Các phương pháp an táng người chết thân thiện với môi trường đang thu hút sự chú ý tại nhiều quốc gia. Ảnh: San Diego Memorial Society. |
Trên podcast “The Climate Conversations”, người dẫn chương trình Julie Yoo đã có cuộc trò chuyện với ông Ang Ziqian - Giám đốc điều hành Ang Chin Moh Group, một trong những công ty tang lễ lâu đời nhất tại Singapore.
Khi ông Ang tiếp quản công ty của gia đình, quá trình chôn cất liên quan khá nhiều đến khí thải carbon - từ những chiếc quan tài khổng lồ và nghi lễ hỏa táng tạo ra khí nhà kính, đến việc dọn sạch đất lấy chỗ chôn cất.
“Tôi vào nghề năm 1995. (Hồi đó) công việc rất truyền thống”, Giám đốc Ang Chin Moh Group nói.
Ông Ang cho hay trong những ngày đầu, mọi người thường chọn cách chôn cất. Nhưng ngày nay, khoảng 82% người chết ở Singapore được hỏa táng và các tập tục như rải tro trên biển đã trở nên phổ biến.
Song những chiếc bình bằng sứ, đá granit hoặc đá cẩm thạch không thể hòa tan hay phân hủy trong nước và có hại cho môi trường.
“Tôi cảm thấy nó thực sự ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển và môi trường”, ông chia sẻ.
Do đó, ông đã tìm kiếm một giải pháp tốt hơn với những chiếc bình phân hủy sinh học làm bằng giấy tái chế và đất sét giấy có hình dạng giống vỏ sò, theo CNA.
“Người nhà đặt hài cốt hỏa táng vào bình, thả xuống biển. Chiếc bình trôi nổi trong khoảng 20-45 phút rồi chìm xuống đáy biển và phân hủy từ từ. (Phương pháp này) mang lại nhận thức xanh cho mọi người, rằng hành trình cuối đời cũng quan trọng không kém”, ông nói.
Thiêu xác bằng nước hay hỏa táng?
“Hiện có rất nhiều tin tức về phương pháp ‘aquamation’. Đây là quá trình thủy phân bằng kiềm, sử dụng nước và hóa chất mạnh chẳng hạn natri hydroxit và kali hydroxit”, ông Ang giải thích.
“Một số người có thể nói rằng (phương pháp này) rất thân thiện với môi trường vì không cần đốt thêm nhiên liệu như hỏa táng. Tuy nhiên, bạn cũng cần sử dụng năng lượng cho quá trình này”, ông nói.
Nghi lễ chôn cất truyền thống tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh: AP. |
Theo New York Times, phương pháp thủy phân bằng kiềm hiện được áp dụng hợp pháp tại 14 tiểu bang của Mỹ.
Mỗi năm việc chôn cất người chết ở Mỹ tiêu tốn khoảng 6 triệu mét gỗ, 4,3 triệu gallon chất lỏng ướp xác, 1,6 triệu tấn bê tông cốt thép, 17.000 tấn đồng và đồng thau, cùng 64.500 tấn thép. Do đó, việc lựa chọn các phương pháp thân thiện hơn với môi trường có thể hạn chế phần lớn sự lãng phí này.
Phân rã hữu cơ thi thể là gì?
Theo ông Ang, phân rã hữu cơ thi thể người là một cách sử dụng vật liệu để đẩy nhanh toàn bộ quá trình phân hủy. Quá trình này cũng cần năng lượng, nhưng thời gian phân hủy sẽ rút ngắn xuống chỉ còn vài tháng.
“Nếu kỳ vọng vào phương pháp phân rã hữu cơ thi thể người, (chúng ta) cần có nhiều nghiên cứu hơn và cân nhắc cách thực hiện. Song tất nhiên mọi quyết định đều có sự đánh đổi”, ông nói.
Theo Washington Post, khi lựa chọn phương pháp này, thi thể người chết sẽ được đặt vào một thùng thép chứa nước, nhiệt, vi khuẩn và phủ rơm. Sau khoảng 45 ngày, thi thể sẽ trở thành một khối đất giàu dinh dưỡng có thể dùng làm phân bón hữu cơ.
Ông Tom Harries, nhà sáng lập Earth Funeral - công ty cung cấp dịch vụ phân rã hữu cơ, cho biết phương pháp này đã được áp dụng cho mọi lứa tuổi, từ bào thai đến những thi thể trăm tuổi. Đất được trả lại cho gia đình của người đã khuất hoặc trải rộng khắp vùng trồng rừng trên bán đảo Olympic, ở Washington.
Phương pháp này chỉ tiêu thụ khoảng 40 gallon nước và một lượng điện khiêm tốn do đó tác động môi trường không đáng kể. Tính đến nay, phương pháp phân rã hữu cơ đã được hợp pháp hóa ở California, Washington, Oregon, Vermont và Colorado.
Thiết bị khử chất hữu cơ tự nhiên tại nghĩa trang Herland Forest, Washington. Ảnh: Washington Post. |
"Tang lễ xanh" sẽ lan rộng?
“(Câu hỏi này) nằm ở vấn đề cung - cầu. Các giám đốc nhà tang lễ thường cung cấp những gì khách hàng muốn. Khi có nhu cầu cao hơn, tất nhiên cũng sẽ có nhiều dịch vụ hơn…”, ông Ang cho biết, đồng thời nhấn mạnh nếu muốn áp dụng dịch vụ tang lễ thân thiện với môi trường nhiều hơn, các công ty cần phát triển cả về công nghệ và cách thức thực hiện.
“Những người thích ứng với lối sống xanh (ở Singapore) không nhất thiết phải là giới trẻ, chúng ta có cả người lớn tuổi. Họ chọn (dịch vụ tang lễ xanh) không phải theo phong trào mà là vì khi qua đời, họ muốn thi thể về với rừng núi”, ông nói thêm.
Lời khuyên cho kế hoạch tang lễ
“Hãy chọn thứ gì đó đại diện cho cuộc sống của bạn và cách bạn muốn được nhớ đến. Không có đúng và sai khi nói đến đám tang. Và không có đám tang nào giống nhau”, ông Ang chia sẻ.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là truyền tải những mong muốn này đến người mà bạn yêu thương, chứ không chỉ giữ chúng cho riêng mình, vì bạn sẽ cần ai đó thực hiện chúng thay cho bạn”, ông nói thêm.
Sách hay về bức tranh năng lượng thế giới
Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn hay về tình hình năng lượng thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Zing giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm: “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực”, “Tham nhũng dầu mỏ - Thế lực nhiễu loạn thế giới” và “Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân”.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.