Tháng 3, Hailey Bieber - vợ ca sĩ Justin Bieber - chia sẻ cô đã phải nhập viện vì những triệu chứng giống đột quỵ. Hơn một tháng sau vụ tai nạn, nữ người mẫu lần đầu lên tiếng, kể về những gì đã trải qua, cách cô vượt qua nó.
Triệu chứng đến bất ngờ
Theo tạp chí Elle, trong video dài 12 phút, Hailey tiết lộ lần đột quỵ đã khiến cô phải trải qua ca phẫu thuật vá lỗ hổng trong tim. Hiện tại, sức khỏe vợ của Justin Bieber hồi phục tốt.
Sự việc này xảy ra ngày 10/3, khi đang ăn sáng với chồng, cô đột nhiên "trải qua các triệu chứng giống như đột quỵ". Sau đó, cô được đưa đến một bệnh viện ở Palm Springs, California, cấp cứu. Họ phát hiện cô có một cục máu đông rất nhỏ trong não, gây ra tình trạng thiếu oxy. Người mẫu may mắn hồi phục trong vài giờ.
Khi bị đột quỵ, Hailey nhận thấy cảm giác kỳ lạ chạy dọc từ vai xuống cánh tay và ngón tay. “Nó khiến các đầu ngón tay của tôi tê cóng và rất kỳ lạ”, cô kể lại.
Justin Bieber vội vàng hỏi: “Em có ổn không” nhưng cô không thể trả lời hay phát âm ra bất kỳ từ nào. Nam ca sĩ tiếp tục lặp lại câu hỏi và Hailey vẫn không thể nói được. Cơ mặt bên phải của cô bắt đầu chảy xệ xuống, miệng như bị khóa.
Hailey chia sẻ bức ảnh chụp khi cô ở viện cấp cứu vì có triệu chứng đột quỵ. Ảnh: Hailey Bieber. |
“Ngay lập tức tôi nghĩ mình đang bị đột quỵ, một cơn đột quỵ toàn phát. Anh ấy cũng nghĩ vậy và gọi 911, tìm bác sĩ. Tình cờ, một vị bác sĩ đang ở đó, họ vội vã chạy đến, bắt đầu hỏi tôi nhiều câu, kiểm tra cánh tay. Đó là khoảnh khắc đáng sợ nhất trong đời. Có quá nhiều thứ chạy qua đầu, nhưng điều quan trọng nhất là tôi đang bị đột quỵ, tôi thật sự rất sợ hãi, không biết chuyện gì đang xảy ra và vì sao nó lại xuất hiện. Rất nhiều thứ xẹt qua trong não khiến tôi hoang mang, sợ hãi tột cùng”, Hailey nhớ lại.
Tình trạng mặt méo xệch kéo dài khoảng 30 giây và biến mất khá nhanh. Những người xung quanh hỏi Hailey xem cô có biết mình đang ở đâu không, tên là gì. Tất cả câu hỏi đó cô đều có thể trả lời nhưng không thể nói ra thành lời. Họ chỉ nghe được tiếng Hailey ú ớ.
Khi xe cấp cứu đưa cô đến viện, ê-kíp nói với ca trực: “Một phụ nữ 30 tuổi”. Lúc này, Hailey vẫn cố nói: “Tôi mới 25 tuổi”. Tại thời điểm vào phòng cấp cứu, cô cảm thấy khá hơn. Trong bài kiểm tra đột quỵ, nữ người mẫu chỉ đạt 0 điểm.
Biến chứng hậu Covid-19
Theo Hailey, bác sĩ chẩn đoán cô có cục máu đông nhỏ trong não, hay còn gọi là thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), xảy ra khi dòng máu lên não tạm thời bị đứt đoạn.
Nữ người mẫu cho hay sau gặp cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, cô không gặp thêm vấn đề lâu dài nào khác. Các bác sĩ vẫn kiểm tra sức khỏe tổng quát cho Hailey. Họ sợ cô bị lỗ thông bầu dục trong tim (PFO). Điều họ lo lắng đã thành sự thật.
Sau khi xuất viện, Hailey đến gặp các bác sĩ ở Đại học California Los Angeles (UCLA) để khám chuyên sâu hơn. “Tại thời điểm đó, họ cũng chưa có câu trả lời hoặc kết luận về lý do tôi có lỗ thông bầu dục trong tim”, cô nhớ lại.
Song, các chuyên gia giải thích yếu tố dẫn đến cơn đột quỵ của Hailey. Đó là do cô mới sử dụng thuốc tránh thai. Đây là thuốc cô chưa từng sử dụng vì có tiền sử bị đau nửa đầu. “Nếu bạn bị đau nửa đầu nặng và định uống thuốc tránh thai, hãy nói với bác sĩ. Bởi đột quỵ là tác dụng phụ tiềm ẩn”, Hailey nói thêm.
Hai nguyên nhân khác là cô mới khỏi Covid-19 và trải qua chuyến bay rất dài.
Các bác sĩ kết luận Hailey bị cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua do hậu Covid-19. Ảnh: Teen Vogue. |
Tại UCLA, các bác sĩ phát hiện Hailey có lỗ thông bầu dục trong tim cấp 5 - loại nguy hiểm nhất, kích thước 12-13 mm. Họ kết luận nữ người mẫu có một cục máu đông đi vào tim và nó thoát ra qua lỗ thủng trong tim vào não.
Cô được phẫu thuật đóng lỗ hổng trong tim. “Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và tôi đang hồi phục rất tốt và nhanh. Tôi cảm thấy rất tuyệt vời”, Hailey nói thêm.
“Thật khó để tôi kể câu chuyện này, nhưng tôi cảm thấy điều đó rất quan trọng và phải chia sẻ nó công khai”, cô tâm sự.
Theo Mayo Clinic, thiếu máu cục bộ thoáng qua là nguyên nhân góp phần làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Nơi cấp máu lên não tạm thời bị gián đoạn, gây ra các cơn đột quỵ nhỏ kéo dài vài phút đến 24 giờ.
Tình trạng này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng ngay lập tức, nhưng về lâu dài, nó là dấu hiệu cảnh báo các cơn đột quỵ trong tương lai. Những người có tiền sử bị thiếu máu cục bộ thoáng qua có nguy cơ đột quỵ cao gấp 10 lần so với nhóm còn lại.
Các triệu chứng điển hình gồm tê hoặc yếu đặc biệt ở một bên của cơ thể, khó nói, chóng mặt, mất thăng bằng và đi lại khó khăn. Theo Cleveland Clinic, lỗ hổng bẩm sinh ở tim làm tăng nguy cơ gặp TIA hoặc các cơn đột quỵ khác.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.