Cụ thể, cô bé tên Fu Fu đã tự ý dùng thẻ của cha mẹ để mua nhiều bản thảo và thuê các họa sĩ đến tận nhà để hoàn thiện những bức tranh, trong đó bức đắt nhất có giá 70.000 nhân dân tệ, The Paper đưa tin.
Sau khi phát hiện, mẹ của cô bé ngay lập tức liên hệ với 8 họa sĩ, cho biết con gái mình chưa đủ tuổi vị thành niên và đề nghị họ hoàn lại tiền. Sáng 7/4, một trong số các họa sĩ đã lên tiếng tại trang cá nhân. Người này cho hay đến khi mẹ Fu Fu tìm đến, cô mới biết người mua tranh của mình là trẻ em.
Câu chuyện cô bé chi 700.000 nhân dân tệ mua tranh gây "sốt" trong cộng đồng mạng xứ Trung. Ảnh minh họa: Freepik. |
"Fu Fu tự nhận mình là người lớn và liên lạc để mua bản thảo của tôi với giá riêng. Tôi chỉ là một người bình thường, chưa từng có ai đưa cho tôi giá cao như vậy. Tôi rất tiếc khi đã không nghiêm túc kiểm tra thông tin mà đã ký hợp đồng bán tranh", nữ họa sĩ bày tỏ.
Gia đình của Fu Fu vẫn đang trong quá trình làm việc để được hoàn lại số tiền con gái lén chi cho số tranh trên mạng.
Đây không phải lần đầu tiên dân mạng xứ Trung xôn xao trước các vụ cha mẹ phải đau đầu đi giải quyết hậu quả khi con trẻ tiêu tiền, không ít tranh chấp không đáng có với người bán đã xảy ra.
Gần đây, cục Quản lý và Giám sát thị trường thành phố Bình Quan (Quảng Tây) nhận đơn khiếu nại về tiêu dùng trực tuyến của trẻ vị thành niên. Theo đó, bà Zhou cho biết con trai 12 tuổi bị ám ảnh bởi một trò điện tử và mua 9 tài khoản thứ hạng cao qua nền tảng trực tuyến với giá 120.000 nhân dân tệ. Bà Zhou đã liên hệ để xin hoàn lại tiền nhưng bị từ chối.
Nhiều cha mẹ đau đầu khi không kiểm soát được việc con cái tiêu tiền qua nền tảng trực tuyến. Ảnh: Freepik. |
Một trường hợp khác là anh Zhao (huyện Nghĩa An, Hắc Long Giang) phát hiện tài khoản của mình đã tự động nạp 90.000 nhân dân tệ vào một kênh livestream trong 9 tháng. Sau khi điều tra, anh phát hiện cháu gái 12 tuổi của mình biết mật khẩu thanh toán và đã tự ý thưởng cho streamer số tiền lớn.
Theo The Paper, vì trẻ em là đối tượng chưa đủ chín chắn để cân nhắc đúng sai và chống lại cám dỗ nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng qua các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến chi tiêu quá mức.
Trong lớp học online, Xiao Wang (học sinh cuối cấp 3) bắt gặp quảng cáo trên QQ nói rằng có thể giao lưu trực tiếp với người nổi tiếng bằng cách trả 400 nhân dân tệ. Xiao Wang lập tức liên hệ và trả tiền qua WeChat.
Tuy nhiên, bên kia thông báo lệnh chuyển tiền của Xiao chưa có nhận xét nên cần chuyển lại một lần nữa, có thêm nhận xét về sự kiện để được phê duyệt. Sau khi làm theo, Xiao lại nhận được thông báo đã quá thời gian đăng ký, cần chuyển 500 tệ để tham gia vào lần sau và số tiền trước đó sẽ được trả về.
Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, Xiao liên lạc lại với bên tổ chức sự kiện và ngỡ ngàng khi thấy mình đã bị chặn.