Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường sư phạm chậm đổi mới vì ít cạnh tranh

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, từ khoá tuyển sinh năm 2016, các trường sư phạm sẽ đào tạo theo chương trình được đổi mới và phải nỗ lực để thay đổi, nâng cao chất lượng.

Theo thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, chương trình đào tạo của các trường sư phạm hiện nay còn lạc hậu, cần phải bổ sung, thay đổi. Ông Hiển cho rằng, không riêng các trường sư phạm lạc hậu, nhưng rõ ràng chậm đổi mới hơn các trường đại học khác. Một trong những nguyên nhân chính là  có ít sự cạnh tranh hơn.

Có trường ý thức được thực tế này đã tiên phong “chạy” trước, nhưng cũng không ít cao đẳng sư phạm địa phương vẫn “nằm im bất động”.

Sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội (trước là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) trên giảng đường. Ảnh: Kinh Tế Đô Thị.

Năm qua, Bộ GD&ĐT có nhiều kênh tác động đến các trường sư phạm, đã tập huấn ban đầu về đánh giá năng lực nhưng sau đó nhiều trường vẫn chưa có động thái cụ thể.

Trước đây, Bộ GD&ĐT quy định chương trình khung, nay đang chuyển cơ chế, tăng cường mạnh mẽ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Các trường cũng cần có thời gian để tiếp cận và dần thay đổi nên tiến độ chậm.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, các đợt tập huấn đều nhằm mục đích yêu cầu trường tự điều chỉnh. Kiểm định chất lượng cũng là hình thức để đốc thúc việc đổi mới. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu, muốn hiệu quả cao cần thêm thời gian.

Chia sẻ về việc các trường sư phạm đổi mới thế nào trong thời gian tới, ông Nguyễn Hải Thập, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT, cho biết, từ giữa năm 2015, Bộ đã tổ chức hội thảo, tập huấn cho đại diện của tất cả cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước về một số vấn đề đổi mới chương trình đào tạo sư phạm. Từ khoá tuyển sinh năm 2016, các trường sẽ đào tạo theo chương trình đổi mới này.

Vừa qua, Cục Nhà giáo tổ chức tập huấn cho các cơ sở đào tạo giáo viên, gồm lãnh đạo, trưởng phòng đào tạo, các trưởng khoa, trưởng bộ môn; cung cấp cho học viên những kiến thức, kỹ năng chung về xây dựng và phát triển chương trình đào tạo giáo viên.

Bộ cũng khuyến khích các trường cộng tác với nhau để cùng làm những phần chung. Trong đó, Bộ GD&ĐT chỉ hướng dẫn, không làm chương trình cho các trường.

Ông Thập cũng cho hay, trong tháng 1 và 2 năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tập huấn cho cán bộ chủ chốt của tất cả cơ sở đào tạo giáo viên trên toàn quốc. Tiếp theo, Bộ chuyển sang tập huấn theo hình thức E-learning, nhằm giúp các giảng viên hiểu và có thể làm được với sự trợ giúp của Cục Nhà giáo và đội ngũ cán bộ đã được tập huấn.

Mặc khác, đại diện Cục Nhà giáo cũng cho hay, từ thực trạng đội ngũ giáo viên phổ thông hiện tại, đối chiếu với chương trình mới, sẽ thấy việc bồi dưỡng nghiệp vụ rất quan trọng. Các trường sư phạm sẽ nghiên cứu để xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên. Một số trường đã và đang phối hợp với các sở GD&ĐT khảo sát thực tế năng lực giáo viên phổ thông để phục vụ cho quá trình này.

PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình, Phó trưởng khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết, đợt tập huấn vừa qua, các báo cáo viên trình bày và chia sẻ những điều mà giảng viên các trường đại học, cao đẳng cần.

Đợt tập huấn đã cung cấp cho giảng viên quy trình, kỹ thuật xây dựng và phát triển chương trình đào tạo dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.

Sợ thất nghiệp, sinh viên sư phạm bỏ trường về làm thợ

Với tâm lý sợ "sau tốt nghiệp về đi... cày", một số sinh viên quê Hà Tĩnh bỏ đại học về học nghề.


Phan Lê

Bạn có thể quan tâm