Diễn biến phức tạp của dịch khiến nhóm trẻ em chưa tiêm vaccine đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi tiếp xúc trực tiếp với bạn bè tại trường.
Sau thời gian nghỉ dịch ở nhà, bé Mun bắt đầu quay lại trường. Tuy nhiên, đây cũng là lúc chị Ngọc Lan (34 tuổi, ở TP.HCM) rất lo lắng vì con có tiền sử dị ứng, đi khám chưa thể tiêm vaccine phòng Covid-19. “Con tôi đã vốn béo phì độ I, việc không thể tiêm vaccine vì cơ địa dị ứng khiến tôi luôn lo lắng nếu chẳng may con mắc bệnh và trở nặng”.
Lắng nghe những tâm tư từ chị Lan, ThS.BS Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - bày tỏ sự đồng cảm và thấu hiểu sự lo lắng của bà mẹ này.
“Đây cũng là nỗi lo chung của các phụ huynh khi trẻ chưa được tiêm hoặc không thể tiêm được vaccine phòng Covid-19. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các nghiên cứu đã chỉ ra những người thừa cân, béo phì, ngay cả trẻ em, đều có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn người không có bệnh nền. Bởi sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ bị thừa cân - béo phì bị suy giảm, virus dễ tấn công”, bác sĩ Hải nói.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nguy cơ tử vong do Covid-19 ở trẻ em chưa được tiêm chủng cao gấp 21 lần so với trẻ đã được tiêm chủng. Trong số những trẻ nhập viện vì MIS-C, 95% chưa được tiêm chủng.
Hàng loạt công trình đã chứng minh hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong. Song, như trường hợp của bé Mun, lý do nào đó mà trẻ không thể tiêm vaccine, theo bác sĩ Hải, chúng ta phải tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng những chế độ dinh dưỡng khác.
Đầu tiên, chúng ta cần phải có chế độ ăn, uống cân bằng hợp lý để bé giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh hay khi mắc bệnh cũng hạn chế khả năng trở nặng. “Trẻ cần được giảm cân sớm ngày nào tốt ngày đó”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Bởi nếu tình trạng này tiếp tục, không chỉ Covid-19 mà trẻ còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Với trẻ thừa cân, béo phì, chúng ta không cần thiết phải bắt con nhịn ăn, cắt bỏ cơm hay tinh bột mà nên điều chỉnh khẩu phần ăn vừa đủ. Năng lượng là yếu tố quan trọng phục vụ các hoạt động sống, học tập, phát triển thể chất, trí tuệ cho trẻ.
Chế độ ăn với trẻ thừa cân, béo phì không thể kiêng khem quá mức như người lớn. Nguyên tắc là chúng ta giảm các thực phẩm chứa nhiều năng lượng, đường ngọt như bánh, kẹo, kem, đồ ăn nhanh, chiên rán, bán sẵn, thịt mỡ, xúc xích, pate, lạp sườn. Thay vào đó, mẹ nên chế biến cho trẻ những thịt gia cầm (lườn gà), tăng cường ăn cá, tôm để vừa cung cấp chất đạm vừa cung cấp canxi.
Chúng ta không nên cắt giảm sữa khỏi khẩu phần ăn của trẻ vì sữa chứa đầy đủ dưỡng chất, vi chất, canxi cho sự phát triển của trẻ, song, mẹ cần phải chọn cho con sữa không đường, ít béo.
Trẻ thừa cân, béo phì thường lười ăn rau xanh nên phụ huynh cần vận động con thay đổi thói quen ăn uống. Các món ăn nên được chế biến bằng cách hấp, luộc thay cho xào, rán, chiên. Điều này sẽ định hình cách ăn của trẻ lành mạnh không chỉ trong tuổi thanh thiếu niên mà cả khi trưởng thành.
“Tôi nhấn mạnh chúng ta nên cấm tuyệt đối trẻ thừa cân, béo phì ăn thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn. Trứng, sữa, thịt, tôm, cá… là thực phẩm cần thiết để trẻ tăng cường sức đề kháng, do đó, mẹ cần bổ sung vừa đủ để con không bị thiếu chất, phát triển chiều cao. Trẻ cần được ăn đầy đủ vitamin, khoáng chất thông qua rau xanh đậm (rau cải, rau muống, mùng tơi…), củ quả màu vàng, đỏ (cà rốt, cà chua, bí đỏ…), giàu vitamin C (cam, bưởi, thanh long…), vi chất giàu kẽm (hải sản, ngao, hàu, lòng đỏ trứng…), canxi (sữa, các chế phẩm từ sữa: sữa chua, phô mai)”, ThS.BS Lê Thị Hải nói.
Như vậy, công thức cho trẻ thừa cân, béo phì tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch là đủ chất đạm, giàu vitamin, khoáng chất và đặc biệt phải giảm chất béo, bột đường.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần động viên con luyện tập thể dục, tăng cường vận động. Theo tôi, đây là yếu tố quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định hơn cả chế độ ăn. Tôi cho rằng chỉ cần trẻ giảm cân, sức đề kháng sẽ tăng lên và dù không được tiêm vaccine do nguyên nhân nào đó, trẻ cũng được bảo vệ tốt hơn trước các tác nhân gây bệnh.
Trong thời gian giãn cách, trẻ ít có cơ hội vận động, ra ngoài trời, trên các phương tiện đại chúng lại quảng cáo nhiều thực phẩm hấp dẫn, kích thích trẻ ăn nhiều hơn. Trẻ đã bị béo phì thường ăn nhanh, thích đồ ngọt, khó kiểm soát. Những yếu tố này vô tình khiến trẻ tăng cân nhanh sau đại dịch. Chưa kể, trẻ thường bị bạn bè trêu chọc nếu có ngoại hình mập mạp, ục ịch, gây ra sự tự ti, không muốn ra ngoài, tiếp xúc xã hội.
Chính vì vậy, lúc này, việc đồng hành của cha mẹ là rất quan trọng. Chúng ta phải kiên trì, cứng rắn và ở bên cạnh con vượt qua thử thách về cân nặng. “Tôi khuyên các ông bố bà mẹ tuyệt đối không dùng các câu nói có thể làm tổn thương cháu mà hãy động viên, khuyến khích con yêu thích thể dục thể thao, bỏ thói quen ăn uống thiếu lành mạnh”, ThS.BS Lê Thị Hải nhấn mạnh.
Đây là câu hỏi mà ThS.BS Lê Thị Hải nhận được rất nhiều khi tư vấn cho các bà mẹ có con thừa cân, béo phì. Bởi thời gian trong ngày trẻ đi học khá dài, phụ huynh không thể kiểm soát được năng lượng, thức ăn con nạp vào cơ thể.
Chị Thanh Thảo (28 tuổi, ở Hà Nội) tâm sự: “Bữa trưa tại trường con tôi ăn bán trú nên rất khó định lượng. Các món quà vặt buổi chiều cũng đa số đều là đồ ngọt như bánh, kẹo nên việc giảm cân của con gần như đi vào ngõ cụt”.
Vị chuyên gia cho biết bữa trưa trẻ đã ăn tại trường nên phụ huynh càng phải dành sự quan tâm nhiều hơn để kiểm soát khẩu phần ăn cân bằng: “Nếu được, cách tốt nhất là bà mẹ nên gửi đồ ăn riêng cho con để hạn chế trẻ ăn những món thừa năng lượng, nhiều chất béo. Trong trường hợp không thể, phụ huynh và giáo viên cần có sự phối hợp, kiêng thịt mỡ, thức ăn có đường trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Khi chia xuất ăn nhờ cô giảm bớt cơm đi. Tôi cho rằng việc này rất khó nhưng chúng ta vẫn sẽ làm được nếu đủ kiên trì và quyết tâm”.
Bác sĩ Hải gợi ý với bữa sáng, trẻ nên uống một cốc sữa, ăn một lát bánh mì và quả trứng, tránh việc ăn các món quá nhiều chất như bánh chưng, xôi… Bữa phụ nên là hoa quả ít đường như: cam, ổi, bưởi, quả roi, thanh long trắng, củ đậu, dưa chuột … hoặc sữa không đường, ít béo. “Phụ huynh cần cắt bỏ hoàn toàn nước ngọt, bánh kẹo, kem, hạn chế hoa quả nhiều đường như: chuối, mít, na, nhãn, vải, sầu riêng… trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ”, vị chuyên gia nói thêm.
Với bữa tối, trẻ nên ăn càng sớm càng tốt và tối thiểu 2 giờ trước khi đi ngủ. Bữa tối của trẻ thừa cân, béo phì nên ăn ít hơn bữa sáng và trưa bởi trẻ không vận động thêm, không thể tiêu hao các năng lượng dư thừa. Phụ huynh cũng nên cho con ăn rau xanh trước rồi mới đến thịt, cá và cuối cùng là cơm.
Trái ngược với nỗi lo của chị Ngọc Lan, một số phụ huynh khá yên tâm khi con quay trở lại trường vì tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 không nhiều và đa số bệnh nhẹ.
Trong khi đó, số người được tiêm chủng và mắc bệnh cũng đã khá lớn, một số cha mẹ cho rằng trẻ đã an toàn và không cần phải tiêm vaccine như chia sẻ của anh H.C.C. (41 tuổi, TP.HCM): “Bây giờ đa số người dân đều mắc Covid-19, đã đạt miễn dịch cộng đồng nên không cần lo lắng trẻ sẽ bị nhiễm bệnh".
Hay như chị M.N. (39 tuổi, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Con tôi đã mắc Covid-19 và không có triệu chứng gì đáng lo. Tôi cho rằng con đã được bảo vệ nên không phải tiêm vaccine nữa”.
Trên thực tế, khi các địa phương đồng loạt cho học sinh đi học trở lại, số trẻ em mắc mới có thể tăng, nhất là những trẻ chưa được tiêm vaccine. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ ở trẻ dưới 18 tuổi của Việt Nam hiện nay là 19,2%. Trong đó, trẻ 13-17 tuổi chiếm 4,8%; 6-12 tuổi chiếm 8%; 3-5 tuổi chiếm 2,8%; 0-2 tuổi chiếm 3,6%.
Các chuyên gia đánh giá ở trẻ em, tỷ lệ mắc thấp nhưng vẫn có những trường hợp tử vong và biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Trẻ em được xã hội rất quan tâm, nhất là khi trường học đã mở cửa trở lại, các em quay lại nhịp sinh hoạt, giao lưu, học tập bình thường.
Đồng quan điểm, theo Ths.BS Lê Thị Hải, hàng loạt nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra những ảnh hưởng của Covid-19 tới sức khỏe, tính mạng và thậm chí sự phát triển của trẻ sau đó. Do đó, bác sĩ Hải khẳng định tiêm chủng vẫn là biện pháp hàng đầu để bảo vệ trẻ, giúp giảm nguy cơ nhập viện, tử vong và biến chứng vì Covid-19 và hậu Covid-19.
“Tiêm phòng là biện pháp rất quan trọng để tăng cường miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ trước Covid-19. Tất cả vaccine đều có tỷ lệ biến chứng nhất định. Trong khi đó, tỷ lệ gặp tác dụng phụ của vaccine Covid-19 cũng chỉ đứng hàng thứ 5 so với các loại khác như viêm gan, sởi… Chính vì vậy, phụ huynh không nên quá e dè, lo sợ. Tiêm chủng là quyền lợi của trẻ mà cha mẹ nên cho con tiêm ngay khi đủ điều kiện”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng cho rằng ngay cả khi sống chung với Covid-19, chúng ta vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế: “Việc trẻ đi học trở lại và sống chung với dịch là tất yếu. Chúng ta không thể giữ trẻ mãi ở trong nhà. Do đó, theo tôi, có 4 cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong thời điểm này. Thứ nhất là cho trẻ tiêm vaccine ngay khi có thể. Thứ hai là đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất, không để trẻ bị suy dinh dưỡng và cũng không để trẻ bị thừa cân, béo phì. Thứ ba là duy trì hoạt động ngoài trời, cho các cháu được vui chơi nhiều hơn. Tăng cường vận động thể dục thể thao rất quan trọng, giúp tăng sức đề kháng”.
“Ngoài ra, chúng ta vẫn cần tuân thủ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (đeo khẩu trang khi ra ngoài, khử khuẩn rửa sạch tay, vệ sinh môi trường sống, học tập, làm việc) để xây dựng một lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý để tăng cường đề kháng, chủ động phòng bệnh. Khuyến cáo này không chỉ có tác dụng với Covid-19 mà còn ngăn ngừa nhiều bệnh lý lây qua đường hô hấp, tiêu hóa”, BS Lê Thị Hải nói thêm.
Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình truyền thông “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam” vì một thế hệ trẻ em cao lớn, thông minh vượt trội, chuẩn BMI.
Bình luận