Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái đắng khi giảm cân bằng 'những sản phẩm ngọt ngào'

Giảm cân bằng thực phẩm chức năng là phát minh thần kỳ hay cú lừa ngoạn mục?

Câu chuyện về cô gái 24 tuổi (Ấn Độ) mất mạng sau khi sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân của Herbalife đăng tải trên tạp chí khoa học chuyên ngành về gan - Journal of Clinical and Experimental Hepatology - khiến nhiều người lo lắng vì tình trạng lạm dụng do tin vào những lời quảng cáo "có cánh" của các loại sản phẩm này.

Theo thông tin trong bài báo, nạn nhân đã sử dụng 3 sản phẩm giảm cân của Herbalife trong bộ “Herbalife-slimming products”, bao gồm: Formula 1 Shake Mix, Personalized Protein Powder và Afresh Energy Drink.

Zing.vn xin đăng tải bài viết của TS.BS Phạm Nguyên Quý, chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản, đánh giá về tác dụng, mối nguy hiểm khi sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân.

Ngộ nhận về thuốc giảm cân

Đối với những người có mong muốn giảm cân mạnh mẽ, dùng thêm chất bổ sung (CBS) hay thực phẩm chức năng (TPCN) dường như là giải pháp thời thượng và diệu kỳ. Nếu tìm kiếm các CBS hoặc TPCN để giảm cân, người dùng không thiếu lựa chọn. Đa phần sản phẩm thường quảng cáo có tác dụng giúp kiềm chế cơn thèm ăn, nhanh no, tăng tốc độ trao đổi chất, chậm quá trình sản xuất chất béo và giúp cơ thể không hấp thụ chất béo từ thực phẩm.

Mặc dù những tuyên bố này không được hỗ trợ, chứng minh bởi nghiên cứu khoa học nghiêm túc, các nhà sản xuất và kinh doanh vẫn có nhiều cách hay để xây dựng mạng lưới quảng cáo tinh vi, đưa ra những lời hứa ngông cuồng về công hiệu của sản phẩm khiến người dùng “tin sái cổ”.

Những người thiếu kiến thức y khoa còn dễ tin vì sản phẩm CBS/TPCN này thường được đóng gói dưới dạng viên, bột với hướng dẫn “uống sau khi ăn”. Điều này khiến người ta lầm tưởng là “thuốc”. Trên thực tế, các loại “thuốc” hứa hẹn giúp giảm cân đều ẩn chứa nguy hiểm đối với sức khỏe. Chúng ta chỉ có thể phòng tránh bằng việc tăng kiến thức cho mình.

Chất cấm nguy hiểm từ “thuốc giảm cân”

Nhiều sản phẩm như TPCN hay CBS là vô hại. Một số có thể đem lại hiệu quả trong việc đốt cháy chất béo, tăng cường trao đổi chất hoặc tạo cảm giác no.

Tuy nhiên, một số thành phần phổ biến trong các sản phẩm giảm cân đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA, Mỹ) cấm vì các tác dụng phụ có hại như làm tăng nhịp tim, huyết áp, gây tiêu chảy, mất ngủ, suy thận, tổn thương gan...

Một số “bài học đau thương” nổi tiếng như:

Fen-Phen: Fenfluramine, một trong hai hoạt chất trong thuốc giảm cân với nhãn hiệu Fen-Phen, đã bị thu hồi vào cuối những năm 1990 sau khi bị phát hiện có liên quan đến các trường hợp tổn thương tim phổi.

Ephedra: Sau khi được bán rộng rãi như một thành phần trong chế độ ăn kiêng, thảo dược ephedra bắt nguồn từ Trung Quốc đã bị cấm vào năm 2004 vì có bằng chứng cho thấy việc sử dụng chúng có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Dù có ý kiến cho rằng ephedra có thể được sử dụng với liều thấp, phiên tòa phúc thẩm cấp liên bang năm 2006 đã khôi phục lệnh cấm ban đầu của FDA, nhấn mạnh sự nguy hiểm của ma hoàng khi được sử dụng như một chất bổ sung ở bất kỳ liều nào.

Hydroxycut: Các sản phẩm chứa hydroxycut đã bị cấm và thu hồi vào năm 2009 vì báo cáo về phản ứng bất lợi nghiêm trọng, bao gồm viêm gan và vàng da. Một khách hàng đã chết và người khác phải ghép gan khi sử dụng sản phẩm có chứa chất này.

Sibutramine: Đây là một loại thuốc theo toa được bán với tên Meridia, đã bị rút khỏi thị trường vào năm 2010 sau khi một nghiên cứu lâm sàng chỉ ra sản phẩm này có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, sibutramine ban đầu được xem là một giải pháp để giảm sự thèm ăn và giảm cân lâu dài. Nhà sản xuất đã tự nguyện ngừng sản xuất và rút sản phẩm này khỏi thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, một số TPCN/CBS vẫn lén sử dụng chất cấm này.

Gần đây nhất, FDA còn tìm thấy một số sản phẩm được bán trên thị trường như CBS có chứa fluoxetine, hoạt chất có trong điều trị trầm cảm. Sản phẩm khác có chứa triamterene, một loại thuốc lợi tiểu mạnh, có thể dẫn tới tác dụng phụ nghiêm trọng.

thuc pham chuc nang giam can anh 1
Mới đây, một cô gái 24 tuổi tại Ấn Độ đã tử vong sau khi dùng các sản phẩm giảm cân của Herbalife. Ảnh: Lamherbalifenutrition.

Rủi ro từ việc thiếu hiểu biết

Khi nỗ lực giảm cân, nhiều người có thể vô tình mắc sai lầm và để lại hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể:

- Lạm dụng các CBS/TPCN, dùng nhiều hơn liều đề nghị, làm tăng gánh nặng cho gan, thận và gây suy tạng, đột quỵ...

- Dùng các sản phẩm không được khuyến nghị cho người có cân nặng bình thường, thiếu cân.

- Kết hợp nhiều chất kích thích giảm cân hoặc kết hợp thuốc giảm cân với thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, gây tiêu chảy, mất nước và mất cân bằng điện giải.

Tại Nhật Bản, bác sĩ luôn thận trọng với các loại Đông dược vì một số thang thuốc Đông y cũng có hoạt chất gây tiêu chảy hoặc lợi tiểu.

Một trong những rủi ro khác của việc dùng CBS hay TPCN không kê đơn là bạn không thể chắc chắn về các thành phần trong sản phẩm đó.

Nhiều dược sĩ ở Nhật nói rằng không có gì đảm bảo là mỗi sản phẩm dạng viên/nhộng “giống thuốc” đó có đúng thành phần và liều lượng ghi trên nhãn. Đó là vì chúng không được kiểm định nghiêm khắc bởi các cục quản lý của chính phủ như FDA (Mỹ) hay PMDA (Nhật Bản). Vì thế, chúng không đảm bảo về chất lượng và độ an toàn.

Nhiều nhà sản xuất đã bị cáo buộc vì đưa ra tuyên bố sai về sản phẩm, hoặc tự thêm các hoạt chất không an toàn, thậm chí có hại vào món hàng. Do các nhà sản xuất có thể không liệt kê thành phần bị cấm trên nhãn mác, người tiêu dùng không nhận ra họ đang dùng các chất có hại.

Herbalife nói gì sau cái chết của cô gái 24 tuổi ở Ấn Độ?

Nạn nhân ​là một phụ nữ Ấn Độ 24 tuổi, được cho là đã tử vong sau 2 tháng sử dụng 3 sản phẩm giảm cân của Herbalife.

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý

Bạn có thể quan tâm