Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trào lưu nuôi cua kiểng đắt tiền thay thú cưng

Tham gia hội chơi cua kiểng được vài tháng, Trung Kiên (22 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) hào hứng khi sở hữu 5 thú cưng có vóc dáng và màu sắc đẹp mắt.

Là người chơi cá cảnh lâu năm, Kiên cho biết từ ngày nuôi những loại cua độc đáo này, anh đã tạm dừng mua thêm cá và đầu tư thời gian, tiền bạc cho thú chơi mới.

“Cá thì tôi chỉ nuôi một bể nhưng với mấy 'bé cưng' này, tôi đầu tư cho mỗi con một không gian sống riêng, mỗi ngày dành vài tiếng chỉ để ngắm nghía chúng”, Kiên cho biết.

Thú chơi lạ mắt

Vừa lấy tép cho cua ăn, Kiên vừa nói, cua kiểng anh nuôi có 4 con thuộc giống Cua đá càng đỏ (Perisesarma Bidens) và 1 con cua thiết giáp (Indochinamon).

“Giá cua kiểng được tính theo kích thước đo từ chiều ngang của mai, từ 3 cm (cỡ bé nhất) đến 7 cm (cỡ đại), cua càng lớn càng đắt. Ban đầu, tôi nghĩ nuôi cua khó vì không có kinh nghiệm, tuy nhiên khi chăm sóc thì thấy chúng dễ nuôi. Tôi nuôi cua bể cạn, đến bữa cho ăn tép, giun hoặc cá con là chúng đã sống được khỏe mạnh, không tốn thời gian”, anh Kiên chia sẻ.

Còn với Hoàng Hà (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), sau vài tuần tìm hiểu, anh chọn ngay 2 con cua kiểng cỡ đại có tên Hainan potamon rubrum (loại cua nước ngọt trong họ cua núi) với giá hơn 400.000 đồng.

Thu choi cua kieng anh 3

2 con cua kiểng cỡ đại có tên Hainan potamon rubrum của anh Hà.

“Ngay từ khi thấy hình ảnh cua này trên mạng, tôi bị thu hút bởi màu sắc và kích thước của chúng, hiếm khi được nhìn loại cua càng cong đẹp đến thế. Hiện tại tôi có nuôi tôm, cá, rùa, ốc… nay lại có thêm cua cảnh vào 'bộ sưu tập kiểng' của mình”, Hà nói.

Cua Hainan potamon rubrum có thể tìm thấy trong tự nhiên ở các nước Đông Dương, nhưng rất hiếm người bắt được vì chúng sống sâu trong hốc đá sông, suối.

"Loại cua này vô hại, tôi mua cua đã được thuần hóa nên nuôi bán cạn và thả trong bể cá cảnh”, Hà cho biết.

Thú chơi cua kiểng xuất hiện trên thế giới từ những năm 2010, phổ biến nhất ở Thái Lan, Trung Quốc.

Với sự phát triển của mạng xã hội, người dùng dễ dàng tìm địa chỉ bán cua bằng các từ khóa "cua kiểng", "cua cảnh". Gần đây, các hội nhóm về cua kiểng xuất hiện hàng loạt, với vài nghìn người tham gia.

Chị Anh Thơ (30 tuổi, quận 1, TP.HCM) chi gần 1 triệu đồng đặt mua 4 con cua đủ màu sắc từ Hà Nội.

“Chơi chưa đầy một tháng nhưng ngày nào tôi cũng nghiên cứu để tìm mua những giống cua mới. Chiếc bể bày giữa nhà thành nơi yêu thích mới của tôi và bạn bè tới chơi. Vài người bạn của tôi cũng mê và bắt tay vào nuôi. Trên mạng, nhiều hội nhóm được lập ra để chia sẻ giống cua, các cách chăm sóc", chị Thơ kể.

Tương tự chị Thơ, anh Anh Khoa (quận 10, TP.HCM) còn đầu tư xây nhiều bể bán cạn nuôi hàng trăm con cua.

"Một chiếc bể đẹp với hòn non bộ, rễ cây, tiểu cảnh vừa đẹp, vừa là môi trường sống tốt cho cua. Khác với cá, những loại bể này phải có cả bờ để cua trèo lên. Muốn cua sống khỏe phải đầu tư chăm sóc, coi chúng như thú cưng thì mới gắn bó được", anh Khoa giải thích.

Không dễ chăm sóc

Anh Hà Xuân Lộc (34 tuổi, chủ chuỗi cửa hàng cung cấp cua cảnh tại Hà Nội, Đà Lạt và TP.HCM), người hơn 10 năm chơi cua kiểng, cho biết cua nhiều màu có thể do nguồn nước, chất đất, một số loại cua sống ở chất đất màu đen sẽ có màu xanh biển hoặc xanh lá. Cua sống đất đồi, đất đỏ thì có màu đỏ, vàng chưa kể bị đột biến thì sẽ tạo ra nhiều màu khác.

"Màu sắc còn phụ thuộc vào dinh dưỡng, chất lượng thức ăn kém khiến cua có màu nhạt đi, thậm chí chết trước khi sinh sản. Một con cua đạt chuẩn phải có màu sắc rõ nét, thân không vết xước, đủ chân, càng”, anh Lộc chia sẻ.

Năm 2016, anh Lộc bắt đầu tìm hiểu và thử nhân giống nhánh cua Hainan potamon. Thời gian đầu chưa có kỹ thuật, phương pháp, toàn bộ cua giống đều chết.

Sau 2 năm nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia về cua nước ngọt, anh đã thành công và mở cửa hàng, giúp người chơi dễ dàng sở hữu những thú cưng độc lạ.

Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng anh Hà Xuân Lộc bán hơn 1.000 con cho khách hàng trên khắp cả nước.

“Đối tượng khách hàng đa phần là người trẻ, thời gian gần đây cửa hàng có khá nhiều khách hàng quay trở lại vì muốn mua thêm. Nhiều khách mua một lần cả chục con đủ màu sắc. Thú chơi này khó bỏ vì chính tôi đã theo đuổi từ 2012 đến nay. Nhiều khi tôi không đủ hàng để bán vì chưa đến đợt cua sinh sản”, anh Lộc nói.

Theo anh, cua cảnh cung cấp ra thị trường thường có nguồn gốc từ Đông Dương, được thuần hóa, thích nghi với thời tiết, độ ẩm ở Việt Nam, ít bị bệnh. Tuổi thọ của chúng có thể lên tới hơn chục năm nếu biết cách chăm sóc.

"Vì nhu cầu ngày càng cao, người chơi cần thận trọng với cua cảnh giá rẻ bởi có thể chúng mới được bắt từ tự nhiên, chưa thuần hóa, mang nhiều mầm bệnh (đa số là các loại kí sinh trùng như giun, sán, ấu trùng đỉa, rất dễ lây nhiễm sang cho người), không quen môi trường sống trong bể, rất dễ chết. Người mới nếu có nhu cầu nuôi cua phải tìm nguồn cẩn trọng để được tư vấn thức ăn, loại bể và cách chăm sóc", anh thông tin thêm.

Quán ăn ở TP.HCM: 'Xăng giảm nhưng thịt cá, rau củ chưa rẻ đi'

Trước câu hỏi vì sao giá xăng giảm nhưng quán không hạ giá, nhiều chủ tiệm cảm thấy mình như "kẹt ở giữa" với một bên là nguyên liệu đắt đỏ, một phía là thắc mắc của khách hàng.

Thanh Nga

Bạn có thể quan tâm