Trò chuyện với thầy giáo có 'hội phát cuồng' trên mạng
Anh là thành viên cố vấn kinh tế trẻ nhất của Thủ tướng chính phủ và cũng là giảng viên ở 2 trường ĐH. Sinh viên yêu mến anh và người trợ giảng nên lập hẳn "Hội những người phát cuồng vì thầy Thành và thầy Thái".
Sinh năm 1977, Nguyễn Đức Thành hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội. Anh còn là giảng viên môn lý thuyết kinh tế và kinh tế vĩ mô tại ĐHQG Hà Nội, ĐH KTQD. Nguyễn Đức Thành đã lấy bằng tiến sĩ ở Nhật Bản, là thành viên hiệp hội Kinh tế Đông Á (EAEA), và dưới đây là những chia sẻ của anh về vai trò của một giảng viên trong nền giáo dục hiện đại.
- Được biết nhiều với cương vị là giám đốc, là cố vấn kinh tế và còn là giảng viên nữa. Làm giảng viên anh thích nhất điều gì?
- Tôi thích được giao lưu với các bạn sinh viên! Ở đó lúc nào mình cũng cảm thấy mình rất trẻ. Đặc biệt tôi thích dạy các bạn sinh viên năm nhất, vì khi đó, các bạn như trang giấy trắng, tiếp thu kiến thức rất dễ dàng, việc xây dựng nền tảng tư duy kiến thức về kinh tế cho các bạn cũng dễ hơn rất nhiều so với những người đã qua khá nhiều cấp độ, như cao học hoặc tiến sĩ. Tôi thường không thích dạy lớp cao học bằng những các em sinh viên năm năm thứ nhất.
Hơn nữa nhìn các bạn sinh viên, tôi có mối đồng cảm rất lớn với các em. Nhiệt huyết, mong muốn hoài bão khẳng định tên tuổi các em trong cuộc sống là những điều thật đẹp. Tôi như nhìn thấy chính mình mười mấy năm về trước. Cuộc sống này có quá nhiều thứ để bận rộn, quá nhiều điều để bận tâm, đôi khi mình quên đi rất nhiều thứ. Đến khi gặp lại các bạn sinh viên rồi, tôi như được đánh thức những cảm xúc đã ngủ quên của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 |
- Anh đáng giá như thế nào về sức hút bài giảng của thầy cô với sinh viên ĐH? Một số người thì chọn cách dạy theo kiểu hài hước nhưng nhiều khi dùng những từ ngữ hơi thô. Theo họ như thế thì sinh viên học mới không buồn ngủ?
- Tôi cho rằng mỗi người có một phong cách giảng dạy khác nhau và tùy cách mà họ lựa chọn. Nhưng với tôi thì tôi không tán thành lắm chuyện khơi gợi bài giảng bằng những điều dung tục, dù đó luôn làm người nghe tỉnh ngủ. Thực ra phong cách của trí tuệ đích thực cũng rất hấp dẫn, vì con người tự họ có bản chất hướng tới những cái hay, cái mới. Việc cung cấp thông tin hữu bằng một ngôn ngữ và nhịp điệu hấp dẫn, sẽ giúp kích hoạt tính tò mò trong sinh viên, khiến họ tập trung vào bài giảng mà vẫn không gây buồn ngủ.
Thầy cô phải làm sao là những người truyền cảm hứng cho sinh viên khi học ở trên lớp. Phải truyền được cho họ niềm yêu thích thật sự với môn học, để từ đó họ về tìm hiểu thêm, tự mình gợi mở thêm, say mê hơn, tích cực nghiên cứu hơn nữa, thậm chí gấp nhiều lần giờ học ở trên lớp để tự mình thỏa mãn cái hay, cái đẹp, tri thức của môn học đó. Nếu như chỉ giảng ra rả kiến thức rồi kết thúc lớp học, sinh viên đóng cặp, ôm sách vở ra về, không để tâm thêm môn học đó nữa thì theo tôi là thất bại.
Tiến sĩ luôn giảng bài bằng tất cả nhiệt huyết cho các bạn sinh viên |
- Trên trang cá nhân của anh, tôi thấy có lập “Hội những người phát cuồng vì thầy Thành và thầy Thái trợ giảng của anh)”. Anh có vui vì điều đó?
- Tôi rất vui! Thực ra các em ấy không “phát cuồng” vì bản thân các thầy, mà vì môn học các thầy dạy. Thế thì còn gì vui hơn. Cho nên, đó thực chất là một trang web để các em bày tỏ niềm yêu thích với môn học kinh tế vĩ mô và có câu hỏi nào thì để tôi giải đáp thêm.
Là con người, ai cũng có nhu cầu được yêu thích, được hâm mộ. Thế nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ qua đi như mây nổi. Điều quan trọng nhất là mình đã giúp các em có được tình yêu với môn học, giúp các em nhận ra rằng việc nghiên cứu khoa học, việc học tập luôn thật tuyệt vời. Các em đã nhận ra được điều gì từ chính bản thân mình khi tự mình học và cảm nhận.
Tôi chỉ nhận mình là người hướng dẫn. Tôi vui trước hết bao giờ cũng vì sự tiến bộ của các em. Vì quá bận cho nên tôi cũng không có thời gian để giảng dạy thường xuyên ở trên trường. Hiện nay tôi mới cố gắng mỗi học kỳ giảng được một lớp thôi. Nhưng khi tôi và các em sinh viên gặp nhau, được học tập cùng nhau, đó đã là cái duyên. Sau này các em ra trường thì tôi và các em ấy lại là đồng nghiệp và tôi sẽ hỗ trợ các em trong phạm vi tôi có thể.
Tiến sĩ Đức Thành với các bạn sinh viên lớp kinh tế vĩ mô K56 – Trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội |
- Với sự yêu mến như vậy, anh đã nhận được bao nhiêu lá thư hâm mộ từ các em sinh viên nữ rồi? Chuyện nữ sinh phải lòng thầy giáo nơi giảng đường giờ đây không phải là hiếm. Anh có ý kiến như thế nào về chuyện này?
- (Cười). Nói thật, tôi chưa bao giờ nhận được một lá thư tỏ tình nào từ phía các nữ sinh cả. Một trong những việc đầu tiên khi tự giới thiệu trong buổi đầu lên lớp là tôi cập nhật với các em về tình hình gia đình của tôi. Trong lớp học gần đây nhất tôi cập nhật tôi mới sinh cháu thứ ba. Không biết với các lớp trong tương lai thì con số này thay đổi ra sao.
Tôi cho rằng các em giờ mới chỉ là sinh viên, môi trường tiếp xúc còn hạn hẹp. Một cách tự nhiên, các em có khuynh hướng choáng ngợp bởi thầy cô, và hâm mộ họ. Là thầy, phải chỉ rõ cho các em sinh viên thấy điều đó, rằng thế giới còn rất rộng lớn và có nhiều mẫu người để các em noi theo.
Khóa học mùa hè về kinh tế dành cho các bạn sinh viên do viện VEPR của tiến sĩ tổ chức |
- Hiện nay, nhiều lúc, sinh viên mất niềm tin vào các thầy cô cũng như nền giáo dục. Anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy thôi, ngành nào cũng thế, cũng có người này người khác. Tôi đã may mắn được gặp những thầy cô tuyệt vời trong cuộc đời mình, cho nên tôi cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho sinh viên của tôi.
Các em sinh viên rất thông minh, hài hước và sáng tạo. Nhưng các em cũng rất dễ bị tổn thương. Thời gian gần đây xã hội quả là có nhiều điều lộn xộn, ngay trong giảng đường. Tôi tự thấy tôi không giúp được gì nhiều cho lớp trẻ, tôi chỉ mong góp thêm những kỷ niệm đẹp cho các em trong thời sinh viên. Giữa dòng sông cuộc đời cứ mải miết trôi, tôi hình dung thầy cô giống như những chiếc cọc tinh thần ở giữa dòng, để sinh viên khi muốn, trong một lúc nào đó, có thể bám trụ vào.
- Anh rất thành công và lại được sinh viên yêu quý nữa. Phải chăng anh không gặp khó khăn nào đáng kể trong cuộc sống?
- Không phải. Là con người tất yếu ai cũng gặp khó khăn. Tôi từng có giai đoạn khủng khoảng nhưng dần dần rồi cũng học được cách đối mặt và vượt qua. Bây giờ cuộc sống vẫn còn nhiều điều khó khăn, chủ yếu là sức ép về công việc. Nhưng có điều may mắn là tôi thường được làm những điều mà tôi thấy thích thú.
Có một số bạn sinh viên chia sẻ với tôi về chuyện việc làm khi ra trường. Tôi luôn động viên các bạn rằng: các bạn cứ cố gắng và tin tưởng vào bản thân, rồi may mắn và thành công sẽ đến. Nhiều bạn khi ra trường chẳng phải lo lắng gì cả, có bố mẹ xin việc cho, an phận yên ổn với thu nhập ấy, với chỗ làm ấy. Nhưng rồi 10 năm sau gặp lại, tôi cho rằng những người chịu được sự quăng quật của cuộc sống, dám vươn lên, có chí tiến thủ và luôn biết nỗ lực sẽ thành công hơn rất nhiều những người chỉ biết an phận ở mãi một nơi và hài lòng với vị trí mà người ta sắp xếp cho mình. Điều quan trọng vẫn luôn là ý chí của bản thân.
Đặng Nhung
Theo Infonet