Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường Nhật Bản bỏ truyền thống bắt học sinh đi bộ 85 km xuyên đêm

Trường Trung học Otawara ở tỉnh Tochigi (Nhật Bản) vừa quyết định bỏ truyền thống đi bộ xuyên đêm 85 km hàng năm của toàn bộ học sinh.

Truyền thống đi bộ có tên gọi là "kyoho", được khởi xướng từ năm 1986. Ảnh: Soranews24.

Trường trung học Otawara nổi tiếng với phương châm "Shisso kenjitsu" (khổ hạnh và kiên cường). Truyền thống đi bộ có tên gọi là "kyoho", được khởi xướng từ năm 1986, là một phần quan trọng trong nỗ lực của trường nhằm rèn luyện ý chí kiên cường và tinh thần quyết tâm cho học sinh.

Đi bộ 85 km xuyên đêm

Hàng năm, vào một buổi sáng mùa xuân, toàn bộ học sinh sẽ tập trung tại trường và bắt đầu hành trình đi bộ qua các thành phố miền núi Otawara, Yaita và Nasu Shiobara.

Quãng đường 85 km này đòi hỏi các em phải đi bộ suốt đêm, chỉ dừng lại để ăn uống và nghỉ ngơi, trước khi trở về trường vào trưa ngày hôm sau. Nhà trường tin rằng hoạt động này giúp nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và thắt chặt tình đoàn kết giữa các học sinh.

Tuy nhiên, kyoho đã bị gián đoạn từ năm 2020 đến 2022 do đại dịch Covid-19, và năm 2023 đã phải rút ngắn vì thời tiết xấu.

Năm 2024, học sinh đã hoàn thành trọn vẹn quãng đường 85 km sau 5 năm. Nhưng năm nay, truyền thống này sẽ thay đổi. Trường Otawara thông báo rằng sự kiện kyoho năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 15/5, sẽ chỉ còn 35 km.

Quyết định này xuất phát từ lý do an toàn, thay vì những lo ngại hay phàn nàn về độ khó của quãng đường.

Việc tổ chức một cuộc đi bộ xuyên đêm cho hàng trăm học sinh đòi hỏi hệ thống giám sát và hỗ trợ chặt chẽ. Các giáo viên và nhân viên nhà trường được bố trí dọc đường để hướng dẫn giao thông, phát nước và xử lý các vấn đề sức khỏe, an toàn.

Tuy nhiên, với quãng đường 85 km, số lượng giáo viên và quản lý không đủ để bao quát hết các điểm cần thiết, khiến nhà trường phải nhờ đến sự giúp đỡ của phụ huynh.

Đáng tiếc là dân số của Otawara đang suy giảm, và số lượng học sinh của trường cũng giảm từ 1.000 xuống chỉ còn khoảng 570 trong năm học này.

Số lượng học sinh ít hơn đồng nghĩa với việc nguồn phụ huynh hỗ trợ cũng ít đi. Nhà trường nhận thấy không còn đủ nhân lực để quản lý an toàn một lộ trình dài 85 km.

Vì vậy, sự kiện kyoho năm nay sẽ bắt đầu từ khuôn viên trường lúc 9h45 và kết thúc tại khu vực nghỉ ngơi ven đường Yu no Kaori Shiobara lúc 16h30 cùng ngày. Một quãng đường 35 km hoàn toàn diễn ra trong ban ngày.

Giáo dục "khổ hạnh và kiên cường"

Việc trường Otawara xem xét lại tính an toàn của các hoạt động ngoại khóa không phải là không có lý do. Vào tháng 3/2017, câu lạc bộ leo núi của trường đã tham gia một buổi huấn luyện ở vùng núi Nasu vẫn còn tuyết phủ.

Trong một buổi tập đi bộ trên tuyết, nhóm đã bị tuyết lở vùi lấp, khiến 7 học sinh và 1 giáo viên thiệt mạng.

Trong phiên tòa hình sự sau đó, tòa án xác định nguy cơ lở tuyết vào thời điểm đó là hoàn toàn có thể lường trước được. Tòa đã kết án ba bị cáo (bao gồm cả các giáo viên giám sát chuyến đi) hai năm tù vì tội sơ suất nghề nghiệp.

Phán quyết được đưa ra vào tháng 3/2024. Dù vậy, cùng năm này, sự kiện kyoho vẫn diễn ra vào tháng 5 với quãng đường 85 km. Nhưng có lẽ, phán quyết của tòa án là một yếu tố quan trọng khiến trường cân nhắc trong quá trình khi đánh giá tính khả thi các chuyến đi.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trường Otawara hoàn toàn từ bỏ phương pháp giáo dục "khổ hạnh và kiên cường".

Ngày 20/1 năm nay, với nhiệt độ 1,2 độ C, trường vẫn tổ chức chương trình "huấn luyện lạnh" kangeiko hàng năm.

Khoảng 400 học sinh đã tập trung tại sân trường trước khi mặt trời mọc để chạy 7 km quanh khuôn viên. Hiệu trưởng Yoshikazu Kimijima đã động viên học sinh bằng lời khích lệ: "Trời lạnh trên khắp Nhật Bản, nhưng chúng ta hãy sưởi ấm cả nước bằng tinh thần của chúng ta!".

Thực tế, chương trình kangeiko không chỉ diễn ra trong một ngày mà kéo dài suốt năm ngày liên tiếp.

Do đó, quyết định rút ngắn sự kiện kyoho xuống còn 35 km không phải là một quyết định dễ dàng đối với trường Otawara.

"Khi các vấn đề về quản lý an toàn trở nên lo ngại, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút ngắn quãng đường", Phó hiệu trưởng Hidenori Matsumoto chia sẻ.

Chưa rõ sự thay đổi này là vĩnh viễn hay tạm thời, nhưng với việc thiếu hụt phụ huynh hỗ trợ là một yếu tố then chốt. Kyoho khó có thể trở lại hình thức 85 km như ban đầu nếu không có sự gia tăng cư dân ở thị trấn.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Nữ ca sĩ Nhật gây sốt với hành trình bay 2.000 km mỗi ngày để đi học

Nữ ca sĩ Nhật Bản gây sốt sau chia sẻ dậy từ 5h và di chuyển bằng máy bay 4 giờ mỗi ngày để đến trường đại học suốt 4 năm.

Ngọc Bích

Theo Soranews24

Bạn có thể quan tâm