Jin bức xúc khi buổi biểu diễn của bà bị từ chối cấp phép biểu diễn mà không có lý do. |
Cuộc tranh cãi nổ ra vào ngày 22/10 khi Jin, ngôi sao có gần 14 triệu người theo dõi trên Weibo, tiết lộ rằng vở kịch chuyển thể từ tác phẩm kinh điển Sunrise của Cao Yu đã bị Cục Văn hóa, Phát thanh, Truyền hình và Du lịch thành phố Quảng Châu từ chối phê duyệt cho buổi biểu diễn dự kiến vào tháng 12, SCMP đưa tin.
Jin tự đạo diễn và đóng vai chính trong vở kịch sân khấu này. Kể từ khi ra mắt tại Thượng Hải vào tháng 5/2021, vở kịch đã được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều thành phố như Bắc Kinh, Hạ Môn, Tô Châu, Thành Đô, Trùng Khánh và Nam Kinh.
Lệnh cấm đã khiến Jin phải tự đăng bài lên mạng để tìm lời giải thích. Trong bài đăng trên Weibo, bà mô tả lệnh cấm của Quảng Châu là "lạm dụng quyền lực công" của Giám đốc Phòng Phê duyệt thuộc Cục Du lịch, một người phụ nữ họ Song.
"Tôi đã biết rằng việc phê duyệt vở kịch sân khấu Sunrise do tôi tự đạo diễn và tự đóng vai chính đã bị từ chối vì lý do cá nhân. Vui lòng cung cấp lý do thực sự cho việc từ chối và xuất trình một văn bản chính thức. Nếu không, hãy ngừng lạm dụng quyền lực của bà", Jin trực tiếp nhắc đến viên chức đó và yêu cầu giải thích.
"Chúng ta đều sống theo cùng một chính sách. Tại sao vở kịch sân khấu này, đã lưu diễn khắp đất nước trong 4 năm và nhận được sự hoan nghênh rộng rãi từ khán giả, lại bị từ chối phê duyệt ở Quảng Châu? Xin hãy trả lời, cảm ơn!", nữ nghệ sĩ nói thêm.
Jin có nhiều đóng góp trong thách thức những định kiến về người chuyển giới ở đất nước tỷ dân. Ảnh: Radii. |
Jin sinh năm 1967 tại Thẩm Dương, được biết đến là người nổi tiếng chuyển giới đầu tiên của Trung Quốc và là biểu tượng của cộng đồng LGBTQ+ tại đất nước này.
Bà phẫu thuật chuyển đổi giới tính vào năm 1995 tại Bắc Kinh, sau đó kết hôn với chồng người Đức, Heinz-Gerd Oidtmann, vào năm 2005.
Vào năm 2012, nữ vũ công hiện đại và nghệ sĩ tiên phong nổi tiếng đã ra mắt The Jin Xing Show, nhằm tôn vinh sự dí dỏm sắc sảo và tính cách thẳng thắn của mình.
Vào ngày 23/10, các nhân viên của Cục Du lịch nói với Modern Express rằng quá trình phê duyệt các buổi biểu diễn vở kịch của Jin không phụ thuộc vào quyết định của một nhà lãnh đạo duy nhất, đồng thời cho rằng việc từ chối có thể là do hồ sơ đăng ký không đầy đủ.
Jin kết hôn với chồng người Đức năm 2005, ly hôn và sau đó tái hôn vào năm nay. Ảnh: Weibo. |
Lệnh cấm biểu diễn rõ ràng đã khiến nhiều người suy đoán rằng nguyên nhân xuất phát từ lập trường ủng hộ LGBTQ+ của Jin. Trong những năm gần đây, cộng đồng LGBTQ+ của Trung Quốc phải chịu áp lực ngày càng lớn các lĩnh vực giải trí, công nghệ, giáo dục và kinh doanh đối mặt sự giám sát chặt chẽ.
Trước đó, Jin nhận về phản ứng tiêu cực khi có hành động được cho là công khai ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ trong buổi biểu diễn ở Thái Nguyên hồi 13/1.
Trong phần hạ màn, một khán giả đã giơ cao lá cờ lục sắc có dòng chữ "Tình yêu không phân biệt giới tính" để ủng hộ quyền của cộng đồng LGBTQ+.
Jin cầm lá cờ lên sân khấu và nói: "Chàng trai, tôi đồng ý với anh. Tình yêu là tình yêu, bất kể giới tính". Sau đó bà ném lá cờ ra sau lưng và tiếp tục màn chào sân.
Jin sau đó giải thích trong một bài đăng trên Weibo rằng bà đã "lấy lại lá cờ từ tay anh ta và vứt nó ngay lập tức", đồng thời cho biết sự việc đã được giải quyết khá ổn thỏa sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng và các buổi biểu diễn tiếp theo của bà trên khắp đất nước vẫn được diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tiếp tục diễn giải hành động của bà như một sự ủng hộ công khai cho đồng tính luyến ái, và họ cho rằng quyết định của Quảng Châu là đúng.
Một blogger được biết đến với cái tên Earth Lens A, có gần một triệu người theo dõi trên Weibo, cho biết: "Thành thật mà nói, việc từ chối biểu diễn là hợp pháp. Cho dù theo quan điểm của các giá trị đạo đức truyền thống của Trung Quốc hay luật pháp và quy định hiện hành, nó không ủng hộ hay thúc đẩy hành vi của LGBT, điều này tốt nhất có thể được coi là vi phạm đạo đức truyền thống, và tệ nhất là chống lại loài người".
Một người quan sát trực tuyến khác cũng đồng tình và nói rằng: "Jin Xing, ngay khi bạn giơ lá cờ cầu vồng trong buổi biểu diễn của mình, quyết định từ chối phê duyệt của Quảng Châu là đúng đắn".
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.