Em là Bảo Hà, học sinh THPT ở thành phố Vinh (Nghệ An). Có lần, em nghe kể chuyện Phạm Ngũ Lão ngồi yên để sứ giả nhà Nguyên lấy tên chọc thủng đầu, máu chảy đầm đìa. Tuy nhiên, khi đọc sách về Phạm Ngũ Lão, em chỉ thấy ghi ông vừa ngồi đan sọt bên đường vừa nghĩ kế đánh giặc nên bị quân lính Trần Quốc Tuấn lấy giáo chọc thủng đùi. Vậy đâu là câu chuyện được ghi nhận trong sử sách?
Theo Đại Việt sử ký toàn thư
Cả hai câu chuyện bạn thắc mắc đều là những giai thoại được chính sử Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép. Tuy nhiên, có sự nhầm lẫn: Người ngồi yên để mặc cho sứ giả nhà Nguyên lấy tên chọc thủng đầu, máu chảy là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chứ không phải Phạm Ngũ Lão. Sách trên chép rằng khi sang nước ta vào đầu năm 1281, Lễ bộ thượng thư Sài Thung của nhà Nguyên rất ngạo mạn, vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh (Thăng Long). Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu... Vua Trần Nhân Tông sai thượng tướng Trần Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Sài Thung nằm khểnh không ra. Trần Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp.
Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Trước khi đi, Trần Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải, đóng giả thành nhà sư. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Thung đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu người gọt tóc, mặc áo vải hình dáng giống nhà sư phương Bắc lại chính là vị Tiết chế thống lĩnh quân đội Đại Việt. Trước mặt Sài Thung, Hưng Đạo Vương ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Sau đó, người hầu của Thung nhận ra Hưng Đạo Vương nên đã cầm mũi tên đứng sau Trần Quốc Tuấn, chọc vào đầu ông đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Thung ra cửa tiễn ông.
Câu chuyện trên càng cho hậu thế thấy được bản lĩnh hơn người của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh Quan Vân Trường thản nhiên ngồi đánh cờ để cho thần y Hoa Đà rạch tay, cạo xương trị thương thời Tam Quốc.
Mời bạn đọc tư vấn thêm cho Bảo Hà. Bạn đọc có câu hỏi cần tư vấn gửi về tòa soạn theo địa chỉ email giaoduc@zing.vn.