Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tử tù Dương Chí Dũng: 'Anh em bị thế này tôi rất khổ tâm'

Cựu chủ tịch Vinalines thừa nhận việc trốn đi nước ngoài là sai lầm. "Anh em bị như thế này tôi rất khổ tâm, họ không được bất cứ lợi lộc nào", Dương Chí Dũng nói.

11h40: Tòa tạm nghỉ, 14h chuyển sang phần tranh luận.

10h50: Trả lời HĐXX, các nhân chứng là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (vợ của Dương Tự Trọng), Phạm Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) khai không hay biết việc Dương Tự Trọng đưa anh trai mình đi bỏ trốn.

Dương Chí Dũng tại phiên xử phúc thẩm em trai mình. Trước đó, chiều ngày 7/5, Dũng bị tòa cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình.
Dương Chí Dũng tại phiên xử phúc thẩm em trai mình. Trước đó, chiều ngày 7/5, Dũng bị tòa cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình.

10h30: Tòa chuyển sang phần hỏi nhân chứng Dương Chí Dũng. Ông Dũng nói quyết định bỏ trốn là do tin tưởng vào một cán bộ cao cấp ở Bộ. "Trọng chỉ là bố trí người và xe đưa đón, còn tất cả quyết định là do tôi. Nếu Trọng không giúp, tôi vẫn đi được...", ông Dũng nói. Cựu chủ tịch Vinalines thừa nhận việc trốn đi nước ngoài là sai lầm. "Anh em bị như thế này tôi rất khổ tâm, họ không được bất cứ lợi lộc nào", Dũng nói.

9h45: Dương Tự Trọng cho rằng bị cáo tham gia trong vụ án không như đánh giá của VKSND tối cao và tòa cấp sơ thẩm. Đó là ý chí, áp đặt dư luận. "Chúng tôi là con người, tôi không sợ tù vì đã nhiều lần ra trận vào trận. Trong việc này những anh em tham gia đều thân tình trừ Dũng Bắc Kạn. Việc đánh giá chúng tôi tổ chức tinh vi là không đúng vì không có chuyện đi xe công khai ban ngày từ Hải Phòng", cựu phó giám đốc công an Hải Phòng nói.

Dương Tự Trọng tại phiên xử phúc thẩm sáng 22/5.
Dương Tự Trọng tại phiên xử phúc thẩm sáng 22/5.

Bị cáo thừa nhận việc đổi xe là ý của bản thân, còn mục đích sang nước ngoài là của anh trai. Những người như Sơn, Thắng ông yêu thương và quý như ruột thịt. "Nếu tinh vi, tại Hà Nội tôi có những anh em xã hội khác, mong HĐXX xem xét cho chúng tôi. Còn Việc dùng sim rác, chúng tôi thường xuyên dùng vì tội phạm thường dùng, khi làm án phải dùng sim rác là chuyện bình thường. Trong công an hình sự, không hỏi nhiều, tác phong rất nhanh, khi nói ý đồ anh em tự giác tác nghiệp, triển khai nhanh. Ở ngoài nghe tinh vi nhưng thực chất là bình thường, người chỉ đạo là tôi, những anh em khác chỉ là thực hành, Dũng Bắc Kạn hay Phong chỉ đi với Dũng cho vui", Trọng trình bày.

Nhớ lại ngày Dũng thông báo sẽ bị bắt, bị cáo Trọng nói lúc đó rất thương anh trai mình. Vì thế, thời gian ở TP.HCM: "Tôi đã khóc suốt vì thương anh", bị cáo 53 tuổi trần tình tại tòa.

Nói về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo trình bày truy tố bị cáo ở khoản 3 Điều 275 Tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là không đúng. Cựu phó giám đốc công an Hải Phòng bảo muốn xin cho anh em hơn là cho mình.

9h30: Bị cáo Dương Tự Trọng được gọi lên xét hỏi. Tuy nhiên, cựu phó giám đốc công an TP Hải Phòng đứng trước vành móng ngựa đã xin phép HĐXX vài giây để tưởng niệm cho bố của bị cáo Vũ Tiến Sơn mới mất. Do bị cáo này đang xúc động nên HĐXX cho ông ta ngồi để lấy lại bình tĩnh và chuyển sang xét hỏi bị cáo Phạm Minh Tuấn.

Dương Tự Trọng nói biết tin bố của đồng nghiệp mới mất khiến bị cáo xúc động.
Dương Tự Trọng nói biết tin bố của đồng nghiệp mới mất khiến bị cáo xúc động.

9h: Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Công an TP Hải Phòng) là người thứ 4 HĐXX xét hỏi. Ánh khai không biết Dương Chí Dũng. Theo cáo trạng từ ngày 21-23/5/2012, Ánh cùng Hoàng Văn Thắng sử dụng xe ôtô 7 chỗ đón Dũng từ Quảng Ninh đưa đi TP.HCM. Sau khi chuyển sang xe 4 chỗ ngồi cùng Trần Văn Dũng, Đồng Xuân Phong đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Dũng trốn sang Campuchia. 

Nói về lý do xin giảm án, Ánh cho rằng không cố ý vi phạm. "Bản thân bị cáo sức khỏe không được tốt, bị u vòm họng, trong thời gian 16 tháng trại giam, giảm gần 20 cân. Việc này xảy ra không mong muốn với gia đình bị cáo, bố mẹ bị cáo vì thế mà bị đổ bệnh", bị cáo Ánh nói.

8h30: Vũ Tiến Sơn (nguyên phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng) là người đầu tiên được tòa xét hỏi.

Khi Dương Tự Trọng thông báo Dũng không nhập cảnh được vào Mỹ, bị cáo này gọi điện cho Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn) đón anh trai sếp sang Campuchia. Sơn nói, có đưa 30.000 USD cho Phong để đưa cho anh Dũng. Nguồn tiền này do Trọng đưa.

"Tôi nhận thức hành vi của tôi vi phạm pháp luật, vì tình cảm. Về tội danh tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng kết luận tôi có vai trò chỉ huy, chỉ đạo là không đúng. Tôi chỉ là vai trò thực hành, không quyết định được đi hay không vì anh Trọng đã nói và nhờ nên tôi thực hiện cho đúng".

Nói về lý do xin giảm hình phạt, bị cáo Sơn cho rằng vai trò của mình chỉ là thực hành.

Nói về mối quen biết với Dương Tự Trọng, Đồng Xuân Phong khai quen biết với ông này từ năm 2001- 2002 và coi nhau như anh em trong nhà. Ngày 18/5, thông qua máy điện thoại của Sơn, Trọng có trao đổi với Phong.

Nhận được thông báo, sáng hôm sau Sơn cùng Trần Văn Dũng sang Kiến An (Hải Phòng). "Sau 5 - 10 phút gặp nói chuyện, bị cáo về luôn".

Theo cáo trạng, ngày 22/5/2012, theo chỉ đạo của Trọng và Sơn, Đồng Xuân Phong mua vé máy bay để đưa Dương Chí Dũng sang Campuchia. "Bị cáo thấy mức án cấp sơ thẩm quá cao, động cơ chỉ vì tình cảm anh em, không vụ lợi, bị cáo thành khẩn khai báo, gia đình bị cáo cũng có công với cách mạng, mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt", bị cáo Phong nói.

8h20: Tòa công bố tóm tắt nội dung vụ án. Theo cáo trạng truy tố, chiều 17/5, được anh trai Dương Chí Dũng thông báo về việc sẽ bị bắt giữ, Dương Tự Trọng báo anh đến tạm lánh ở nhà bạn gái của mình ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trọng giao cho các thuộc cấp của mình đến đón anh trai trốn vào TP.HCM, sang Campuchia để từ đó bay sang Mỹ.

Do không nhập cảnh được vào Mỹ, Dương Chí Dũng phải quay lại Campuchia và bị bắt giữ sau đó.

Dương Tự Trọng cùng các đồng phạm tại phiên xử phúc thẩm.
Dương Tự Trọng cùng các đồng phạm tại phiên xử phúc thẩm.

8h: Khai mạc phiên tòa, HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo. HĐXX có 3 thẩm phán, bà Hà Thị Xuyến giữ quyền chủ tọa. Có 6 luật sư tham gia bào chữa.

Một số nhân chứng vắng mặt không có lý do nhưng xét thấy những người này đã có đầy đủ lời khai tại cấp sơ thẩm nên phiên tòa tiếp tục làm việc.

7h50: Bị cáo Dương Tự Trọng và các đồng phạm được đưa vào phòng xử. Cựu phó giám đốc công an Hải Phòng mặc áo sơ mi trắng quay xuống nhìn anh trai Dương Chí Dũng và vẫy tay.

Dương Tự Trọng: 'Tôi thấy thương anh mình nhiều hơn'

Người chủ mưu đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài nói luôn sống với kỉ niệm của hai anh em và sẵn sàng nhận mức án.

Sáng 22/5, TAND tối cao Hà Nội mở phiên tòa xét đơn kháng cáo của Dương Tự Trọng và các đồng phạm về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Trước đó, ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng – cựu phó giám đốc công an Hải phòng là được xác định chủ mưu đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn sang nước ngoài. 

Bị cáo khai tại tòa sơ thẩm rằng do trí nhớ không tốt nên không phản đối cũng không xác nhận những lời khai của những đồng phạm trong vụ án. Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù, cao nhất trong số 7 bị cáo. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 5 năm – 13 năm tù. Họ đồng loạt làm đơn kháng cáo lên tòa tối cao.

Dương Chí Dũng có mặt trong phiên xử phúc thẩm em trai mình. Ảnh: Đỗ Mến.
Dương Chí Dũng có mặt trong phiên xử phúc thẩm em trai mình. Ảnh: Đỗ Mến.

Cũng trong phiên tòa đó, thẩm phán Trương Việt Toàn đã đọc quyết định khởi tố vụ án Làm lộ bí mật nhà nước.

Trao đổi với phóng viên vài ngày trước phiên xử phúc thẩm, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho biết tại phiên tòa hôm nay, thân chủ của ông sẽ khai báo thành khẩn.

Xe chở các bị cáo trong vụ xử Dương Tự Trọng vào khu vực sân tòa. Ảnh: Đỗ Mến.
Xe chở các bị cáo trong vụ xử Dương Tự Trọng vào khu vực sân tòa. Ảnh: Đỗ Mến.

Cáo trạng nêu chiều ngày 17/5/2012, nhận được tin của Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Trọng chỉ đạo 6 đồng phạm (trong đó có 3 thuộc cấp) đưa anh trai bỏ trốn. Kế hoạch được bàn bạc và thống nhất sẽ tổ chức cho Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Những người tham gia phi vụ sử dụng mật danh và dùng điện thoại chứa sim rác.

Ngày 4/9, Dương Chí Dũng bị bắt giữ và đưa về Việt Nam.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm