Kỳ thi THPT quốc gia thường được tổ chức vào tháng 6 và đến khoảng tháng 8 là các trường tổ chức xong việc tuyển sinh, gọi sinh viên nhập học. Nhưng năm nay, khi kỳ thi THPT quốc gia được lùi sang tháng 8, các trường sẽ tuyển sinh ra sao, có ảnh hưởng gì đến năm học mới của sinh viên hay không?
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Infonet. |
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết với diễn biến khó lường của dịch bệnh, thời gian đăng ký, thi, chấm thi, thay đổi nguyện vọng tất nhiên sẽ lùi lại so với thời gian tổ chức kỳ thi. Việc khai giảng cho sinh viên khóa mới cũng không ngoại lệ.
ĐH Bách khoa Hà Nội đang phối hợp các đơn vị để tổ chức thi đánh giá năng lực, trường hợp cần sẽ sử dụng nếu không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia do dịch bùng phát mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, “việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh của các trường năm 2020. Tuy nhiên, các trường đại học chủ động kế hoạch tuyển sinh thì cũng không có gì phải lo lắng".
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung đối với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020.
Do đó, lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và các mốc thời gian khác quy định trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến lùi lại, tương đương thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia là một tháng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, qua theo dõi thực tế hàng năm, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 nên kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào cuối tháng 12.
Điều quan trọng là các trường cần chủ động hơn trong việc xác định và sớm công bố phương án tuyển sinh, theo hướng tuyển sinh nhiều đợt với các phương thức khác nhau.