Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Rồng 5 móng' gây sốt ở Hong Kong vào Tết Giáp Thìn

Gặp gỡ "rồng 5 móng", ước nguyện trước "cây thần", xem múa rồng... là một số hoạt động nổi bật của người dân và du khách thập phương khi đón Tết Âm lịch tại Hong Kong.

Còn được biết đến với tên gọi "Lễ hội mùa xuân", Tết Nguyên đán là dịp để người dân Hong Kong (Trung Quốc) nói riêng và toàn thể cư dân châu Á nói chung tụ tập ăn mừng và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng mang đậm dấu ấn truyền thống.

Riêng tại Hong Kong, cư dân có 5 sự kiện thú vị để chào mừng năm Giáp Thìn, biến kỳ nghỉ lễ trở nên sôi động, phong phú và hấp dẫn hơn.

"Rồng vàng 5 móng"

Theo người dân Hong Kong, cách tốt nhất để bắt đầu năm con Rồng là tận mắt chứng kiến chú rồng ngoài đời thật.

Thực tế, đây là con thằn lằn nước được mệnh danh là “rồng vàng 5 móng”. Trong tháng 2 này, nó bỗng trở thành điểm thu hút khách đến với trang trại và vườn thực vật Kadoorie (KFBG) của quận Tai Po (Hong Kong).

Ngày 12, 13/2 sắp tới, KFBG sẽ cho phép du khách đến gặp Aberdeen, loài bò sát từng là đại sứ của KFBG suốt 8 năm sau khi được giải cứu khỏi nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Rong nam mong anh 1

Thằn lằn Aberdeen tại trang trại và vườn thực vật Kadoorie. Ảnh: KFBG.

Khi đến KFBG, du khách còn có thể ngắm nhìn cây hoa Tết Nguyên đán (tên khoa học là enkianthus quinqueflorus). Đây là một loài thực vật được bảo vệ ở Hong Kong, có thời kỳ nở hoa trùng với Tết Nguyên đán.

Những bông hoa đầu cành của cây trông giống như hình chuông nhỏ, trong khi loài thực vật này tượng trưng cho thi cử đỗ đạt và con đàn cháu đống.

Trước đây, người ta thường cắt cành cây để trang trí trong dịp lễ hội. Tuy nhiên, việc thu hoạch quá mức đã khiến chính quyền phải ban hành các quy định liên quan vào đầu thế kỷ XX - cấm hái hoa hoặc cắt cành lá - để phục vụ việc bảo tồn thực vật quý.

Cây ước nguyện

Chuyến viếng thăm cây ước nguyện Lam Tsuen ở Tai Po là một trong những truyền thống năm mới lâu đời nhất của Hong Kong.

Tọa lạc tại ngôi làng 700 tuổi Fong Ma Po, cây ước nguyện được người người truyền tai nhau về khả năng hiện thực hóa giấc mơ.

Rong nam mong anh 2

Cây ước nguyện. Ảnh: riitatawu.

Theo đó, người dân hoặc du khách chỉ cần viết điều ước của mình lên giấy vàng mã hoặc một tấm bảng, buộc vào một quả quýt rồi ném lên cành cây ước nguyện. Càng treo cao, điều ước càng dễ thành hiện thực.

Nếu đã có dịp đến Tai Po, bạn có thể chiêm ngưỡng không gian bừng sáng của đèn lồng hoa sen và các loại đèn lồng trang trí khác có in hình minh họa bắt mắt. Ngoài ra, chợ đêm ở Lam Tsuen cũng kéo dài đến ngày 13/2 để mọi người hòa mình vào không khí tưng bừng của Tết Nguyên đán.

Độ cao may mắn

Đài quan sát Sky 100 là một điểm ngắm cảnh trên tầng 100 của toà nhà cao nhất Hong Kong - Trung tâm Thương mại Quốc tế (ICC).

Người dân cho rằng tòa nhà này giúp mọi người tăng vận may bằng cách mời một thầy phong thủy dẫn dắt các chuyến tham quan lên tầng 100, kết hợp chia sẻ một số mẹo may mắn trong năm mới.

Rong nam mong anh 3

Qi Xian Yu tại đài quan sát Sky 100. Ảnh: Đài quan sát Sky 100.

Vị chuyên gia tên Qi Xian Yu sẽ đưa ra lời khuyên để đạt được thành công trong công việc, học tập, thậm chí gặp may mắn trong tình yêu.

Đại Lộ Lee Tung

Con đường dài 200 m, rợp bóng cây dành cho người đi bộ ở Wan Chai này nổi tiếng với các lễ hội đầy màu sắc. Năm nay cũng không ngoại lệ.

Những chiếc đèn lồng hình cá vàng sẽ nằm giữa biển đèn treo phía trên lối đi, trong khi tác phẩm sắp đặt rồng vàng dài 8 m tại Quảng trường Trung tâm sẽ là điểm nhấn chủ đạo.

Rong nam mong anh 4

Một đội đi cà kheo đến từ Đức sẽ biểu diễn tại Đại lộ Lee Tung. Ảnh: Đại lộ Lee Tung.

Đặc biệt, chương trình múa lân sư rồng ngoạn mục sẽ trở lại vào ngày 20/2 với sự xuất hiện của rồng vàng truyền thống cao hơn 25 m cùng với 5 con sư tử đầy màu sắc.

Trước đó, cuộc diễu hành mừng Tết Nguyên Đán được tổ chức bởi Tổng cục Du lịch Hong Kong sẽ diễn ra vào ngày 12/2, với sự góp mặt của 2 nhóm biểu diễn quốc tế “Giấc mơ vàng” của Tây Ban Nha và “Vũ trụ ánh sáng” - đội đi cà kheo gồm 8 thành viên đến từ Đức.

Lễ hội đèn lồng

Người dân Hong Kong cảm thấy không khí Tết Nguyên đán sẽ không vẹn tròn nếu thiếu đi hình ảnh vô số đèn lồng tỏa sáng khắp các địa điểm trong thành phố.

Một trong những nơi tốt nhất để ngắm nhìn chúng là tại các lễ hội đèn lồng được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau, ví dụ như Quảng trường Trung tâm Văn hóa Hong Kong ở Tsim Sha Tsui.

Rong nam mong anh 5

Một con rồng được tạo ra bởi bậc thầy chế tác giấy Chan Yiu-wah. Ảnh: LCD.

Nơi đây có mô hình rồng do bậc thầy làm giấy Chan Yiu-wah thiết kế, đồng thời được thắp sáng hàng ngày bởi những chiếc đèn lồng độc đáo. Khung giờ để khách tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp này là 18h hôm trước đến 11h trưa hôm sau, từ nay đến 25/2.

Song song đó, lễ hội hóa trang ngập tràn âm nhạc và những màn khiêu vũ sẽ được tổ chức từ ngày 20-25/2 ở đây, cộng với 3 địa điểm khác là công viên Velodrome Hong Kong, công viên Tin Shui Wai và Quảng trường Ginza.

TP.HCM dự kiến có thêm đường sách Nguyễn Đổng Chi

Đề án đường sách Nguyễn Đổng Chi nằm ở quận 7, dự kiến có chiều dài 120 m, chiều ngang 24 m với 18 ki-ốt các gian hàng triển lãm, gian hàng sách và các sản phẩm văn hóa. Đường sách sau khi được đưa vào hoạt động sẽ là nơi để tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về một chủ đề, thông tin, bình luận về những cuốn sách hay cho người dân, các hoạt động giáo dục, các cuộc triển lãm, đặc biệt là các hoạt động của Không gian sáng tạo, khởi nghiệp.

Mai Vũ

Bạn có thể quan tâm