Gửi con ở đâu để cha mẹ yên tâm đi làm là câu hỏi nhiều phụ huynh đặt ra mỗi khi hè về. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Hơn một tháng trước, chị Ngô Minh Thy (TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận được thông báo từ trường mầm non nơi con trai 4 tuổi đang theo học. Biết tin con được nghỉ hè từ ngày 25/5 đến ngày 19/6, nữ phụ huynh bắt đầu sốt ruột bởi trẻ được nghỉ hè nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm.
Năm nay, gia đình chị lại có thêm thành viên mới. Nếu cậy nhờ bà ngoại trông cả 2 bạn nhỏ sẽ rất vất vả. Vậy nên, chị chủ động tìm nơi gửi trẻ trong 2 tuần, “cầm cự" đến ngày trường mầm non mở cửa.
“Thế nhưng, con đã bắt đầu nghỉ hè, gia đình tôi vẫn chưa tìm được chỗ gửi trẻ như ý muốn", chị Thy rầu rĩ chia sẻ.
Đủ cách để trông con
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, chị Thy cho biết trong vòng gần một tháng, chị đã hỏi thăm 4 trường mầm non tư thục ở gần nhà để tiện đưa đón con. Tuy nhiên, các trường đều không nhận giữ trẻ “vãng lai” với thời gian hơn 3 tuần.
Trong khi đó, nếu giao con cho các nhóm trẻ tự phát, nhóm trẻ mầm non độc lập, chị Thy lại không yên tâm. Theo chị, về cơ sở vật chất, các nhóm trẻ thường thuê một căn nhà hoặc một kiot, các vật dụng bố trí thiếu an toàn, không phù hợp với trẻ mầm non. Lớp trông trẻ này cũng không trang bị camera, phụ huynh rất khó để theo dõi.
“Bên cạnh đó, về an toàn vệ sinh thực phẩm, người trông trẻ thường tự nấu đồ ăn, không đảm bảo chất lượng. Gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ cũng xảy ra, tôi không an tâm", chị Thy nói.
Vậy là, không tìm được nơi gửi con, phụ huynh này buộc phải cậy nhờ đến bà ngoại dù bà cũng đang phụ trông coi cháu gái 8 tháng tuổi. Thương con, xót mẹ, chị Thy cũng không còn cách nào khác bởi không thể dẫn con lên công ty, lại khó thuê người trông trẻ nhỏ.
Trong khi đó, dù con trai (4 tuổi) chỉ nghỉ hè 17 ngày rồi quay lại trường, chị Hà Kim (quận 10, TP.HCM) cũng phải loay hoay tìm người trông trẻ. Phụ huynh này cho biết con gái lớn đang tập trung ôn thi vào lớp 10, không thể trông em. Trong khi đó, vì con nghỉ ngắn ngày, các cô ở trường cũng không nhận trông tại nhà. Được giới thiệu trường mầm non khác, con trai chị lại không chịu vì không quen trường mới.
Mất gần 2 tuần, hỏi qua nhiều bạn bè, chị Kim mới thuê được người trông con trong 2 tuần. Ảnh: NVCC. |
Mất gần 2 tuần, hỏi qua nhiều bạn bè, chị Kim mới tìm được một người chịu đến tận nhà trông trẻ, từ thứ hai đến thứ sáu (7-17h) với mức phí 200.000 đồng/ngày. Như vậy, 2 tuần, chị Kim mất khoảng 2 triệu đồng cho riêng việc gửi con.
“Tôi hỏi khá nhiều người, đa phần, họ muốn ngủ lại và trông trẻ dài hạn, không ai chịu làm 2 tuần cả. Nếu thuê nguyên tháng, chi phí cũng đắt, lên đến 8-10 triệu đồng/tháng”, chị Kim nói.
Chị cho biết đã tính đến phương án nhờ ông nội (80 tuổi) từ quê lên để trông con hộ bởi sát ngày con nghỉ hè, chị mới thuê được người.
Tương tự, trong lúc chờ cô giáo gần nhà mở lớp rèn chữ, ôn tập hè, chị Đỗ Minh (Bình Dương) cũng phải tìm cách để trông con trong 2 tuần. Phụ huynh này cho hay bà nội bận buôn bán, không thể trông 2 cháu (6 và 9 tuổi) vào buổi sáng. Trong khi đó, ông bà ngoại lại ở miền Bắc, chị không thể gửi con về quê.
Con cũng không thể tham gia các lớp học kỹ năng, năng khiếu bởi bố mẹ đi làm, không tiện đưa đón khi lớp học chỉ diễn ra 2-3 buổi/tuần hay 2-3 giờ/ngày. Chị Minh đành bất đắc dĩ đưa con lên công ty, vừa trông con, vừa làm việc.
“Gần 2 tuần nữa, tôi sẽ gửi cháu nhỏ tại nhà riêng của một cô giáo dạy tiểu học. Lịch học từ thứ hai đến thứ bảy, kéo dài đến khi con vào năm học mới. Tiền học và ăn là 150.000 đồng/ngày. Còn cháu lớn, bắt đầu từ năm nay, tôi để con ở nhà tự chơi, tự học, lắp thêm camera theo dõi. Đến trưa, bà nội về sẽ phụ ăn uống", chị Minh cho biết.
Gia đình xáo trộn vì con nghỉ hè
Dù kế hoạch là vậy, mọi sinh hoạt của chị Minh cũng bị đảo lộn khi 2 con chính thức nghỉ hè. Trong năm học, 2 con dậy sớm và mua đồ ăn sáng đến trường. Bây giờ, sáng nào, chị cũng phải đốc thúc 2 con ăn sáng tại nhà. Xong xuôi, 3 mẹ con mới đến công ty. Gần một tuần nay, hầu hết, chị Minh đều đi làm muộn.
Bên cạnh đó, dù lãnh đạo công ty tạo điều kiện, chị Minh vẫn cảm thấy áy náy bởi cả 2 con đều hiếu động, không chịu ngồi một chỗ hay giữ im lặng, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của chị và đồng nghiệp. Hai ngày đầu, chị tính đến nước đưa con về nhà buổi trưa và để con ở nhà buổi chiều. Thế nhưng, 11h30, chị Minh mới đến giờ nghỉ. Trời nắng, thêm nhà xa, nếu đưa con về, 3 mẹ con sẽ rất vất vả, chị cũng không còn thì giờ nghỉ ngơi.
Gia đình chị Thy cũng không tránh khỏi xáo trộn khi một mình bà ngoại phải trông 2 cháu nhỏ với giờ giấc sinh hoạt, ăn uống khác nhau. Có ngày, bà quay cuồng với 2 cháu đến nỗi không kịp ăn trưa.
Hai vợ chồng chị Thy phải thay nhau xin về sớm để trông con. Ảnh: NVCC. |
Mấy ngày nay, để bà đỡ vất vả, chị Thy đều phải dậy sớm hơn một giờ, chuẩn bị thức ăn và cho con ăn sáng trước khi đi làm. Hai vợ chồng chị cũng thay nhau xin về sớm để trông con.
“May mắn, gia đình có bà ngoại đỡ đần. Tôi mua thêm sách tô màu, đồ chơi để con tự chơi, nhưng con vẫn xem tivi nhiều lắm. Tôi cũng phải lắp thêm camera ở nhà để theo dõi con bởi cháu khá hiếu động”, chị Thy nói.
Chị cho biết giờ làm việc, vợ chồng chị phải kiểm tra camera thường xuyên. Nghĩ đến việc con chỉ học hè trong vòng hơn một tháng, sau đó lại nghỉ tiếp 2 tuần, chị Thy càng sốt ruột hơn.
Dù thuê được người trông con và khá hài lòng, gia đình chị Kim cũng không bình yên hơn 2 phụ huynh trên. Chị kể ngày đầu tiên con nghỉ hè, người giữ trẻ chưa bắt đầu công việc, chị phải gọi con dậy sớm, cho con ăn sáng để kịp đi làm. Buổi trưa, chị tranh thủ về để chuẩn bị cơm nước. Cho con ăn và đi ngủ, 13h, chị Kim lại vội vàng lên cơ quan.
Bây giờ, có người trông con và không phải về nhà buổi trưa, thế nhưng, chị Kim vẫn phải dậy sớm hơn mọi ngày một giờ để chuẩn bị, sơ chế đồ ăn trước khi đi làm.
“Con đã quen đồ ở lớp, vì vậy, rất kén ăn khi ở nhà. Trước kia, mẹ chỉ phải chuẩn bị một bữa tối nên đơn giản. Bây giờ, tôi đau đầu khi phải nghĩ cho con ăn gì trong 3 bữa”, chị Kim nói.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.