưa.

Theo quy định, hợp đồng có thể giao kết bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể nếu pháp luật không quy định hình thức cụ thể cho hợp đồng đó. Trường hợp này, với việc anh Tâm đã nhận vé xe từ bảo vệ, có thể thấy giữa khách và quán đã phát sinh quan hệ giao dịch trong việc gửi giữ tài sản và. Bởi vậy, trong trường hợp bị mất tài sản, anh Tâm có quyền yêu cầu quán bồi thường thiệt hại xảy ra.

Trong hợp đồng gửi giữ tài sản, các Điều 556 và 557 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên giữ tài sản có trách nhiệm bảo quản tài sản đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. Trong khi đó, bên gửi tài sản có quyền yêu cầu lấy lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Bình luận về trách nhiệm liên đới giữa Phê La và Công ty Sao Việt, luật sư Thạnh cho biết theo nguyên tắc, việc bồi thường sẽ ưu tiên thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp này, cần xác định trong hợp đồng ký kết về việc thuê nhân sự giữa 2 bên có thỏa thuận về việc bồi thường khi xảy ra sự cố hay không. Nếu có, việc xác định và phân chia trách nhiệm của các bên như thế nào? Nếu không, 2 bên đã đạt được thỏa thuận miệng hợp pháp với nhau sau khi sự việc xảy ra hay chưa?

Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm, phạm vi công việc của nhân viên bảo vệ khi thỏa thuận nhận việc với Phê La, từ đó xác định người này có vi phạm nghĩa vụ khi trông giữ xe hay không.

Nếu các bên không có hoặc không đạt được thỏa thuận, việc bồi thường sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Theo Điều 360 Bộ luật này, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, việc bồi thường sẽ dựa trên thỏa thuận của các bên. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, Phê La và nhân viên bảo vệ sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định.

Có được hưởng lương khi nghỉ việc tránh bão Noru?

Theo luật sư, thời gian người lao động tạm nghỉ do bão được tính là thời gian ngừng việc. Mức lương khi đó do các bên thoả thuận nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Bồi thường thế nào trong vụ cháy quán karaoke làm 32 người chết

Luật sư cho rằng ngay cả khi vụ cháy xảy ra nguyên nhân bất khả kháng, chủ cơ sở kinh doanh vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm