Bức ảnh chụp lại trang sổ tay sinh viên của Học viện Nghệ thuật Trung Quốc (Hàng Châu) đang lan truyền trên mạng, khiến nhiều người bất bình khi có nội dung đề cập "những vấn đề xuất phát từ phụ nữ" là "nguyên nhân của tấn công tình dục".
Những quy định trong sổ tay dành cho sinh viên năm nhất để tránh bị quấy rối khiến dân mạng cho rằng đang "đang đổ lỗi cho nạn nhân". |
Những vấn đề được chỉ ra bao gồm "chú trọng tới ngoại hình và hưởng thụ vật chất", "vẻ ngoài hào nhoáng cùng lối sống phù phiếm", "yếu đuối và không có khả năng tự vệ", "không có ý chí và không chống lại được cám dỗ".
Nội dung sổ tay nói rằng các vụ tấn công tình dục có thể xảy ra vào ban đêm, trong lớp học, phòng thí nghiệm và ký túc xá. Vì vậy, nhằm "phòng chống nạn tấn công tình dục", học viện cho rằng “ký túc xá nữ có vấn đề về an toàn” và khuyến cáo sinh viên nữ không nên ở trong phòng một mình.
Đồng thời các nữ sinh cũng nên “đi đường lớn vào ban đêm, không nói chuyện với người lạ và không mặc quần áo quá hở hang”.
Dân mạng cho rằng những quy định của học viện đang đổ lỗi cho nạn nhân. "Lý do của quấy rối tình dục nằm ở chính những kẻ quấy rối", một tài khoản Weibo bình luận.
Bộ phận an ninh của học viện, nơi chịu trách nhiệm về nội dung sổ tay, cho biết quyển sổ này lưu hành nội bộ, được phát cho sinh viên năm nhất và bức ảnh đăng trên mạng "chỉ thể hiện một phần nhỏ không phù hợp với ngữ cảnh", tờ Xiaoxiang Morning Post đưa tin.
ĐH Quảng Tây cũng từng gây bức xúc với nội dung sổ tay yêu cầu nữ sinh không mặc váy ngắn, đi giày cao gót để tránh bị quấy rối. |
Trước đó, ĐH Quảng Tây (Trung Quốc) từng gây tranh cãi khi xuất bản cuốn sổ tay với 50 yêu cầu về trang phục đối với nữ sinh để không bị quấy rối.
Nội dung bao gồm các mẹo an toàn trong và ngoài khuôn viên trường, đề xuất về cách xử lý quấy rối tình dục, yêu cầu nữ sinh hạn chế mặc một số loại trang phục như chân váy, váy ngắn hay đi giày cao gót nhằm "tránh cám dỗ".
Các quy tắc trên nhanh chóng bị chỉ trích là phân biệt giới tính, tạo ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi một người dùng đăng lên Weibo hôm 31/8. "Thậm chí chưa đọc hết cuốn sổ tay đó, tôi đã thấy đầy sự đàn áp đối với phụ nữ", một người đọc bình luận.
Shaoxi - một blogger về nữ quyền - cho rằng công chúng luôn tập trung vào nạn nhân trong các vụ tấn công và quấy rối tình dục. Người ta “đưa nạn nhân vào tầm ngắm, cho rằng sự việc xảy ra là bởi hành vi của họ, thay vì hỏi tại sao thủ phạm lại làm hại người khác”.
Cô cho biết những cái nhìn định kiến, lỗi thời như vậy vẫn phổ biến trong các trường đại học, không phân biệt tỉnh lẻ hay thành phố lớn. "Nhưng nếu đi nói với người khác rằng suy nghĩ đó là sai lầm, bạn sẽ trở thành kẻ thiểu số và bị chỉ trích ngược lại".
"Khi người ta dám in nó vào sổ tay sinh viên, điều đó có nghĩa trong thực tế, suy nghĩ ấy rất phổ biến, họ không cho đó là tư tưởng lệch lạc. Đó thực sự là vấn đề", Shaoxi bày tỏ.
Song, cô tin rằng khi tranh cãi nổ ra cũng chính là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại. "Những cuộc tranh cãi đều là đang chiến đấu cho lẽ phải, dù chúng diễn ra trên mạng hay trên báo chí".
Xiao Meili, một nhà hoạt động nữ quyền, cũng phấn khởi khi trong những năm gần đây, mọi người đã ý thức hơn về việc không đổ lỗi cho nạn nhân.
"Tôi vui mừng khi thấy nhiều người nhận ra hành vi đổ lỗi cho nạn nhân là sai và sẵn sàng lên tiếng chỉ trích thực trạng đó", bà nói.