Bắc Kinh đang kêu gọi chính quyền địa phương và doanh nghiệp khuyến khích phụ nữ sinh con bằng cách cung cấp mọi thứ, từ tiền thưởng đến các khoản thế chấp giảm, nghỉ phép có lương tỷ lệ thuận với số lượng trẻ em, theo Al Jazeera.
Nỗ lực
Kể từ tháng 5/2021, khi Trung Quốc bắt đầu cho phép mỗi gia đình có tối đa 3 con sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình hà khắc, các quan chức địa phương và công ty thúc đẩy hàng loạt biện pháp khuyến khích đối với những bậc cha mẹ tương lai.
Dabeinong Group, công ty công nghệ nông nghiệp ở Bắc Kinh, được coi là nhà tuyển dụng hào phóng nhất Trung Quốc vì tặng tiền mặt lên tới 90.000 nhân dân tệ (14.100 USD) và thời gian nghỉ thai sản đến 12 tháng cho nhân viên nữ. Nhân viên nam mới lên chức bố được nghỉ 9 ngày.
Trong khi đó, luật pháp Trung Quốc quy định phụ nữ được nghỉ thai sản 98 ngày và không có quy định nào dành cho các ông bố.
Các chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở Trung Quốc đang tung ra nhiều biện pháp khuyến khích nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh thấp kỷ lục của đất nước. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Phó chủ tịch Chen Zhongheng của Dabeinong cho biết đầu tháng này, công ty đã áp dụng các biện pháp kể trên “vì chính phủ đang khuyến khích sinh đẻ”.
Phần thưởng tiền mặt bắt đầu từ 30.000 nhân dân tệ (4.740 USD) cho các cặp vợ chồng sinh con đầu lòng. Số tiền tăng gấp đôi và 3 lần cho đứa con thứ 2, 3. Công ty cũng có kế hoạch tăng thời gian nghỉ thai sản lên 1, 3 và 12 tháng tương ứng với những gì chính phủ đảm bảo.
“Chúng tôi tin rằng các trưởng bộ phận nên đi đầu trong việc sinh thêm con. Họ cần đóng vai trò tiên phong chừng nào tuổi tác và điều kiện còn cho phép”, Cheng nói.
Tháng 12/2021, tỉnh Cát Lâm thông báo cung cấp khoản vay lên tới 200.000 nhân dân tệ (31.500 USD) cho các cặp vợ chồng đang có kế hoạch sinh con, cộng với giảm thuế và tặng tiền mặt.
Trong khi đó, thành phố Nam Thông có chính sách trợ cấp nhà ở 400 nhân dân tệ/m2 (63 USD) cho gia đình có 3 con. Ở tỉnh Chiết Giang, cặp vợ chồng có nhiều hơn một con có thể tiếp cận mức trần cao hơn cho các khoản vay mua nhà giá rẻ.
Một trong những động thái mạnh mẽ nhất cho đến nay là năm ngoái, Bắc Kinh cấm dạy thêm để giảm bớt áp lực tài chính và xã hội của phụ huynh - vốn thường được coi là lý do chính khiến họ không muốn có con.
Việc thúc đẩy sinh thêm con đánh dấu sự đảo ngược chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc, vốn được áp dụng trong 4 thập kỷ cho đến năm 2015.
Năm ngoái, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 7,52 trên 1.000 dân, chỉ với 10,6 triệu ca sinh.
“Vấn đề dân số của Trung Quốc nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người”, Yi Fuxian, nhà khoa học cấp cao về sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), nói.
Nỗ lực muộn màng
Đối với nhiều phụ nữ giàu có, trình độ học vấn cao ở Trung Quốc, nỗ lực để làm cho việc nuôi dạy con cái trở nên hấp dẫn hơn là quá ít và muộn màng.
Kavita Yang (40 tuổi), giáo sư đại học ở Bắc Kinh, nói: “Sinh con đồng nghĩa với việc không có thời gian, tiền bạc và tự do”.
Năm ngoái, Yang quyết định không có con sau nhiều năm canh cánh trong lòng về việc này. Một đứa trẻ đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, sức lực và tiền bạc mà cô nhận ra rằng bản thân không sẵn sàng thực hiện.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc trốn tránh hôn nhân. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Quyết định của Yang bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của xã hội rằng phụ nữ phải làm việc nhà và chăm sóc con cái, ngay cả khi tăng ca nhiều giờ tại nơi làm việc.
Những trách nhiệm quá nặng nề không đi kèm với đặc quyền: phụ nữ xứ tỷ dân không thể nối dõi tông đường trong khi nhiều người phàn nàn rằng họ bị từ chối sự hỗ trợ từ chính gia đình vì không phải đàn ông.
Đặc biệt, phụ nữ trẻ tuổi thậm chí còn né tránh hôn nhân. Một cuộc khảo sát công bố vào tháng 10/2021 cho thấy trong số 2.905 cư dân thành thị chưa muốn kết hôn từ 18 đến 26 tuổi, gần 44% phụ nữ cho biết họ không có ý định kết hôn hoặc không chắc liệu có lập gia đình hay không. Con số này cao hơn gần 20 điểm phần trăm so với nam giới trong cùng nhóm.
Rebecca Han (28 tuổi), cựu nhân viên tại công ty giáo dục ở Bắc Kinh, nói: “Nếu kết hôn trong môi trường và bối cảnh xã hội tồi tệ như Trung Quốc hiện nay, đó chẳng khác gì hành động tự sát. Bạn đang bước vào trò chơi đỏ đen mà rất khó có cơ hội thắng”.
Han tin rằng các đặc quyền như tiền thưởng và thời gian nghỉ phép dài hạn sẽ không làm thay đổi thực tế rằng phụ nữ ít được coi trọng hơn nam giới, cũng như bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc và gánh vác trách nhiệm nặng nề.
“Cốt lõi của vấn đề là bất bình đẳng giới trong gia đình, cũng như chi phí giáo dục và phát triển của trẻ em ngày càng tăng”, Mu Zheng, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Mặc dù nữ giới chiếm hơn 50% sinh viên tốt nghiệp đại học của Trung Quốc, những tiến bộ về giáo dục và nơi làm việc vẫn chưa được phản ánh trong các cuộc thảo luận công khai.
“Đàn ông nên được khuyến khích nghỉ phép và tham gia vào vai trò làm cha mẹ. Nếu không, với các chuẩn mực giới cố định, phụ nữ, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao và triển vọng nghề nghiệp, sẽ ngày càng miễn cưỡng có con”, Mu nói.
Việc thúc đẩy sinh thêm con đánh dấu sự đảo ngược chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc, vốn được áp dụng trong 4 thập kỷ cho đến năm 2015. Ảnh: Andrea Hsu/NPR. |
Một số công ty đang thử các hình thức hỗ trợ toàn diện hơn cho phụ nữ. Trip.com, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cung cấp lịch trình làm việc linh hoạt và đi taxi miễn phí cho nhân viên mang thai, trợ cấp chi phí giáo dục, thậm chí trả tiền cho nhân viên nữ đông lạnh trứng của họ.
Jane Sun, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết kết quả là nữ giới chiếm hơn một nửa lực lượng lao động của công ty, hơn 40% quản lý cấp trung và hơn 1/3 giám đốc điều hành.
Yang, giáo sư đại học ở Bắc Kinh, cho biết xã hội Trung Quốc đã quá muộn màng khi giờ mới suy tính về gánh nặng tinh thần lẫn thể chất của việc nuôi dạy con cái đặt lên vai phụ nữ.
Cho đến khi có sự bình đẳng, cô không thể tưởng tượng việc mình có con.
“Chăm sóc tốt cho bản thân là trách nhiệm chính của tôi đối với đất nước”, cô nói.