Bánh kem, hoa, đồ ăn và các loại nước uống được bày kín bàn. Phương Mai (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) là chủ nhân của bữa tiệc mừng nghỉ việc này.
Trong tiếng reo hò, cổ vũ của bạn bè, nhân viên account marketing thổi tắt ngọn nến trên chiếc bánh có dòng chữ: “Chúc mừng thất nghiệp!”.
Mai không phải người đầu tiên trong nhóm bạn tổ chức tiệc ăn mừng nghỉ việc. Năm ngoái, bạn thân của cô khởi xướng trào lưu này sau khi thôi việc tại một ngân hàng.
Nhóm bạn 7 người quy định mỗi thành viên đều phải liên hoan mừng thất nghiệp sau khi thoát khỏi áp lực công việc, môi trường độc hại hay đãi ngộ bất công. Họ cho rằng quyết định thôi việc thể hiện sự dũng cảm, đáng được khen ngợi.
Đáng chú ý, nhóm bạn của Phương Mai không phải trường hợp cá biệt. Không ít người trẻ trên thế giới đã tổ chức những buổi ăn mừng tương tự. Gần đây, hoạt động này trở thành trào lưu ở Trung Quốc.
Một nhóm bạn ở Trung Quốc tổ chức tiệc mừng thất nghiệp cho một thành viên. Ảnh: Liang/CNN. |
Tại xứ tỷ dân, hàng trăm bài đăng liên quan đến những bữa tiệc ăn mừng thất nghiệp được đăng tải trên mạng xã hội. Chủ nhân các bài đăng thường ở độ tuổi dưới 30, nộp đơn xin thôi việc vì lương thấp, kiệt sức..., theo CNN.
Theo khảo sát được nền tảng tuyển dụng Maimai tại Trung Quốc thực hiện từ tháng 1 đến tháng 10/2022, 28% ứng viên nghỉ việc trong vòng 10 tháng. Tỷ lệ người có ý định bỏ việc nhưng chưa thực hiện vượt quá 50%.
Ăn mừng thất nghiệp
Theo khảo sát về Gen Z và Millennial được Deloitte thực hiện vào năm 2023, công việc là vấn đề được thế hệ này quan tâm thứ 2, chỉ sau gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, work-life balance (tạm dịch: “sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”) mới là mục đích cuối cùng của người trẻ.
26% ứng viên Gen Z và 28% ứng viên thuộc thế hệ Millennial bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với bạn bè đồng trang lứa có khả năng cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân. Những yếu tố như địa vị xã hội hay tài sản vật chất (nhà cửa, xe cộ) không phải trọng tâm trong cuộc sống của người trẻ.
“Trong khi thế hệ trước tập trung nâng cao thu nhập, người trẻ sinh ra trong thời đại thịnh vượng hơn lại mong muốn xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa. Vì thế, họ có thể từ bỏ công việc không đáp ứng nhu cầu này”, giáo sư kinh tế Nancy Qian tại Đại học Northwestern (Evanston, Illinois, Mỹ) nói với CNN.
Phương Mai chán nản với công việc đòi hỏi mang theo laptop 24/7, dự định nghỉ ngơi sau 2 năm gắn bó. |
Chia sẻ với Tri thức - ZNews, Phương Mai nói rằng công việc tại một agency quảng cáo khiến cô rơi vào tình trạng áp lực, căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dài.
“Tôi không có ngày nghỉ, đi đâu cũng phải mang theo laptop, kiểm tra điện thoại 24/7 nơm nớp lo lỡ cuộc gọi của khách hàng. Tôi không thể tiếp tục tình trạng này”, cô kể.
Cùng chung lý do cảm thấy kiệt sức ở môi trường làm việc, nhân viên kinh doanh Hồng Linh (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng tổ chức tiệc mừng thôi việc.
Đây không phải là một quyết định đột ngột, mà đã được Hồng Linh cân nhắc suốt một thời gian khá dài. Mức lương, thưởng cao đã "níu chân" cô, trở thành động lực để nhân viên kinh doanh gắn bó với môi trường làm việc được cô đánh giá là "độc hại". Nhưng sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, cô đã trình đơn xin nghỉ.
Bạn bè Hồng Linh đều ủng hộ hành động này, vui vẻ tham dự bữa tiệc thất nghiệp. Trong buổi liên hoan, cô nhận được những tấm thiệp chúc mừng.
Cô ghi lại nhiều khoảnh khắc trong buổi tiệc, đăng tải lên trang cá nhân, song không quên chặn các đồng nghiệp cũ, tránh “lời ra tiếng vào”. Trong bữa liên hoan, bạn bè cũng giới thiệu cho cô nhiều cơ hội việc làm mới.
Nhiều người trẻ ăn mừng sau khi nghỉ việc, tận hưởng thời gian nằm ngoài thị trường lao động. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Thất nghiệp vui vẻ
Rời khỏi agency quảng cáo đã gắn bó 2 năm, Phương Mai quyết định dành thời gian nghỉ ngơi, không vội kiếm việc làm mới. Nữ nhân viên văn phòng này chưa từng có kỳ nghỉ thực sự sau khi tốt nghiệp đại học.
“Trong mọi chuyến du lịch với bạn bè, kỳ nghỉ lễ, Tết bên người thân, tôi đều phải ôm khư khư chiếc laptop. Nếu không nghỉ ngơi bây giờ, tôi sẽ kiệt sức sớm”, Mai nói.
Cô gái 24 tuổi dự định mổ cận thị ngay sau khi thu dọn đồ đạc rời khỏi văn phòng. Đây là kế hoạch mà Phương Mai đã trì hoãn hơn một năm nay do không thể tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh ở giai đoạn hậu phẫu.
Khi chính thức nghỉ việc, cô hoàn toàn yên tâm rời khỏi màn hình điện thoại, không động vào bàn phím máy tính.
Sau kế hoạch mổ cận, Phương Mai chuẩn bị cho chuyến du lịch đến Đà Lạt (Lâm Đồng). Cô dự định ở lại thành phố này 2 tuần.
Dù đã chuẩn bị một khoản tiết kiệm để duy trì cuộc sống khi thất nghiệp, Mai không dám đi du lịch nhiều nơi, sợ "vung tay quá trán". Cô chọn Đà Lạt để lưu trú miễn phí tại homestay của chị gái đang kinh doanh, tiết kiệm chi phí ăn ở.
Tương tự Phương Mai, Hồng Linh chưa có ý định quay lại thị trường lao động lập tức. Cô dành khoảng 3 tháng tham gia các khóa học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, mong muốn ứng tuyển vào vị trí quản lý trong tương lai.
“Tôi vẫn ở nhà bố mẹ, chưa chuyển ra sống riêng, nên không có áp lực tài chính lớn. Trong thời gian thất nghiệp, tôi chỉ cần chi tiêu dẻ sẻn hơn bình thường, tạm trông cậy vào quỹ tiết kiệm”, Linh nói.
Người trẻ quan tâm nhiều đến cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân, mong muốn xây dựng cuộc đời nhiều ý nghĩa. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Chia sẻ với Tri thức - ZNews, bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc Nhân sự Navigos Group, cho rằng trào lưu funemployment (tạm dịch: “thất nghiệp vui vẻ”) tại Việt Nam được xem một hệ quả tất yếu trong sự phát triển của xã hội.
Thế hệ trẻ được sinh ra và giáo dục trong thời kỳ đất nước đang phát triển, kinh tế gia đình được cải thiện so với vài thập kỷ trước. Một số người lao động trẻ không phải đảm nhận trách nhiệm “trụ cột” kinh tế trong gia đình, từ đó giảm bớt gánh nặng lo lắng khi thất nghiệp.
Bên cạnh đó, sau khi trải qua giai đoạn đại dịch, nhiều người đã thay đổi quan điểm sống. Họ hướng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ưu tiên những công việc mang lại ý nghĩa nhiều hơn là chỉ quan tâm tiền lương và chức vụ.
Vì vậy, họ cần nhiều thời gian hơn để hiểu chính mình và tìm kiếm những công việc phù hợp với giá trị bản thân theo đuổi. Đây là một xu hướng xã hội tất yếu.
Bà Phạm Thị Hoài Linh cũng đưa ra một số lời khuyên giúp nhân sự trẻ tận hưởng khoảng thời gian thất nghiệp một cách tích cực.
- Thứ nhất, nhân sự cần tìm hiểu, nắm bắt xu thế và tình hình thị trường việc làm.
- Thứ hai, điều quan trọng mà người lao động cần làm là xác định rõ kế hoạch dành cho quãng nghỉ của họ sau khi mất việc làm, bao gồm những việc cần làm, thời gian và nguồn lực thực hiện.
- Thứ ba, họ cũng cần có kế hoạch dự phòng vững chắc, cả về tinh thần lẫn vật chất, cho những trường hợp xấu có thể xảy đến, như thất nghiệp lâu hơn dự định, hay công việc mới có mức thu nhập không tốt như công việc cũ.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.