Zing trích dịch bài đăng trên Forbes, nói về vị tỷ phú Charles Chuck Feeney chính thức không còn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới vì đã đem tặng hết số tiền khổng lồ do ông sở hữu.
Ngày 14/9, khối tài sản của tỷ phú người Mỹ Charles Chuck Feeney (89 tuổi) chính thức về con số 0 sau khi ông phân phát hết toàn bộ 8 tỷ USD cho mục đích từ thiện.
Nổi tiếng sống tiết kiệm
Sự nghiệp của vị tỷ phú sinh năm 1931 gắn liền với tập đoàn bán lẻ miễn thuế nổi tiếng Duty Free Shoppers do ông thành lập vào năm 1960 cùng với người cộng sự Robert Miller.
Chuyên kinh doanh các mặt hàng cao cấp, đắt tiền, Feeney bỏ túi số tiền khổng lồ và gia nhập hàng ngũ những người giàu nhất thế giới. Tuy vậy, người đàn ông 89 tuổi có cuộc sống giản dị, không đề cao vật chất và chủ yếu đem tiền đi từ thiện cho những người kém may mắn hơn.
Cựu tỷ phú Charles Chuck Feeney ở tuổi 89. Ảnh: Forbes. |
Theo Forbes, Feeney đề cao ý tưởng “Cho đi khi còn sống” với quan niệm không thể mang theo của cải khi qua đời. Do đó, ông muốn tận dụng khoảng thời gian vẫn nắm quyền điều hành và nhìn thành quả mình giúp đỡ cộng đồng.
Nổi tiếng với tấm lòng nhân hậu, vị tỷ phú hiếm khi công khai hoạt động từ thiện của mình mà chủ yếu quyên góp dưới dạng giấu tên.
Trái ngược với những biệt thự đắt tiền thường thấy của giới lắm tiền nhiều của, Feeney và vợ sống trong một căn hộ bình dân ở thành phố San Francisco (Mỹ).
Nơi ở của hai vợ chồng có nội thất đơn giản, phòng khách chỉ có chiếc bàn gỗ đơn sơ để tiếp khách, cùng vài bức ảnh gia đình treo trên tường. Trên bàn là một kỷ niệm chương nhỏ ghi dòng chữ: “Xin chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD”.
Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do Feeney sáng lập là nơi đem số tiền của vị tỷ phú đi giúp đỡ cộng đồng. Ảnh: Irish Times. |
Những phóng viên từng ghé thăm “cơ ngơi” này còn miêu tả không gian sống của vợ chồng giống với phòng ốc của sinh viên đại học sống trong ký túc xá.
Năm 2012, người đàn ông tiết lộ chỉ dành vỏn vẹn 2 triệu USD cho cuộc sống về già của vợ chồng ông sau khi cả hai nghỉ hưu. Con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khối tài sản Feeney nắm trong tay.
“Tôi không thấy có lý do gì để trì hoãn việc cho đi. Tôi sẵn sàng đầu tư khi giá trị, tiềm năng của dự án đem lại cho mọi người lớn hơn rủi ro. Bên cạnh đó, việc cho đi khi bạn đang sống ý nghĩa hơn là khi bạn không còn nữa”, trích báo cáo mang tên Zero Is The Hero của biên tập viên Steven Bertoni thuộc Forbes, tóm tắt những cống hiến không ngừng nghỉ của Feeney.
Nguồn cảm hứng cho Bill Gates, Warren Buffett
Trong gần 40 năm, số tiền 8 tỷ USD quyên tặng lần lượt được sử dụng vào các lĩnh vực khác nhau, trải dài từ khoa học, giáo dục đến y tế, hoạt động xã hội.
Ước tính, vị tỷ phú đã cung cấp 3,7 tỷ USD cho ngành giáo dục, bao gồm 1 tỷ USD cho trường cũ của ông - Đại học Cornell. 870 triệu USD là con số Feeney dành tặng cho các hoạt động nhân quyền và thay đổi xã hội tại Mỹ.
Ông từng ủng hộ hơn 700 triệu USD cho lĩnh vực y tế, trong đó có khoản tài trợ trị giá 270 triệu USD cho Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Một trong những món quà cuối cùng của Feeney là 350 triệu USD cho dự án xây dựng trung tâm công nghệ trên Đảo Roosevelt ở thành phố New York.
Khi công chúng dần biết đến sự tốt bụng của vị tỷ phú, những người siêu giàu khác trên thế giới đã học tập ông và làm từ thiện nhiều hơn.
Charles Chuck Feeney chụp ảnh bên Bill Gates. Ảnh: Cicero. |
Feeney chính là nguồn cảm hứng thúc đẩy hai tỷ phú nổi tiếng hàng đầu là Bill Gates và Warren Buffett thành lập Giving Pledge, chiến dịch kêu gọi tầng lớp giàu nhất nước Mỹ cho đi ít nhất 50% khối tài sản trước khi qua đời.
“Chuck là hình mẫu cho tất cả doanh nhân như chúng tôi học theo”, Warren Buffett dành lời tán dương. Còn nhà sáng lập Microsoft gọi Feeney là người “truyền cảm hứng tuyệt vời”.
Ngày 14/9, Feeney chính thức làm lễ đóng cửa quỹ Atlantic Philanthropies vì toàn bộ số tiền đã được phân phát hết. Tỷ phú Bill Gates, cựu Thống đốc bang California Jerry Brown quay video chúc mừng, còn chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thay mặt Quốc hội Mỹ gửi thư cám ơn vị tỷ phú vì sự đóng góp của ông.
Vào thời kỳ hoạt động mạnh, Atlantic Philanthropies có hơn 300 nhân viên và 10 văn phòng trên toàn thế giới. Ngày đóng cửa quỹ đã được Feeney đặt ra cách đây nhiều năm, như một phần trong kế hoạch dài hạn quyên tặng hết số tiền.
“Tôi hạnh phúc khi cho đi toàn bộ tài sản, hoàn thành ước nguyện của bản thân trước khi chết. Tôi xin dành lời cảm ơn đến tất cả những ai đã cùng tôi tham gia hành trình ý nghĩa này. Hy vọng hành động này sẽ giúp những người còn đang băn khoăn tự tin đi theo triết lý ‘Cho đi khi còn sống’ giống tôi”, vị tỷ phú phát biểu sau khi tặng hết số tiền khổng lồ.