"Tại sao ôtô điện có thể đỗ ở khu vực xe xăng nhưng xe xăng không được phép đỗ tại khu vực của xe điện?", anh Lâm Thanh Trung (Đồng Nai) thắc mắc.
Những ngày gần đây, hình ảnh thiết bị chống đỗ xe sai mục đích tại trạm sạc VinFast thu hút sự chú ý của nhiều người. Tôi nhận thấy có 2 luồng ý kiến về vấn đề này, nhóm đầu tiên tỏ ra tán thành với việc phân chia nơi đỗ của xe điện và xe xăng, trong khi nhóm còn lại nêu lên quan điểm cần có sự bình đẳng về nơi đỗ của 2 loại phương tiện giống như anh Trung.
Phân biệt trạm sạc và nơi đỗ xe
Với xu hướng phát triển xe điện ngày nay, người dân Việt Nam không còn quá xa lạ với hình ảnh bãi xe có những trụ sạc điện. Hầu hết trạm sạc xe điện tại Việt Nam thường được lắp đặt tại các bãi đỗ xe chung với phương tiện dùng động cơ đốt trong, dễ nhận thấy nhất tại các trung tâm thương mại, chung cư...
Trạm sạc xe điện VinFast tại một trung tâm thương mại. |
Dù nhiều trạm sạc có lắp biển thông báo "Chỉ dành cho xe điện", nhiều phương tiện dùng động cơ đốt trong vẫn lựa chọn nơi này là điểm đỗ xe. Dường như tại Việt Nam người dân vẫn chưa phân biệt rõ khái niệm trạm sạc và nơi đỗ xe, điều này gây ra bức xúc cho không ít người dùng ôtô điện.
Trạm sạc (charging station) là nơi để các phương tiện dùng năng lượng điện đỗ và cắm sạc trong một thời gian nhất định. Bãi đỗ xe (parking zone) chỉ là khu vực có khoảng trống để phương tiện có thể đỗ.
Một bãi đỗ xe tại Tây Ban Nha phân biệt khu vực xe điện và xe xăng bằng màu sắc. Ảnh: Circontrol. |
Có thể ví trạm sạc như một trạm xăng dành cho xe điện. Không ai vào trạm xăng để đỗ xe, và tất nhiên trạm xăng cũng không cho phép khách hàng làm điều đó vì đây là nơi nạp nhiên liệu.
Tóm lại, mọi người cần hiểu trong bãi đỗ xe có thể được lắp trạm sạc, nhưng trạm sạc không phải nơi đỗ xe. Hành động đỗ xe chiếm dụng nơi sạc của xe điện không chỉ gây bức xúc cho người dùng xe điện mà còn có thể vi phạm quy định tại nơi đỗ.
Xử lý xe đỗ sai như thế nào?
Hầu hết trạm sạc xe điện đều có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng chiếm dụng trạm sạc làm nơi đỗ xe. Đối với xe điện, cách xử lý phổ biến nhất là cộng thêm tiền vào chi phí sạc.
Sử dụng thiết bị chống đỗ xe sai mục đích là một trong những cách hạn chế tình trạng đỗ xe tại trạm sạc. Ảnh: Đỗ Mạnh Trường. |
Tại Việt Nam, trạm sạc công cộng của VinFast đưa ra 2 đơn giá sạc xe gồm sạc thông thường và sạc quá giờ. Phí sạc quá giờ bắt đầu được tính kể từ phút 31 sau khi pin đầy nhưng khách hàng vẫn chiếm chỗ của trạm sạc. Mức phí là 1.000 đồng/phút.
Hãng Electrify cũng đưa ra mức phụ thu 0,4 USD/phút sau khi xe điện đã được sạc đầy quá 10 phút. Electrify là công ty chuyên cung cấp các trạm sạc xe điện tại Mỹ và Canada, thương hiệu VinFast cũng đã hợp tác với công ty này để phát triển xe điện tại Mỹ.
Trong trường hợp xe xăng chiếm dụng trạm sạc của xe điện, các hãng không thể xử lý bằng cách tương tự xe điện. Thay vào đó, lắp đặt thiết bị chống đỗ xe sai mục đích hay dùng camera quan sát để kịp thời phát hiện và ngăn chặn phương tiện đỗ sai là những biện pháp hiện có để giải quyết vấn đề này.
Hiện tại, sử dụng thiết bị chống đỗ xe sai mục đích chưa được VinFast triển khai toàn quốc. Không ít trạm sạc của thương hiệu này phải thực hiện các biện pháp thủ công như cử người canh và khóa bánh các phương tiện vi phạm.