Một số bệnh nhân bị Covid-19, hầu hết là trẻ em, có triệu chứng đau mắt đỏ. Ảnh: India TV News. |
USA Today đưa tin 1/10 trường hợp mắc Covid-10 toàn cầu có liên quan đến biến thể Covid mới, XBB.1.16.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa biến thể Omicron này vào nhóm biến thể cần được lưu ý. Biến thể này, được gọi là Arcturus, là nguyên nhân khiến tỷ lệ nhiễm nCoV ở Mỹ ngày càng tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ), tính đến 22/4, XBB.1.16 chiếm tới 9,6% ca mắc Covid-19 trên toàn quốc.
Arcturus được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1 năm nay và đang lan rộng nhanh chóng ở các quốc gia khác như Ấn Độ và Indonesia.
Arcturus khác với các chủng virus Covid-19 khác như thế nào?
Các bác sĩ về bệnh truyền nhiễm cho biết chủng này có sự đột biến trong protein khiến nó có khả năng lây truyền cao nhưng không gây ra các trường hợp nghiêm trọng.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, cho biết các loại vaccine hiện có và phương pháp điều trị Omicron có tác dụng trong việc phòng ngừa và chữa trị XBB.1.16.
Biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, XBB.1.16 không gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng. Ảnh: NDTV. |
Tiến sĩ Schaffner nói thêm: “XBB.1.16 có xu hướng gây sốt nhiều hơn một số chủng khác. Nhưng đặc điểm nổi bật nhất là nó có thể gây viêm kết mạc, đặc biệt là ở trẻ em".
Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng mắt nhiễm virus, vi khuẩn hoặc bị dị ứng. Mắt chuyển sang màu đỏ, sưng lên và có thể tiết ra dịch dính. Nó gây viêm ở bề mặt ngoài của nhãn cầu và mí mắt.
Đau mắt đỏ do mắc Covid có hiếm gặp không?
Học viện Nhãn khoa Mỹ cho biết các nghiên cứu về các chủng virus trước cho thấy khoảng 1-3% bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng đau mắt đỏ.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không có dữ liệu gần đây về mối quan hệ giữa Arcturus và viêm kết mạc, các bác sĩ mắt cùng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói một số trẻ em khi nhiễm bệnh đều có triệu chứng này.
Triệu chứng đau mắt đỏ xuất hiện ở 1-3% bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: National Health Service. |
Tiến sĩ Schaffner chia sẻ: "Các báo cáo chỉ ra tình trạng này rất giống với các dạng viêm kết mạc do virus khác gây ra. Nó sẽ khiến bạn khổ sở trong khoảng một tuần với mí mắt sưng tấy, chảy nước mắt và ngứa ngáy nhưng sau đó mắt bạn sẽ hồi phục mà không có bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào".
Đau mắt đỏ hay dị ứng?
Mắt sưng đỏ, ngứa có thể là dấu hiệu của dị ứng thời tiết. Dị ứng cũng là tình trạng thường thấy vào mùa xuân do lượng phấn hoa tăng lên. Nếu bạn dễ bị dị ứng, bạn nên giảm tần suất đi du lịch ngoài trời vào mùa xuân.
Tiến sĩ Ronald Benner, chuyên viên đo thị lực và là chủ tịch Hiệp hội Nhãn khoa Mỹ, khuyến nghị mọi người đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ bị mắc Covid-19.
Ông nói: "Thật khó để xác định nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ là dị ứng, nhiễm khuẩn hay nhiễm virus?".
Triệu chứng đau mắt đỏ do Covid-19
Tiến sĩ Benner cho biết một số người bị đau mắt đỏ do Covid-19 có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khác.
Ông nói: “Với biến thể mới này của Covid, đôi khi viêm kết mạc là dấu hiệu nhiễm bệnh duy nhất”.
Ông nói thêm trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng đau mắt đỏ do Covid-19 có thể kéo dài từ 2-3 tuần.
Tiến sĩ Jeff Pettey, phó giáo sư tại Khoa Nhãn khoa và Khoa học Thị giác của Đại học Utah, cho biết các triệu chứng đau mắt đỏ khi mắc Covid-19 tương tự các bệnh nhiễm trùng mắt đỏ do virus khác.
Ông Pettey cho biết: “Các triệu chứng có thể đi từ rất nhẹ, như đau mắt, mờ mắt đến nặng như bệnh liên quan đến giác mạc. Nếu bạn bị đau mắt đỏ và có các triệu chứng mắc Covid-19 khác, bạn nên đi kiểm tra hoặc tìm kiếm sự trợ giúp y tế”.
Phát hiện nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ là việc không dễ dàng. Ảnh: Shutterstock. |
Ông Benner chia sẻ triệu chứng của từng bệnh đau mắt đỏ sẽ khác nhau tùy vào nguyên nhân. Nhiễm trùng do vi khuẩn sẽ khiến bạn tiết dịch nhiều trong khi dị ứng có nhiều khả năng làm mắt ngứa và chảy nước.
Cách điều trị đau mắt đỏ
Tiến sĩ Benner khuyến nghị mọi người đi khám mắt nếu họ thấy mắt bị viêm hoặc đỏ và có các triệu chứng khác như tiết dịch, ngứa hoặc khó chịu.
Các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị dựa vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ:
- Đau mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn thường được chữa trị bằng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh.
- Thuốc nhỏ mắt cũng có thể làm giảm triệu chứng ngứa và sưng do dị ứng.
- Đối với các trường hợp bị nhiễm virus, bệnh nhân có thể dùng khăn lạnh hoặc các loại nước mắt nhân tạo. Thông thường, các triệu chứng sẽ biến mất sau 7-10 ngày.
Tiến sĩ Benner cũng nhắc nhở mọi người để ý tới vấn đề vệ sinh cá nhân:
- Tránh chạm tay vào mắt.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như tẩy trang mắt.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.