Sau giãn cách xã hội, nhiều người lao động nghèo chưa thể quay lại công việc. Ước muốn đơn giản của họ là có bữa cơm no, mong duy trì cuộc sống qua giai đoạn đầy thử thách.
Trong những hoàn cảnh chịu tác động bởi dịch bệnh, không ít người mất việc lẫn thu nhập. Họ chống đỡ khó khăn nhờ bó rau, gói mì, cân gạo từ các tổ chức thiện nguyện. Mỗi sự sẻ chia, hỗ trợ như cánh tay nâng đỡ, tiếp thêm sức mạnh để người dân nghèo lạc quan, nuôi hy vọng vào cuộc sống.
Cô Nguyễn Ngọc Thu Thuỷ (59 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) gắn với mảnh đất Sài thành hơn 10 năm qua. Một thập kỷ rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm cùng gánh hàng rong đã điểm lên làn da rám nắng của người phụ nữ những vết nhăn, chấm lên mái tóc cô đôi đốm hoa râm. Thu nhập dẫu bấp bênh cũng đủ cho gia đình 5 người gồm hai vợ chồng, hai con và cháu gái đủ ăn, đủ mặc.
Thế nhưng dịch bùng phát rồi diễn biến phức tạp, “cần câu cơm” gãy trong phút chốc khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội để phục vụ công tác phòng, chống Covid-19. Nghỉ bán gần 4 tháng, gia đình cô Thủy trông chờ vào nguồn trợ cấp nhu yếu phẩm từ chính quyền và vài món đồ khô, chao chuẩn bị từ trước.
Nhắc về dự định sắp tới, người phụ nữ nhìn xa xăm vô định, như thể chưa tìm được nơi bám víu. Cô không biết bắt đầu công việc khi nào và như thế nào. Đứa cháu gái sắp vào đại học với bao khoản cần chi tiêu chưa biết lấy từ đâu. “Tôi thấy còn bấp bênh và mờ mịt quá…”, cô Thủy nghẹn ngào.
Cũng sống nhờ nguồn trợ cấp từ địa phương và chùa hơn 3 tháng qua, cuộc sống 4 người trong gia đình chú Nguyễn Hoàng Luân (66 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vào cảnh lao đao vì dịch. 30 năm trước, vợ chồng chú khăn gói từ Bạc Liêu lên TP.HCM lập nghiệp với tài sản duy nhất là sức trẻ.
Theo thời gian, tài sản ấy mất dần, người đàn ông tuổi ngoại lục tuần không còn phù hợp công việc vệ sinh ở chợ Bình Điền. Các mối quen biết lại không đủ nhiều để xin được nghề phù hợp như làm bảo vệ. Thỉnh thoảng, vợ chồng người con gái làm lao động tự do phụ giúp chú chút ít. Dịch đến, con gái mất việc, cuộc sống khó chồng khó. “Không có việc làm, tôi phụ chùa và có gì ăn nấy”, chú Luân kể.
Còn gia đình 6 người của chú Nguyễn Văn Long (60 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) chống đỡ qua ngày nhờ các nhà tài trợ. Gương mặt phúc hậu của người đàn ông chứa đầy tâm sự khi nghĩ đến con gái nhỏ bị bệnh thần kinh, đứa cháu vừa sinh và cuộc sống thời gian tới. Thu nhập từ nghề xe ôm truyền thống vốn bấp bênh không cho phép chú hy vọng quá nhiều về tương lai.
“Mong đại dịch sớm qua để bà con thành phố sớm trở lại bình thường”, chú Long chia sẻ, như nói hộ nỗi lòng của mọi người dân, đặc biệt những lao động nghèo như mình.
Cô Thuỷ, chú Luân hay chú Long chỉ là ba trong hàng nghìn lao động mất việc, thu nhập bởi Covid-19. Không ít trong số đó sống dựa vào phần hỗ trợ từ địa phương, các tổ chức từ thiện hay mạnh thường quân. Với nhiều người, bữa cơm no hóa điều xa xỉ. Ước mong của họ đơn giản được làm việc, có thu nhập ổn định để tiếp tục cuộc sống.
Những ngày đầu tháng 10, mong muốn giản dị của người lao động nghèo phần nào trở thành hiện thực khi nhận sự sẻ chia từ chiến dịch “Góp triệu yêu thương - Trao 2.000 tấn gạo” do Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh triển khai. Đơn vị kết hợp chính quyền địa phương phát gạo tại 23 tỉnh, thành sau khi rà soát từng hộ nghèo.
Ôm 20 kg gạo vừa nhận vào lòng, cô Nguyễn Ngọc Thu Thuỷ không giấu nổi niềm vui. Dù sắp tới còn nhiều khó khăn, sự hỗ trợ phần nào tiếp sức để gia đình cô đi qua thử thách. “Có gạo rồi ăn với nước mắm, kho quẹt cũng thấy ngon. Một nắm khi đói bằng một gói khi no - hoạt động này rất thiết thực, có ý nghĩa lớn với những người như tôi”, cô Thuỷ phấn khởi nói.
Nghe tin được tặng gạo, ánh mắt chú Nguyễn Hoàng Luân tràn ngập hạnh phúc. Số gạo có thể giúp vợ chồng chú duy trì cuộc sống thêm ít lâu. Càng khó khăn, người đàn ông càng thấm thía tấm lòng tương thân tương ái của người Việt.
Hoạt động trao gạo vốn nằm trong chiến dịch thiện nguyện hàng năm, là “đặc sản” mỗi dịp Tết đến của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh. Thế nhưng thấu cảm những mất mát, khó khăn người dân nghèo phải gánh vác khi dịch diễn biến phức tạp, đơn vị quyết định triển khai sớm hơn vào năm nay.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty CP Thế Giới Di Động, chia sẻ: “Dịch bệnh tác động quá lớn đến đời sống bà con. Trụ được qua giai đoạn gian nan, nhiều gia đình cần nhất bữa cơm no. Mong muốn góp phần nhỏ xoa dịu nỗi cơ cực của bà con đã thôi thúc chúng tôi gấp rút chuẩn bị chương trình ngay trong dịch, nhằm triển khai khi vừa hết giãn cách”.
Vị CEO cũng chia sẻ món quà ý nghĩa là khi được trao đúng lúc. Chương trình thiện nguyện này nhằm tri ân người tiêu dùng đã ủng hộ công ty suốt nhiều năm qua. Nhân viên Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trân quý bà con như người thân trong gia đình, không ai nề hà dù thêm chút vất vả.
Từ khi có quyết định triển khai sớm chiến dịch “Góp triệu yêu thương - Trao 2.000 tấn gạo” đến lúc bắt tay gửi tặng từng người khó khăn, toàn bộ nhân viên Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh luôn trong tâm thế sẵn sàng tham gia. Nhiều đêm, họ nán lại sau giờ tan ca để chờ chuyến xe chở gạo cập bến. Rồi ai nấy hăng hái khuân vác, sắp xếp chuẩn bị cho ngày hôm sau.
"Chúng tôi đều rất vui vì được trở lại công việc sau thời gian nghỉ dài, đồng thời có cơ hội đóng góp chút công sức cho hoạt động ý nghĩa của công ty", Ngọc Yến - quản lý cửa hàng Thế Giới Di Động tại Dĩ An, Bình Dương - khẳng định.
Cùng với chiến lược khôi phục kinh doanh sau giãn cách, những chuyến xe chở gạo của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh vẫn tấp nập đến 400 cửa hàng trải rộng khắp các tỉnh, thành phía nam. Bên cạnh bữa cơm no, điều chiến dịch trao đi còn là sự tích cực, lạc quan và hy vọng về tương lai tươi sáng.
Hơn thế, “Góp triệu yêu thương - Trao 2.000 tấn gạo” có sự chung tay từ 21 đối tác lớn của nhà bán lẻ này. 2.000 tấn, tương đương 100.000 phần quà, mỗi phần 20 kg gạo trao đi minh chứng cho ý nghĩa chiến dịch.
Ông Hiểu Em từng bộc bạch làm từ thiện mang lại cảm giác rất đặc biệt, không chỉ lan tỏa niềm vui đến người nhận, mà bản thân người trao cũng đong đầy hạnh phúc. Ông không thể quên hình ảnh bà con xếp hàng dài từ sớm trong cái rét miền Bắc hay nụ cười tươi của em nhỏ vùng cao lần đầu thấy nồi cơm điện. Tất cả tạo động lực để ông cùng công ty và các đối tác nối dài hành trình thiện nguyện hơn 3 năm qua.
Cũng vì vậy, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng không ngăn được quyết tâm đồng hành, sẻ chia cùng người khó khăn của doanh nghiệp. Đại diện Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh cũng khẳng định không ngừng nỗ lực để ngày càng mở rộng quy mô các hoạt động cộng đồng trong những năm tiếp theo.
Bình luận