Thực tế, những kiến thức sinh viên có được tại trường đại học chỉ áp dụng rất ít hoặc có thể không liên quan công việc sau này. Tôi cũng như các bạn lại đặt thêm câu hỏi: Thời gian ngồi trên giảng đường, chúng ta đã làm gì?
Sinh viên có cần mất quá nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc để nhận lấy tấm bằng mà chính chúng ta không tin về tính hữu dụng của nó trong nghề nghiệp tương lai?
Câu trả lời của riêng tôi là “có”. Bởi tôi tin trường đại học đã mang đến cho mình và các bạn nhiều thứ hơn.
Tôi đã có 7 năm du học, trong đó, 5 năm ở Hàn Quốc và 2 năm tại Australia. Tôi nghĩ mình là sinh viên may mắn khi được tiếp xúc nhiều nền giáo dục, cách tiếp cận và giảng dạy cũng khác nhau. Tôi nhận ra, dù trường tại đất nước kim chi hay xứ sở chuột túi, người học đều được trang bị nhiều kỹ năng hữu ích. Chúng giúp tôi có thể tồn tại trong xã hội luôn vận động, đầy sự cạnh tranh, hơn tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi.
Trường đại học - xã hội thu nhỏ
Đến ngày tốt nghiếp cấp ba, mỗi chúng ta mới chính thức kết thúc 12 năm nằm trong vòng tay che chở của thầy cô, bố mẹ. Mỗi bạn tự chọn con đường tương lai, nghề nghiệp khác nhau. Trường đại học là nơi giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc tiến đến mục đích.
18 tuổi, tôi cũng như các bạn, chưa hiểu nhiều về khó khăn, sự cạnh tranh khốc liệt của đời sống. Mọi thứ không phải màu hồng như trên phim hay tiểu thuyết. Trường đại học chính là xã hội thu nhỏ, giúp sinh viên dần làm quen với những khái niệm về thực tế cuộc sống.
Sinh viên trong giờ học trên giảng đường tại Đại học Latrobe, Australia. Ảnh: Đoàn Toàn. |
Mỗi khoa chính là ngành nghề sau này của các bạn. Môn học là nhiệm vụ bạn phải thực hiện để khẳng định năng lực bản thân. Làm tốt bao nhiêu, bạn sẽ được đánh giá để ngồi vào vị trí xứng đáng với năng lực bấy nhiêu khi ra trường đời.
Trường đại học là xã hội thu nhỏ. Đây là nơi bạn có thể rèn luyện bản thân, chuẩn bị hành trang cần thiết trước khi bước ra thế giới thực.
Môn học - thước đo năng lực
Sau 4-5 năm đại học, không ít lần tôi tự đặt câu hỏi: Học môn này để làm gì? Nó giúp ích gì cho bản thân sau này? Tại sao tôi học khoa Tài chính lại có thêm Tâm lý học, Lịch sử thế giới?...
Câu trả lời tôi nhận được khá đơn giản. Đó là trong xã hội, mọi thứ đều chuyển động và thay đổi không ngừng. Các bạn đừng bao giờ nghĩ chúng ta học tất cả môn giống nhau từ năm này đến năm khác, hay áp dụng môn học như vậy từ khóa này đến khóa khác dễ dàng.
Khi đi làm, chúng ta luôn đối mặt những khó khăn, thử thách mới, thiên biến vạn hóa, không phải mọi thứ đều nằm trong kiến thức đã học. Trong công việc, lãnh đạo không quan tâm bạn có giỏi về vấn đề đó hay không? Họ cần là làm sao chúng ta xử lý tốt nhất, hiệu quả nhất.
Khu giảng đường của Đại học Latrobe, Australia. Ảnh: Đoàn Toàn. |
Các môn học được sắp xếp đa dạng giúp học sinh không chỉ phát huy mặt mạnh, mà còn biết vượt qua những mặt yếu. Môn học nào cũng quan trọng, dù có hay không liên quan nghề nghiệp sau này. Điều bạn nhận được là kỹ năng sinh tồn với sự thay đổi của xã hội, cũng như công việc được giao sau này.
Bởi vậy, bạn hãy luôn xem mỗi môn học là nhiệm vụ, phải làm sao để đạt kết quả tốt nhất.
Bảng điểm - thước đo nỗ lực
Thời gian học tại Hàn Quốc, tôi thấy khó hiểu khi sinh viên học ngày đêm để có được bằng giỏi, tên nằm trong top 15 - danh sách học sinh xuất sắc nhất trường. Điều này có ý nghĩa gì nếu ra trường bạn xin vào công ty muốn đào tạo lại từ đầu hay làm trái ngành nghề đã theo học? Chúng ta có cần hy sinh 4 năm học để được bằng giỏi? Kết quả này có xứng đáng và cần thiết với công sức đã bỏ ra?
Khi may mắn được gặp nhà tuyển dụng có tiếng tại đất nước củ sâm, tôi tâm sự trăn trở của mình. Ông nói, nhà tuyển dụng nhìn vào bảng điểm không phải để xem bạn học giỏi hay kém mà quan sát tổng thể nỗ lực của bạn qua từng môn học. Họ xem mỗi môn học là nhiệm vụ. Khả năng bạn xử lý chúng là thước đo đánh giá bạn có thể giải quyết công việc sau này.
Nếu bảng điểm của bạn càng cao, thực tế là sự nỗ lực, công sức bạn dành cho dự án - môn học càng nhiều, kết quả thành công cao. Họ sẵn sàng giao cho bạn những nhiệm vụ phù hợp với năng lực xử lý công việc.
Vì thế, các bạn hãy luôn xem bảng điểm là thước đo tổng thể chính xác nhất cho nỗ lực và hiệu quả xử lý công việc. Nên nhớ, nhà tuyển dụng rất công bằng và công tâm với nỗ lực của bạn.
Đại học Latrobe, Australia, nơi tác giả bài viết theo học. Ảnh: Đoàn Toàn. |
Hoạt động ngoại khóa đánh giá kỹ năng mềm
Học kiến thức trong trường chưa đủ, bởi mỗi học sinh đều cần trang bị cho bản thân những kỹ năng mềm để có thể tồn tại trong xã hội. Đó là kỹ năng giao tiếp, hoạt động nhóm, thuyết trình trước đám đông, thuyết phục người khác, quan sát...
Các bạn sẽ không thể học được những kỹ năng trên qua bất kỳ trường lớp nào. Chúng phụ thuộc vào sự trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động trường lớp, đoàn thể, xã hội... Tôi cũng nhờ việc tham gia nhiều hoạt động trong suốt thời gian đi học đã khám phá được nhiều khả năng tiềm ẩn của bản thân.
Bên cạnh việc học, các bạn cố gắng tham gia nhiều hoạt động mình yêu thích. Điều này giúp bạn phát triển kỹ năng mềm và tài năng tiềm ẩn. Đó là hành trang quan trọng cho học sinh - sinh viên trên con đướng sự nghiệp.
Tác giả Đoàn Thế Toàn đang học ngành phân tích tài chính tại Đại học Latrobe, Australia. Trước đó, Toàn học gần 5 năm tại Hàn Quốc.
Những bài viết của du học sinh trên Zing.vn
Du học sinh có thể chia sẻ thông tin về du học qua địa chỉ email toasoan@news.zing.vn. Những bài viết hay sẽ được lựa chọn đăng tải trên Zing.vn.