Khi nghe tin Hải Đăng Doo tổ chức gặp gỡ người hâm mộ tại một club ở Hà Nội hôm 4/10, Thu Hiền (sinh năm 1985, Hà Nội) không mất nhiều thời gian quyết định gác lại mọi công việc để tham dự.
Tại sự kiện, Hiền là một trong những người hâm mộ may mắn được trò chuyện, thậm chí nắm tay thần tượng, cảm giác của cô khi đó "như muốn ngất tại chỗ" và là "một phần ký ức khó quên trong cuộc đời".
Hiền biết tới và yêu mến chàng ca sĩ trẻ qua chương trình Anh trai "say hi", ấn tượng anh bởi "vẻ ngoài cuốn hút, nét hiền hiền và không có scandal".
Hiền được tương tác gần, trò chuyện với thần tượng. |
Theo Hiền, việc có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc ở cự ly gần cũng là một trong những điểm cộng khi trở thành người hâm mộ của nghệ sĩ trong nước so với "đu" nghệ sĩ nước ngoài, chưa kể các yếu tố như tương đồng ngôn ngữ, văn hóa và sự gần gũi.
Quan điểm này của fan nữ cũng được nhiều người hâm mộ khác đồng tình. Sau sự thành công của các chương trình như Anh trai "say hi", Anh trai vượt ngàn chông gai, nhiều nghệ sĩ Việt có thêm một lượng lớn người hâm mộ nhiệt thành.
Nhiều fan chia sẻ điều khiến họ yêu thích và giữ chân họ không chỉ là sự tài năng của các nghệ sĩ mà còn là nhiều điều thú vị, bất ngờ được trải nghiệm.
Dễ đu, nhiều phúc lợi
Là fan Kpop chục năm nay và cũng thuộc fandom một nhóm nhạc nam xứ kim chi, Thủy Tiên (sinh năm 1995, giáo viên tiếng Anh) bất ngờ, thậm chí sốc khi xem chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai bởi độ đa tài và cuốn hút của các "anh trai".
Những màn trình diễn "Trống cơm", "Nước hoa", "Dẫu có lỗi lầm" hay "Mẹ yêu con" ở các vòng thi khiến cô ấn tượng và chính thức dành sự yêu mến cho cả 33 người. Những nghệ sĩ cô vốn biết mặt, nghe tên trước đây nay biến hóa với những phần thi công phu. Sự tương tác dễ thương, hài hước của các thí sinh ở hậu trường cũng khiến cô thích thú.
Thủy Tiên ấn tượng với concert của các "anh tài" tại TP.HCM. |
Hôm 19/10, Tiên bay vào TP.HCM tham dự concert của chương trình và đánh giá độ chuyên nghiệp, đầu tư của ê-kíp cũng như các nghệ sĩ không hề kém cạnh concert nghệ sĩ nước ngoài, giá vé cũng phải chăng.
"Các nghệ sĩ trình diễn hết mình, âm thanh, ánh sáng và dàn dựng sân khấu hoành tráng, thậm chí còn nhỉnh hơn một số concert nghệ sĩ Kpop tôi từng đi. Các bạn fan xung quanh tôi hát theo tới 90% các ca khúc vì toàn tiếng Việt. Mọi người cực kỳ nhiệt nhưng cũng rất thân thiện, không xảy ra chen lấn hay tranh cãi", cô kể.
Bên cạnh đó, một trong những điểm khác biệt lớn nhất cô nhận thấy sau khi ủng hộ cả nghệ sĩ nước ngoài và trong nước là khoảng cách giữa idol và fan: "Idol Kpop thì chuyên nghiệp và lung linh, để tiếp cận được rất khó và tốn kém. Ngôn ngữ khác biệt cũng là một rào cản. Trong khi đó, các nghệ sĩ Việt hoạt động vẫn còn khá tự phát chứ chưa thực sự bài bản, nhưng bù lại cách họ giao tiếp với fan rất gần gũi, thậm chí fan bàn tán điều gì trên mạng là 'hóng' được ngay".
Thậm chí, vì quá yêu thích, Tiên đã rủ được cô bạn thân bay từ Australia về cùng xem concert. "Ban đầu, bạn cũng hơi do dự khi chỉ bay về rồi lại đi luôn trong 2 ngày, nhưng cuối cùng vẫn quyết định về. Sau show, cả hai đều không hề hối hận, bạn tôi cũng nói đây có lẽ sẽ là một trong những điểm nhấn của bản thân trong năm nay".
Hải Vy (phải) xúc động khi trực tiếp được nghe thần tượng hát. |
Lê Uyên (nhân viên văn phòng, Hà Nội), fan Kpop hơn 10 năm, cũng đồng tình với nhận xét này. Bias (nghệ sĩ yêu thích nhất) của cô sau khi xem chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai là Kay Trần.
"Rõ ràng đu idol nội địa thì dễ hơn quốc tế nhiều. Giá vé các sự kiện rẻ hơn, phúc lợi cũng nhiều. Nhiều lúc còn hay có sự kiện của các nhãn hàng nên có thể đi miễn phí. Chưa kể vì chung ngôn ngữ, việc bày tỏ giữa fan và idol cũng dễ dàng hơn", Uyên nói.
Hải Vy (sinh năm 2003, Nha Trang) cũng vẫn còn bồi hồi và xao xuyến khi nhớ lại khoảnh khắc hòa giọng cùng các anh trai và hàng chục nghìn khán giả vừa qua ở TP.HCM. Qua chương trình Anh trai "say hi", cô dành sự yêu mến cho Pháp Kiều và thuộc làu tất cả ca khúc của nam rapper.
"Không chỉ các màn trình diễn trên sân khấu, những khoảnh khắc hài hước mà các anh trai tương tác với nhau cũng khiến tôi bật cười thích thú, gần gũi như mấy ông anh nhà bên trêu đùa vậy", fan nữ chia sẻ.
Sẵn sàng chi tiền
Văn hóa fandom của các nghệ sĩ Việt dù chưa bài bản, lớn mạnh như các fandom nghệ sĩ ngoại song qua hai chương trình và concert gần nhất của Anh trai "say hi" và Anh trai vượt ngàn chông gai cho thấy không ít người hâm mộ sẵn sàng xuống tiền ủng hộ idol quốc nội.
Ngoài chuẩn bị các dự án riêng lẻ cổ vũ, vote ủng hộ nghệ sĩ hay gửi xe tải đồ ăn, nước uống (food truck), việc hai concert vừa qua nhanh chóng bán hết vé thể hiện độ nhiệt thành và chịu chi của fan Việt. Đặc biệt, ban tổ chức concert Anh trai vượt ngàn chông gai thông báo cháy vé 20.000 chỗ ngồi chỉ sau 90 phút mở bán, với mức giá từ 800.000 đồng đến 8 triệu đồng.
Cả Vy, Tiên và Uyên đều khẳng định sẽ tiếp tục săn vé concert của chương trình yêu thích được tổ chức tại Hà Nội sắp tới. Trong khi đó, Hiền cũng khẳng định sẽ canh mua vé để có thêm cơ hội gặp gỡ thần tượng.
Uyên sẵn sàng canh mua tiếp vé cho concert tại Hà Nội. |
Trong chuyến đi TP.HCM vừa qua, Tiên đã chi khoảng 8 triệu đồng cho mọi chi phí. Từng bỏ ra khoảng 40 triệu đồng để mua album, đi concert của thần tượng Hàn, cô cho rằng chi phí để ủng hộ nghệ sĩ quốc nội dễ chịu hơn nhiều.
Trong khi đó, Uyên tiêu tốn khoảng hơn 5 triệu đồng khi từ Hà Nội vào TP.HCM xem concert vừa rồi, trong đó có khoảng 3 triệu đồng tiền vé máy bay, 1,2 triệu đồng tiền vé xem chương trình (mua lại từ người khác).
Ngày 27/10, cô sẽ tiếp tục trở lại TP.HCM để tham dự fan meeting đầu tiên của Kay Trần. Dự tính chi phí 3 triệu đồng cho vé máy bay, 1,7 triệu đồng cho vé sự kiện. Cô cho biết mức chi của mình vẫn còn khiêm tốn nếu so với nhiều fan khác.
"Khi ủng hộ show Anh trai vượt ngàn chông gai, tôi như được mở mang tầm mắt với độ chịu chi của các bạn fan cho nghệ sĩ Việt. Họ tự làm dự án ủng hộ, hoặc tự kết hợp với nhau mà không cần kêu gọi ủng hộ tiền. Đúng là dù đu idol ngoại hay nội, ở đâu cũng sẽ có fan sẵn sàng chi tiền cho thần tượng mình yêu thích", cô nhận xét.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.