Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi việc con 9 tuổi vẫn chưa cai sữa mẹ

Một số bà mẹ ủng hộ việc cho con bú sữa mẹ mặc dù đã học cấp 1. Việc này gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Mới đây, tài khoản facebook T.T.N. đăng tải hình ảnh và chia sẻ về câu chuyện cho con bú mẹ đến 9 tuổi. Bài viết thu hút hơn 21.000 bình luận và 4.000 lượt chia sẻ với nhiều ý kiến trái chiều.

Tranh cãi

Người phụ nữ này cũng là quản trị viên của một group tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ tại Vũng Tàu, tập hợp rất nhiều bà mẹ cho con bú ở tuổi như 4, 6, 7... Theo họ, đây là hành động thiêng liêng, tạo ra sự gắn kết giữa hai mẹ con, cảm giác thoải mái, điều khiển cảm xúc, an toàn, sự tập trung, bình tĩnh...

Bên dưới bài viết, một số bà mẹ cũng ngỏ ý muốn được cho con "tái bú" để mẹ con gắn kết hơn. Tuy nhiên, không ít người phản đối gay gắt hành động này. Họ cho rằng ở tuổi thứ 9, răng của trẻ đã thích nghi với việc cắn, nhai, không còn phù hợp với hành động bú mút như trẻ sơ sinh.

Con 9 tuoi van chua cai sua me anh 1

Bài viết gây tranh cãi trên mạng xã hội.

"Người mẹ cho con bú lâu như vậy là ích kỷ, thỏa mãn nhu cầu của mẹ, không nghĩ tới tác hại sau này với trẻ. Tuổi thứ 9, ở trường, trẻ đã được giáo dục về giới tính, hành động cho con bú không còn phù hợp. Cơ hàm và răng phát triển để thích nghi với việc cắn, nhai, về lâu dài gây mất thẩm mỹ cho hàm răng của con vì má hóp và răng hô. Tóm lại, bạn cố cho con bú lâu như vậy để làm gì?", tài khoản Ánh Tuyết bình luận.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng cho trẻ bú quá lâu, thậm chí tới tuổi học cấp 1, sẽ khiến con luôn bị phụ thuộc vào mẹ, nhầm lẫn về giới tính. Thời điểm này, trẻ nên học thêm các kỹ năng để có thể tự lập.

Sữa mẹ sau 2 tuổi không còn nhiều giá trị với trẻ

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các chuyên gia luôn khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm nhất trong giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn tới 6 tháng tuổi. Sau đó, bé song song bú mẹ và ăn dặm bổ sung thêm để đạt tốc độ tăng trưởng.

Bác sĩ Sang nói thêm nếu không có sữa mẹ, điều này cũng không đáng lo ngại. Các mẹ có thể cho con sử dụng sữa công thức. Họ không nên cuồng sữa mẹ tới mức bắt con đợi 1-2 ngày để mẹ kích sữa.

"Trẻ sơ sinh rất dễ hạ đường huyết. Sữa mẹ là tốt nhất, nếu không có, chúng ta chọn thứ tốt thứ hai. Một đứa trẻ lớn lên không chỉ sữa mẹ mà còn cách dạy con, giáo dục... Một số hội nhóm hiện nay quá cuồng sữa mẹ và chỉ trích những người mẹ không có sữa cho con", bác sĩ Nguyễn Thanh Sang nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hoàng Hưng, chuyên khoa Nhi và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Mỹ, cho rằng trẻ tới 4 tuổi bắt đầu hình thành nhận thức về giới tính. Sự tò mò về giới tính sẽ tăng dần theo thời gian. Trẻ sau 2 tuổi ăn là chính, sữa là phụ. Vì vậy, việc cho trẻ bú thêm sữa mẹ cũng như uống sữa thông thường, không có gì khác biệt đáng kể.

"Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hợp lý nhất, có nhiều kháng thể và kháng viêm, giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng ngừa nhiều bệnh. Tuy nhiên, sữa mẹ cũng có khuyết điểm là lượng vitamin D và K rất thấp. Nó là chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhưng không phải thuốc tiên", bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ không ít người mẹ vì nhiều lý do ít sữa, mắc bệnh như lao, HIV, phải uống thuốc, có thể gây hại cho em bé qua sữa mẹ hay bị viêm tuyến vú nặng, công việc mưu sinh vất vả không thể cho bú tới 2 năm. Vì vậy, sữa công thức ra đời, nó không tốt bằng sữa mẹ nhưng đã cứu sống rất nhiều trẻ em.

Con 9 tuoi van chua cai sua me anh 2

Trẻ sau 2 tuổi ăn là chính, sữa là phụ. Ảnh: Ausveg.

Bác sĩ Hưng chia sẻ thêm ông vừa phải đối mặt với một bà mẹ cuồng sữa mẹ. Người phụ nữ này không đủ sữa, bé lên cân rất ít dù đã một tháng. Các bác sĩ đã phải tư vấn về việc cho con bú và tái khám nhiều lần, mất rất nhiều công sức mới có thể thuyết phục được người mẹ này cho con dùng thêm sữa công thức.

"May mắn, bé cũng tăng cân theo mức cần thiết. Nếu có đủ sữa mẹ, bạn có thể ngưng sữa công thức bất cứ khi nào", bác sĩ Hưng nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, giảng viên bộ môn Nhi, khoa Y học lâm sàng, Đại học Y tế Công cộng, về mặt nhu cầu, giai đoạn ngoài 2 tuổi trẻ đã có chế độ ăn bổ sung hợp lý, sự phát triển về răng, lợi và các cơ quan tiêu hóa. Trẻ có thể tiếp nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Do đó, vai trò của sữa mẹ trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng và năng lượng không còn nhiều như giai đoạn trẻ mới sinh.

Về khía cạnh nhi khoa, WHO khuyến cáo trẻ nên được bú mẹ từ sau sinh cho đến ít nhất 1-2 tuổi. Trẻ không thực sự cần sữa mẹ ở giai đoạn ngoài 2 tuổi khi đã có thể ăn, nhai, nuốt các thức ăn khác để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.

"Xã hội càng phát triển lại càng nảy sinh nhiều kiểu tư duy. Tôi không ủng hộ việc cho trẻ bú đến 8-9 tuổi. Khi nào có nhiều nghiên cứu về lợi ích của việc bú mẹ kéo dài đến 8,9 tuổi so với cai sữa sớm hơn, các bạn có thể chia sẻ, lan tỏa trên tinh thần khoa học. Việc cho con bú kéo dài hoặc tái bú theo trào lưu là không nên", bác sĩ Tỉnh cho hay.

Những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ trong mùa hè

Trong mùa hè, trẻ thường có thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi, dã ngoại… Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội khiến các bệnh ở trẻ dễ xuất hiện hơn.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm