Giáo dục chú trọng tư duy phát triển bền vững của New Zealand giúp người học có kiến thức, kỹ năng để cải thiện chất lượng cuộc sống hiện tại mà không tổn hại đến hành tinh trong tương lai.
Tốc độ phát triển nhanh chóng của nhân loại đang tạo nên những ảnh hưởng đáng lo ngại với hành tinh. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc dự đoán đến năm 2025, khoảng 1,8 tỷ người ở các quốc gia hoặc khu vực sống trong tình trạng khan hiếm nước.
Những vấn đề tương tự sẽ diễn ra trong lĩnh vực thực phẩm, khoáng chất và nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Điều này dẫn đến một vấn đề: Làm thế nào thuyết phục các cá nhân, tổ chức và chính phủ đưa ra lựa chọn, hành động có thể đảm bảo tương lai bền vững cho hành tinh?
Để đảm bảo một tương lai bền vững, mọi người cần bắt đầu suy nghĩ và hành động có trách nhiệm hơn đối với môi trường. Yếu tố quan trọng dẫn dắt sự thay đổi trong tư duy và hành vi, đó là giáo dục.
Theo UNESCO, giáo dục bền vững hay còn gọi là giáo dục cho sự phát triển bền vững (Education for Sustainable Development - ESD) nghĩa là đưa các vấn đề phát triển bền vững vào giảng dạy và học tập. Các vấn đề này bao gồm: Biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro thiên tai, đa dạng sinh học, giảm nghèo khó và tiêu dùng bền vững. Tư duy bền vững cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, tầm nhìn của thế hệ công dân toàn cầu.
Tại nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, phát triển bền vững là ngành học triển vọng và đã được đưa vào giảng dạy từ sớm. Thậm chí ngày nay, ngành học này còn trở thành tiêu chí để học sinh, sinh viên cân nhắc việc chọn trường.
Theo khảo sát toàn cầu năm 2020 của tổ chức SOS (Students Organizing for Sustainability), 92% học sinh cho rằng chương trình học chính thức của các tổ chức giáo dục cần chủ động thêm nội dung liên quan chủ đề bền vững. Trước đó, khảo sát của QS Environmental Concerns năm 2019 chỉ ra có đến 79% người cho rằng chương trình đào tạo có thêm nội dung về chủ đề bền vững sẽ ảnh hưởng tới quyết định của họ khi lựa chọn nơi học.
Các con số khảo sát trên là cơ sở để nhiều quốc gia mở ngành mới về phát triển bền vững, bắt kịp nhu cầu người học và cung cấp nguồn nhân lực cho tương lai. Là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, từ rất sớm, New Zealand đã chủ động cập nhật, đưa giá trị bền vững (sustainability) vào chương trình đào tạo hoặc lập ra các chuyên ngành riêng, nhằm nâng cao nhận thức của người trẻ về các vấn đề môi trường.
Theo đó, chương trình đào tạo chú trọng việc chuẩn bị cho người học nền tảng kiến thức và kỹ năng để ứng phó với những sự thay đổi trong tương lai. Đó là lý do quốc gia này liên tục nằm trong top 3 thế giới (và dẫn đầu khối các nước nói tiếng Anh) từ năm 2018 về nền giáo dục chuẩn bị cho tương lai, theo bảng xếp hạng Worldwide Educating for the Future Index.
Các trường đại học tại New Zealand cũng xếp thứ hạng cao về giáo dục tuân theo “17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)” của Liên Hợp Quốc. Hai năm liên tiếp 2019-2020, Đại học Auckland đứng số 1 thế giới trong bảng xếp hạng trường đại học có tầm ảnh hưởng toàn cầu (THE Impact Rankings) - đo lường dựa trên kết quả thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững - do tạp chí Times Higher Education công bố. Đại học Massey xếp thứ nhì toàn New Zealand và đứng hạng 37 thế giới trong THE Impact Rankings 2021…
Việc bổ sung giá trị bền vững vào chương trình đào tạo đã giúp New Zealand trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về chất lượng giáo dục toàn cầu, trở thành lựa chọn của nhiều du học sinh quốc tế.
Tư duy phát triển bền vững là một trong những mục tiêu ưu tiên của nền giáo dục tại New Zealand, được lồng ghép trong các chương trình học từ phổ thông đến bậc học cao hơn. Đó cũng là lý do sinh viên quốc tế quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững lựa chọn New Zealand để theo đuổi đam mê.
Vi Kim Chi - cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam - đã lựa chọn Đại học Massey của xứ sở kiwi để hoàn thành bậc thạc sĩ ngành Khoa học Thực vật. Luôn tâm niệm không thể đánh đổi sự phát triển trước mắt bằng môi trường sống, Kim Chi lựa chọn đề tài nghiên cứu Giảm thiểu những tác động tiêu cực từ sản xuất nông nghiệp đến môi trường và phát triển theo hướng bền vững.
Theo Kim Chi, chính phủ New Zealand đầu tư hàng triệu NZD mỗi năm cho nghiên cứu về giải pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực của sản xuất nông nghiệp đến môi trường. Nhờ vậy, du học sinh dễ nhận được sự hỗ trợ trong quá trình theo học.
Trường hợp của Kim Chi là một ví dụ. Nhờ đề tài luận văn thuộc dự án nghiên cứu được Ministry for Primary Industries (Bộ các ngành Công nghiệp cơ bản New Zealand) tài trợ, Chi không cần lo lắng đến chi phí thực hiện.
“Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những hướng nghiên cứu ưu tiên của học bổng chính phủ New Zealand. Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức hội thảo để cập nhật những kết quả mới nhất và đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai. Đây là cơ hội để mình gặp gỡ và học hỏi những nhà nghiên cứu đầu ngành”, Kim Chi cho biết.
Nhiều trường đại học tại New Zealand còn kết nối doanh nghiệp và sinh viên thông qua hội thảo, workshop… để củng cố câu chuyện “phát triển bền vững” theo hướng thực tiễn.
Tại các sự kiện, đại diện doanh nghiệp có thể đưa ra vấn đề về phát triển bền vững để sinh viên tư duy hướng giải quyết. Hình thức này vừa giúp doanh nghiệp có những giải pháp mới, vừa mang đến cơ hội cọ xát thực tế cho người học, giúp họ hiểu hơn về tầm quan trọng của phát triển bền vững.
Sau 10 năm sinh sống và học tập ở New Zealand, Quách Kiến Lân - Dave Quách (tốt nghiệp ngành Kinh tế tại Đại học Massey) - đã thấm nhuần lối sống bền vững của đất nước này. Với anh, bền vững không chỉ thể hiện ở khía cạnh bảo vệ môi trường, mà là một tư duy tiến bộ, có thể ứng dụng trong mọi mặt đời sống và công việc tại xứ kiwi.
Đơn cử, triết lý sống dung hòa với thiên nhiên, tôn trọng môi trường thể hiện qua cách người dân lưu trữ văn hóa, không khai thác khoáng sản quá độ, quy định số lượng - kích thước khi đánh bắt hải sản, không dùng thuốc trừ sâu hóa học mà chế tạo thuốc bảo vệ thực vật từ cây cỏ…
Được truyền cảm hứng từ lối sống xanh và bền vững của đất nước New Zealand, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế tại Đại học Massey, Dave Quách quay về Việt Nam. Anh thành lập công ty sản xuất sợi vải "xanh", tiếp nối truyền thống kinh doanh của gia đình nhưng lấy giá trị bền vững làm cốt lõi doanh nghiệp. Mục tiêu của Dave Quách là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về thời trang bền vững.
Bên cạnh nghiên cứu và cải tiến các sản phẩm xanh, Dave Quách còn hướng đến mô hình hệ sinh thái “con người, môi trường và xã hội” được truyền cảm hứng từ xứ kiwi. Anh thường phối hợp đối tác giáo dục, truyền thông và tổ chức phi chính phủ để tổ chức các hoạt động vì môi trường.
“New Zealand đã giúp tôi hiểu thêm về tầm quan trọng của phát triển bền vững. Tôi hy vọng ý tưởng của mình đem đến cảm hứng kinh doanh và tiêu dùng xanh cho giới thời trang tại Việt Nam”, anh chia sẻ.
Không chỉ thu hút du học sinh khắp nơi trên thế giới nhờ môi trường học tập an toàn, nền văn hóa độc đáo và cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, New Zealand còn trở thành điểm đến lý tưởng cho sinh viên toàn cầu nhờ nền giáo dục bền vững tiên tiến.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Chìa khóa du học New Zealand 2021", ISB hợp tác Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức lớp học trải nghiệm (Taster class). Tại lớp học, học sinh, sinh viên Việt Nam được tương tác trực tiếp với giảng viên từ các trường đại học hàng đầu New Zealand (ĐH Otago, ĐH Massey, ĐH Lincoln, ĐH Công nghệ Auckland, ĐH Auckland) và cập nhật xu hướng nghề nghiệp của ngành học.
10 lớp học giúp học sinh, sinh viên có thêm kiến thức về ngành học chủ lực tại New Zealand, từ đó đưa ra lựa chọn cho tương lai. Độc giả cập nhật thông tin và đăng ký học tại đây.
Hình thức: Học trực tuyến trên Zoom | Thời gian: 7/11-28/11.
Bình luận