Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trải lòng từ người phụ nữ Việt đầu tiên lên đỉnh Everest

Nhiều kinh nghiệm "sinh tử" được Sherpa Temba Bhote và nhà leo núi Céiline Nhã Nguyễn chia sẻ trong buổi gặp gỡ những người trẻ Việt trên hành trình chinh phục nóc nhà thế giới.

Everest là ước mơ của rất nhiều người trong đó có nhiều bạn trẻ Việt. Tuy nhiên, hành trình chinh phục vốn không dễ dàng, các nhà leo núi phải đối diện với muôn vàn nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Để "truyền lửa" và mang đến những kinh nghiệm thực tế, hướng dẫn viên leo núi người Nepal - Temba Bhote và Céiline Nhã Nguyễn - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên summit thành công đỉnh Everest, đã có buổi giao lưu với người trẻ Việt đang ấp ủ giấc mơ Everest do Himalayas Adventure tổ chức.

Leo núi cần chuẩn bị từ từ, kỹ lưỡng, rõ ràng

Với 20 năm kinh nghiệp đưa những giấc mơ chinh phục Everest thành hiện thực, anh Temba Bhote cho rằng để chinh phục được những đỉnh núi ở vùng Himalaya, người leo nên bắt đầu với những đỉnh thấp hơn với độ cao khoảng 5.000 m. "Việc thích nghi với độ cao là điều rất quan trọng.

Bên cạnh việc rèn luyện thể lực, người leo cũng cần tập sức nặng", anh nói. Người leo phải tập luyện từ mức 10 kg trở lên để có thể tự mang những vật dụng trang bị cho các chuyến leo ở Himalaya. Từ độ cao trên 7000-7500 m, các bạn còn phải mang theo bình oxy và rất nhiều thứ khác.

Chinh phuc Everest anh 1

Sherpa Temba Bhote, người 10 lần thành công summit Everest. Ngoài ra, anh còn chinh phục được 9/14 đỉnh núi cao trên 8.000 m, 2 lần chinh phục đỉnh K2 huyền thoại. Ảnh: Linh Huỳnh.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Céiline Nhã Nguyễn cho rằng: "Leo núi không cần sức mạnh như những người tập gym mà cần sức bền". Chị tập luyện xen kẽ với cường độ nhanh - chậm để phát triển sức bền của cơ thể. Ngoài ra, cô duy trì đạp xe, leo cầu thang và leo núi thực địa ở gần TP.HCM như núi Dinh, Chứa Chan, Bà Đen...

Ở TP.HCM, Céiline Nhã Nguyễn đã tập luyện bằng cách mang balo leo lên leo xuống chung cư 50 tầng, được khoảng 6 lượt thì nghỉ. "Đi lên là một việc rất quan trọng nhưng đi xuống là việc liên quan đến tính mạng, vì khi mệt thì chính ta phải tự xuống núi", cô nói.

Céiline Nhã Nguyễn cho rằng không phải tự nhiên cơ thể của mỗi người có khả năng thích ứng với độ cao, ta phải phát triển khả năng thích ứng từ từ bằng cách leo những ngọn núi nhỏ ở độ cao 3.000 m, rồi tăng dần lên 4.000 m, 5.000 m.

Chinh phuc Everest anh 2

Nữ luật sư Céiline Nhã Nguyễn - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thành công lên đỉnh Everest vào năm 2022. Ảnh: Céiline Nha Nguyen.

"Đối với những ngọn núi từ 8.000 m, chúng ta phải làm một việc rất buồn chán đó là leo xoay vòng", Céiline Nhã Nguyễn nói. Từ Base Camp (trại nền), người leo phải đi lên Camp 1 rồi vòng xuống Base Camp. Tiếp đến, nhà leo núi phải lần lượt lên Camp 2, Camp 3, rồi vòng xuống Base Camp trước khi lên Camp 4 và summit đỉnh. "Việc ròng rã leo thế này trong vòng 2 tháng bào mòn sức lực thể chất và tinh thần của mọi người", cô chia sẻ.

Anh Hùng Cường (sống tại TP.HCM) cho biết anh đã thành công lên Everest Base Camp và chuẩn bị leo Mera Peak trong năm tới. "Đi rồi tôi lại muốn đi tiếp, để đến ước mơ Everest cần hành trình dài, tôi sẽ bắt đầu bằng việc lần lượt chinh phục những đỉnh núi từ thấp đến cao", anh chia sẻ

Trekking và expedition cách biệt khá xa

Có hai điểm khác biệt giữa trekking và expedition được khách mời chỉ ra đó là về độ cao và kỹ thuật.

Theo anh Tempa, ở Việt Nam, độ cao trekking vào khoảng trên dưới 2.000 m nhưng ở Nepal độ cao trekking từ 3.000-5000 m. Không khí và mức Oxy ở những độ cao này sẽ rất khác. Anh cho biết ở Nepal có những cung đèo ở độ cao khoảng 5.400 m, 5.600 m...có thể là bước đệm để nhà leo núi trải nghiệm những bước đệm để thử sức chịu đựng của cơ thể.

Việc chinh phục những ngọn núi có độ cao từ 6.000 m trở lên được xem là thám hiểm bởi ở độ cao này đa phần là núi đá phủ tuyết, người leo cần sự trợ giúp của những công cụ chuyên dụng.

Chia sẻ tại sự kiện, anh Nguyễn Mạnh Duy - CEO Himalayas Adventure cho biết: "Người leo nên lên kế hoạch cụ thể để tập luyện cho hành trình chinh phục nóc nhà thế giới. Những mốc độ cao nên được chia nhỏ thành từng khoảng 500 m để trải nghiệm và thích nghi".

Tại buổi giao lưu, mọi người có cơ hội tìm hiểu và học cách sử dụng một số thiết bị hỗ trợ leo núi tuyết như downsuit, giày bốt với móng mèo, rìu phá băng, những loại móc, khóa...

Chinh phuc Everest anh 3

Các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm những thiết bị leo núi chuyên dụng dành cho độ cao trên 6.000 m. Ảnh: Linh Huỳnh.

Theo Céiline Nhã Nguyễn, học cách sử dụng thiết bị cũng thú vị và không kém phần quan trọng. Để có thể mang đôi bốt nặng 5 kg di chuyển trên núi tuyết, cô phải tập luyện bằng cách mang tạ ở cổ chân và di chuyển khắp nhà.

Cô chia sẻ thêm, có những ngọn núi không cao lắm nhưng đòi hỏi người leo phải có nền tảng kỹ thuật tốt và cần sử dụng trang thiết cho leo núi cao độ hay leo núi đá. Cô từng leo lên đỉnh núi cao nhất châu Đại Dương - Carstensz Pyramid. Dù độ cao của núi này chỉ khoảng 4.900 m, để chinh phục nó, người leo phải sử dụng thiết bị leo núi đá hoàn toàn.

"Đây có thể xem là một chuyến expedition lớn đối với giới leo núi", cô nói.

Việc sử dụng thiết bị rất quan trọng. Người leo phải tìm hiểu và có trải nghiệm thực tế để có thể chọn được cho mình món đồ phù hợp nhất cũng như cách xử lý tình huống phát sinh.

Céiline Nhã Nguyễn cho rằng chúng ta không chỉ tập luyện cho việc lên đỉnh mà phải tích trữ đủ năng lượng và thể lực cho việc đi xuống núi an toàn. "Leo núi là đam mê nhưng an toàn là cái buộc chúng ta phải làm bằng được để trở về nhà", cô chia sẻ.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Linh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm