Tỷ lệ uống rượu bia ở học sinh tại Hà Nội tăng cao. Ảnh: Livescience. |
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội mới đây, trong năm 2022, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (CDC) đã thực hiện cuộc điều tra, khảo sát hành vi sức khỏe ở học sinh 13-17 tuổi với sự tham gia của hơn 7.500 học sinh trên toàn địa bàn.
Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ học sinh có sử dụng rượu bia ở mức đáng báo động là 26%. Trong khi đó, chỉ 44,6% học sinh được dạy về vấn đề liên quan đến rượu, bia trong năm học vừa qua.
Mặt khác, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh chiếm đến 12% (trong đó 10,2% thừa cân và 1,8% béo phì). Tỷ lệ học sinh sử dụng nước ngọt có ga từ một lần/ngày trở lên là 17% và tiêu thụ thức ăn nhanh ít nhất một lần/tuần là 50,4%.
Những con số này ở nam đều cao hơn nữ học sinh và tăng dần qua các nhóm tuổi.
Tỷ lệ học sinh có sử dụng thuốc lá cũng chiếm 6,7%, cao hơn nhiều so với số liệu kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 của Bộ Y tế (chỉ 2,8%).
Đáng chú ý hơn, trong số những học sinh có sử dụng thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chiếm đến 86,8%.
Theo TS Bùi Thị Minh Thái, khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, CDC Hà Nội, cuộc điều tra, khảo sát hành vi sức khỏe ở học sinh tại Hà Nội được thực hiện nhằm nghiên cứu thực trạng và xu hướng của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm và các hành vi sức khỏe phổ biến của học sinh lứa tuổi từ 13 đến 17.
"Các số liệu này là bằng chứng cho các sở, ban, ngành liên quan xây dựng chính sách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh", vị chuyên gia nói.
Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang chiếm tới 74% tổng số gánh nặng bệnh tật trên toàn quốc. Mỗi năm, tỷ lệ tử vong do BKLN chiếm đến 81% tổng số nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, đái tháo đường và hô hấp mạn tính.
Theo ước tính ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc các bệnh như tăng huyết áp hiện là 26%, đái tháo đường là 7%. Riêng tại Hà Nội, các con số này đều cao hơn so với toàn quốc (30,8% và 10,2%).
Theo TS Thái, đây là hậu quả của sự gia tăng nhanh các yếu tố nguy cơ người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được như hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực, kèm theo các tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu.
Từ đây, vị chuyên gia nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua thúc đẩy các hành vi có lợi cho sức khỏe, phòng chống các yếu tố nguy cơ là vấn đề cần được ưu tiên.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.