Trị liệu tâm lý là lối ra cho nhiều trái tim tan vỡ hậu chia tay. Ảnh: Alena Darmel/Pexels. |
Vượt qua cuộc chia tay không phải là điều dễ dàng. Khi mối quan hệ quan trọng kết thúc, cá nhân thường phải đối mặt với cảm xúc đau đớn, mất mát và nhiều thay đổi trong lối sống hàng ngày.
Một số người vượt qua giai đoạn này khá nhẹ nhàng, nhóm khác lại chật vật trong chuỗi ngày dài sau đó. Thông thường, thời gian hậu chia tay dễ gây hại đến sức khỏe tâm lý, dẫn đến các rối loạn lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, cảm xúc này có thể tạo cơn đau vật lý, chẳng hạn như tức ngực, đau tim, tiêu hóa kém.
Trong đa số trường hợp, sự giận dữ, thất vọng sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Tuy nhiên, điều này sẽ không đơn giản, đặc biệt nếu cá nhân đã mắc trầm cảm hay các vấn đề tâm thần nghiêm trọng khác.
Dưới đây là những lý giải về tác động của một cuộc chia tay đối với từng cá nhân, cũng như lời khuyên từ Health For Life.
Đau đớn hậu chia tay
Theo các nhà tâm lý học xã hội, các cặp tình nhân thường đầu tư nhiều công sức và tình cảm cho mối quan hệ. Họ có sự ràng buộc lớn về nhiều vấn đề trong đời. Vì vậy, dù chia tay vì bất kỳ lý do gì, hai người cũng phải đối mặt với hàng loạt thay đổi cả về lối sống và tâm lý.
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến việc đối mặt với chia tay trở nên khó khăn là phản ứng của não bộ.
Cụ thể, bộ não của chúng ta cảm nhận cảm xúc khi chia tay như đau đớn thể xác. Từ đó, sự chia ly dẫn đến những thay đổi sinh lý khá nghiêm trọng.
Đây cũng là lý do làm phức tạp hóa một cuộc chia tay, dẫn đến rối loạn tâm lý ở nhiều người. Trong trường hợp bị căng thẳng quá mức, cá nhân có thể mắc các bệnh lý phức tạp.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý
Ở trong mối quan hệ yêu đương, cơ thể tiết ra các hormone hạnh phúc, tác động tích cực đến tâm lý, chẳng hạn như dopamine và serotonin.
Ngược lại, hậu chia ly, não sẽ giải phóng cortisol, một loại hormone tiêu cực dẫn đến căng thẳng, suy kiệt tinh thần.
Thực tế, những tác động tiêu cực với sức khỏe tinh thần xuất phát từ nhận thức xã hội của mỗi người.
Chúng ta thường có xu hướng đánh mất danh tính khi yêu, nghĩa là xây dựng nhận thức về “chúng tôi”, thay vì phát triển chính mình.
Đó là lý do không ít người cảm cảm thấy như mất đi một phần bản sắc lúc tình yêu đổ vỡ. Họ có xu hướng sử dụng các cơ chế đối phó sai lầm như làm tê liệt cảm xúc, sử dụng chất kích thích, trì hoãn, suy ngẫm và đôi khi thậm chí tự làm hại bản thân.
Một số yếu tố nguy cơ phát triển rối loạn tâm thần hậu chia tay có thể là:
- Có tiền sử trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý khác
- Có tiền sử nghiện chất kích thích
- Thiếu sự hỗ trợ của xã hội
- Trải qua sự cô đơn kéo dài
- Dễ bị lo lắng
Khi nào cần tìm đến tâm lý gia
Bạn nên cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ tâm lý gia nếu nhận thấy những biểu hiện sau:
- Không thể thực hiện những công việc quen thuộc hàng ngày
- Khó tập trung vào bất kỳ thứ gì
- Chạy trốn mọi người
- Không thể ngừng lãng mạn hóa mối quan hệ cũ
Tiếp nhận tham vấn, trị liệu sẽ giúp bạn khám phá nguyên nhân gây nên nỗi đau tinh thần, nâng cao lòng tự trọng sau chia tay.
Trong quá trình trao đổi, chuyên gia tâm lý giúp thân chủ thay đổi những suy nghĩ phi lý trí, đặt ra các mục tiêu trong tương lai và xác định các chiến lược để đạt được những điều mong muốn. Từ đó, họ sẽ dần quay lại với quá trình phát triển bản thân, biết đối phó với tình huống hiện tại cũng như xoay xở hiệu quả với các tình huống phát sinh sau này.
Hiện nay, các tâm lý gia áp dụng khá nhiều liệu pháp tham vấn, trị liệu đối với thân chủ đau khổ sau đổ vỡ tình yêu. Việc lựa chọn liệu pháp nào còn phụ thuộc vào những vấn đề cụ thể mà khách hàng đang gặp phải.
Ví dụ, một khách hàng coi toàn bộ mối quan hệ là một sang chấn, chuyên viên tâm lý thường chọn phương pháp giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động của mắt (EMDR).
Còn trong trường hợp cá nhân tự chì chiết, hạ thấp lòng tự tôn đến sinh ra trầm cảm, lo âu, tâm lý gia sẽ áp dụng CBT nhằm tái cấu trúc kiểu suy nghĩ sai lầm, giúp xác định lại các mục tiêu trong tương lai.
Ngoài ra, tư vấn theo nhóm, lắng nghe câu chuyện và những tổn thương của người đồng cảnh ngộ cũng là một lựa chọn không tồi. Cảm xúc cô độc, lẻ loi sẽ dần trôi qua, giúp thân chủ hiểu mình vẫn đáng được trân trọng.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.