Sáng 27/12, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức lễ mít tinh trực tuyến nhân ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến ngày 24/12, cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vaccine trong tổng số hơn 166 triệu liều đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam.
Đến nay, tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới đề ra đến hết năm 2021, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. Từ tháng 11, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuối đến dưới 18 tuổi.
Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi một cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%). Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Hoàn thành mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.
Đến nay, tốc độ tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã đạt mức độ cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác ngoại giao vaccine và tiếp cận được nhiều hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021. Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tại buổi lễ, TS Ki-dong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho hay trong một năm qua, hơn 8,6 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đã có hơn 160 triệu liều và tiêm cho người dân hơn 140 triệu liều chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo ông, tình trạng bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu vẫn tồn tại. Đến nay, dưới 5% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được hoàn thành đợt tiêm chủng cơ bản. Sự xuất hiện của biến thể Omicron càng thể hiện rõ việc cần được tiếp cận công bằng và rộng rãi với vaccine để chấm dứt đại dịch. Ông cũng nhấn mạnh việc đoàn kết và phối hợp giữa các quốc gia rất quan trọng, không ai an toàn trừ khi tất cả chúng ta đều an toàn.
"Chúng ta nên tiếp tục bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương, người già và những người có bệnh nền, bệnh hiểm nghèo. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người này có thể không được bảo vệ đầy đủ sau khi tiêm đủ liều vaccine cơ bản. Bên cạnh đó, khi bệnh viện bị quá tải, việc tiếp nhận, điều trị cho người bệnh cũng không được đảm bảo. Vì vậy, chúng ta cần sự phân loại bệnh nhân phù hợp. Nhân viên y tế cũng cần được bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ", Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nói.
Trước những diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Nhóm nguy cơ cao cần được quản lý chặt chẽ; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao; tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ; tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện mắc bệnh.
Đại diện Bộ Y tế cũng yêu cầu khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; đến ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cần đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.
Nhóm F0 được uống ngay Molnupiravir ở TP.HCM
Báo cáo về kết quả triển khai "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ", Sở Y tế TP.HCM cho biết sau 20 ngày thực hiện, các quận, huyện ở địa phương đã lập danh sách được 603.385 người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi và người có bệnh nền).
Trong đó, 504.418 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (83,6%), 61.779 người tiêm một mũi vaccine (10,2%) và 37.188 người chưa tiêm vaccine (6,2%). Các quận, huyện đã tổ chức tầm soát xét nghiệm lần 1 cho 509.746 người thuộc nhóm nguy cơ (84,5%) và lần 2 cho 389.379 người thuộc nhóm nguy cơ (76,9%).
Tính đến ngày 26/12, chiến dịch đã tầm soát được 5.101 người thuộc nhóm nguy cơ có kết quả xét nghiệm dương tính (0,6%) và được điều trị ngay với thuốc kháng virus (Molnupiravir).
TP.HCM đã lập danh sách được 603.385 người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi và người có bệnh nền). Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng cấp phát ngay thuốc kháng virus (gói thuốc C) và gói thuốc A, B cho F0.
Thuốc C sử dụng ngay khi được cấp phát, thuốc B (thuốc kháng viêm, kháng đông dạng uống) chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, kể cả chỉ định của bác sĩ tư vấn qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Sở Y tế chịu trách nhiệm ưu tiên phân bổ nguồn thuốc kháng virus cho F0 thuộc nhóm nguy cơ.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ được cách ly điều trị tại nhà hay tại bệnh viện phải đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.
Các quận, huyện đang tiếp tục khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ theo kế hoạch và tiếp tục cho người F0 khi phát hiện ra uống ngay liều kháng virus như trên.
Ngoài ra, 20 ngày đầu chiến dịch, cơ quan chức năng còn phát hiện 37.188 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine (chiếm tỷ lệ 6,2%), tất cả trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ, trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.
Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu xác quận, huyện cần đẩy nhanh tiêm mũi 3 (gồm mũi bổ sung và mũi nhắc lại), hoàn tất tiêm trong tháng 1/2022, triển khai đồng thời với cả nhóm nguy cơ và không nguy cơ. Mũi 3 thực hiện cách thời gian tiêm mũi 2 khoảng thời gian 3 tháng.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.