Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc truy tìm người tung tin đồn trên mạng

Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết sẽ lập ra cơ chế truy tìm nguồn gốc của những tin đồn trên mạng xã hội, theo Sixth Tone.

Các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm cho tính xác thực của bài đăng. Hơn thế, người dùng sẽ bị cấm đăng ký tài khoản mới, xử phạt theo mức độ vi phạm khi có hành vi tung tin thất thiệt.

"Những lời đồn đại không chỉ xúc phạm nhân phẩm, danh tiếng, quyền riêng tư của cá nhân, mà còn ảnh hưởng tới xã hội. Vì vậy, nó cần được giải quyết triệt để", ông Zhang Yongjun, một quan chức của CAC, tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 17/3.

Các cơ quan quản lý Internet ở xứ tỷ dân thường xuyên kiểm tra, xóa bỏ những nội dung được cho là có hại, nhạy cảm để đảm bảo không gian mạng an toàn, sạch sẽ cho người dùng.

trung quoc muon xoa tin don tren mang anh 1

Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết việc truy vết thông tin và đặt trách nhiệm cho các nền tảng trực tuyến sẽ xử lý tận gốc tình trạng tung tin thất thiệt. Ảnh: CGTN.

Cơ quan này đã rà soát 879.000 mẩu thông tin độc hại, xử phạt 41.000 tài khoản bất hợp pháp từ đầu năm tới nay.

Ông Zhang cho biết CAC đã có kế hoạch triển khai giải pháp "dài hạn" nhằm xử lý tận gốc các hành vi vi phạm, đặt trách nhiệm lên các nền tảng trực tuyến.

Li Xiangnong, đối tác cấp cao của Shanghai P&W Partners, nhận định là Internet bị coi như "nguồn cơn" của những lời đồn vì dân mạng thường dùng các nền tảng đó để lan truyền chúng.

Vì thế, ông Li cho rằng cơ chế truy vết của cơ quan chức năng có thể kịp thời ngăn chặn và xử lý tận gốc các thông tin thất thiệt.

Hiện tại, Trung Quốc có hơn 1 tỷ người dùng Internet, tỷ lệ thâm nhập trực tuyến là 73%.

Một báo cáo về Internet tại nước này được công bố từ tháng 12/2020 cho thấy hơn 2/3 người tham gia khảo sát thường bắt gặp những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội.

Thực tế, hàng loạt tin đồn thất thiệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sự an toàn, riêng tư của cả những ngôi sao nổi tiếng và người bình thường.

Năm 2020, Wu Min (28 tuổi), một phụ nữ sống tại Thượng Hải (Trung Quốc), đã bị đuổi việc, rơi vào trầm cảm vì bị quay lén và tung tin đồn lên mạng xã hội.

Đoạn video dài 9 giây ghi lại cảnh cô nhận bưu kiện ở trạm chuyển phát nhanh tại khu phố cách đó một tháng đã được ghép với ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện không liên quan gì tới Wu.

trung quoc muon xoa tin don tren mang anh 2

Wu cầm thông báo xác nhận trường hợp của cô đã được thụ lý bên ngoài tòa án ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang tháng 12/2020. Ảnh: Sixth Tone.

Trong đó, cô được miêu tả là mẹ đơn thân, ra sức dụ dỗ nam nhân viên giao hàng, thậm chí gửi địa chỉ khách sạn để hẹn gặp anh ta.

Sau cùng, thủ phạm là chủ cửa hàng tạp hóa cạnh đó. Anh ta thừa nhận hành vi vi phạm trước cảnh sát, cho biết mình "chỉ muốn đùa vui".

Trong trường hợp khác, một người đàn ông lớn tuổi và cháu gái bị đồn là một cặp vợ chồng vào năm 2021. Thông tin giả này tràn lan trên mạng xã hội, khiến họ bị tấn công, lạm dụng trực tuyến.

Người tung tin đồn đã bị bắt giữ từ tháng 11 năm ngoái và vụ việc vẫn đang được điều tra, xử lý.

Mao Kuai, giảng viên Luật tại ĐH Tài chính và Kinh tế Tây Nam, đồng tình với giải pháp của chính quyền. Song, ông cũng lo ngại rằng sự can thiệp quá mức có thể hạn chế hoạt động trực tuyến của người dùng.

"Nguồn cơn của tin đồn có thể từ một đứa trẻ muốn đùa giỡn, nhưng cũng có thể là một đối tượng khác có khả năng che giấu tốt hơn. Cơ chế truy vết này cần phải xem xét kỹ lưỡng để có hiệu quả tốt", Mao nói.

Sự biến tướng của MXH dành cho phụ nữ tại Trung Quốc

Trên mạng xã hội, phụ nữ Trung Quốc bị quấy rối với hàng loạt ảnh khiêu dâm cùng bình luận khiếm nhã của đàn ông.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm