Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi quanh chuyện thi hay không thi THPT quốc gia

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh kế hoạch năm học. Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần tính toán đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Công văn hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vừa qua thông báo về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2), Bộ GD&ĐT quyết định lùi lịch thi THPT quốc gia 2020 đến ngày 8/8.

Hết “đường lùi”?

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng lần điều chỉnh thứ nhất khi học sinh nghỉ một tháng, Bộ GD&ĐT đã quyết định lùi một tháng.

Hiện nay, học sinh nghỉ 2 tháng, bộ lùi 1,5 tháng và các trường phải “dùng” hết 2 tuần dự trữ mới kịp dạy hết chương trình. Nếu phải nghỉ sang tháng thứ ba, hoặc 3 tháng trở lên, sẽ “kịch khung”, ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau.

thi thpt quoc gia anh 1

Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa: Tiền phong.

Còn theo tính toán của các trường đại học, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào gần giữa tháng 8, phải mất thêm một tháng nữa để chấm thi, công bố kết quả, xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh đại học… Điều này đồng nghĩa việc sang đến ít nhất nửa cuối tháng 9, trong khi khai giảng năm học mới đã được ấn định là ngày 5/9.

Như vậy, có thể nói, điều chỉnh lần 2 gần như Bộ GD&ĐT đã hết đường lùi. Chính vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng vì sức khỏe và an toàn tính mạng của học sinh được đặt lên hàng đầu. Nếu vẫn phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT, bộ cần tính toán để đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT trong năm nay.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ các trường đại học, việc dừng không thi THPT quốc gia không chỉ ảnh hưởng kế hoạch tuyển sinh của các trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thí sinh.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét, tỷ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy, dù không có kỳ thi này, hầu hết học sinh đã tốt nghiệp.

Nhưng thống kê số liệu xét tuyển đại học các năm vừa qua cho thấy các trường lấy nguồn tuyển từ kỳ thi này là chủ yếu. Có tới trên 70% chỉ tiêu của các trường đại học xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Trong đó, khoảng 100 trường đại học lớn chủ yếu tuyển sinh từ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Các trường khác, đặc biệt là khối trường tư thục, chủ yếu xét tuyển từ học bạ. Do vậy, việc không có kỳ thi này sẽ ảnh hưởng việc tuyển sinh của các trường lớn, và các trường này tuyển sinh theo phương thức nào khi không có nguồn tuyển từ đây sẽ có tác động rất lớn đến thí sinh.

Có thể sẽ vỡ trận?

PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết do dịch Covid-19 nên thời gian đăng ký, thi, chấm thi, thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ bị lùi đi một chút. Và khóa tuyển mới năm nay của trường sẽ bị lùi vài tuần.

Tuy nhiên, giả sử Bộ GD&ĐT không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia do dịch bùng phát, lúc đó cần tìm phương án thay thế và phương án này cần có sự đồng thuận của các trường và xã hội. Trường sẽ bàn thêm với một số trường trong nhóm để có phương thức tuyển sinh nào hợp lý nhất.

“Do chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu, việc thi hay tuyển sinh của các trường cũng chỉ là thứ yếu. Bộ cũng cân nhắc theo sự tiến triển của dịch. Trường sẽ căn cứ trên khuyến cáo của Bộ để triển khai. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi bộ khuyến cáo trường mới chuẩn bị. ĐH Bách khoa Hà Nội đang phối hợp những tổ chức để tổ chức thi đánh giá năng lực, trong trường hợp cần sẽ sử dụng”, PGS Trần Trung Kiên thông tin.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vì các trường ĐH sẽ tổ chức tuyển sinh. Mà như thế thí sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị trước nên sẽ gặp khó khăn.

“Vì vậy, ý kiến cá nhân của tôi là có thể linh hoạt hơn trong xét tốt nghiệp THPT, còn không thể bỏ thi THPT quốc gia”, PGS Bùi Đức Triệu nói.

Đồng quan điểm này, đại diện một trường ĐH Y khu vực phía Bắc cho rằng nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các trường ĐH tự chọn phương án tuyển sinh sẽ “vỡ trận”. Vì các trường và bản thân thí sinh còn quá ít thời gian để chuẩn bị.

Học sinh TP.HCM học online như thế nào? Học trực tuyến vừa là thách thức vừa là cơ hội để học sinh phát huy bản lĩnh, tinh thần tự học trong thời gian nghỉ kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiệu trưởng trường Marie Curie kiến nghị bỏ bớt môn thi THPT quốc gia

Thầy Nguyễn Xuân Khang vừa gửi thư kiến nghị tới Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội liên quan kỳ thi lớp 10 và THPT quốc gia năm 2020.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/tranh-cai-quanh-chuyen-thi-hay-khong-thi-thpt-quoc-gia-1621781.tpo?fbclid=IwAR3t3-loMX1pT4W3svttYaWan30eDap1kLmi6iHqneXfQ6nOMRfzU0r_zP4

Theo Nghiêm Huê/Báo Tiền phong

Bạn có thể quan tâm