Ung thư họng là bệnh lý liên quan sự phát triển của các khối u ác tính trong cổ (hầu), thanh quản và amidan. Triệu chứng ban đầu của ung thư họng có thể tương tự cảm cúm. Đó là đau họng dai dẳng, khản tiếng kéo dài hơn 2 tuần.
Các giai đoạn của ung thư họng
Ung thư họng được chia nhỏ thành các loại dựa trên vị trí mà tế bào ác tính khởi phát. Dựa trên căn cứ phân chia này, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị chỉ định phù hợp và hiệu quả nhất. Nơi khởi phát tế bào ung thư cũng quyết định khả năng chữa khỏi của bệnh.
Theo Mayo Clinic, bệnh được chia thành: Ung thư vòm họng (bắt đầu từ phần cổ họng ngay sau mũi), hầu họng (phần cổ họng ngay sau miệng, gồm cả amidan), hạ họng hay thanh quản (phần dưới cổ họng, ngay trên thực quản và khí quản), tuyến (khởi phát từ dây thanh âm), thượng thanh quản (tế bào xuất phát từ phần trên của thanh quản và sụn ngăn thức ăn đi vào khí quản), dưới thanh môn (phần dưới dây thanh âm).
Ung thư họng được chia thành 4 giai đoạn, dựa trên kích thước của khối u, ung thư đã lan đến hạch bạch huyết hay chưa và tế bào/khối u ác tính đã di căn sang những bộ phận khác hay chưa.
Ung thư họng thường đặc trưng bởi khối u, hạch quanh cổ, trong miệng. Ảnh: Freepik. |
Tương ứng với cơ sở này, 4 giai đoạn của ung thư họng gồm có:
Giai đoạn I: Khối u nhỏ (chiều ngang từ 2 cm trở xuống) và giới hạn ở cổ họng.
Giai đoạn II: Khối u đã phát triển lớn hơn (thường từ 2 cm đến 4 cm). Tuy nhiên, nó vẫn nằm trong cổ họng và chưa lây ra các hạch bạch huyết hay vị trí xa.
Giai đoạn III: Khối u đã phát triển ra ngoài cổ họng và có thể lan sang những mô, cơ quan lân cận. Lúc này, tế bào ác tính có thể đã hoặc chưa lan đến một hạch bạch huyết gần đó.
Giai đoạn IV: Đây cũng là ung thư họng giai đoạn cuối. Khối u có thể mang kích thước lớn bất kỳ. Nó vẫn nằm trong cổ hoặc nhiều trường hợp gây ảnh hưởng hạch bạch huyết. Thời điểm này, nhiều cơ quan, bộ phận ở xa họng như phổi cũng có thể xuất hiện tình trạng tế bào ung thư di căn.
Dấu hiệu
Bệnh nhân mắc ung thư họng có thể gặp những triệu chứng sau đây: Khó nuốt; ho dai dẳng; xuất hiện khối u, hạch trong miệng, họng hoặc cổ (thường gặp ở 60-90% trường hợp); đau tai hoặc hàm; nhức đầu; khó thở; vết loét, mảng trắng như tưa lưỡi trong miệng; sụt cân; chảy máu trong miệng hoặc mũi; sưng mắt, hàm, họng hoặc cổ; cổ họng luôn có cảm giác khó chịu; viêm họng mạn tính; thường xuyên có đờm…
Nếu ung thư họng bước vào giai đoạn tế bào ác tính di căn, bệnh nhân có thể gặp nhiều triệu chứng khác phụ thuộc bộ phận khối u “ăn” đến. Tại phổi, ung thư họng di căn gây khó thở, ho ra máu. Nếu di căn đến xương, bệnh nhân bị đau cơ, xương, khớp. Bộ phận này cũng trở nên yếu, giòn, dễ gãy.
Ung thư họng không có nguyên nhân chính xác. Các bác sĩ cho rằng nó xảy ra khi tế bào trong cổ họng bị đột biến gene. Những đột biến này khiến các tế bào phát triển không kiểm soát và mất đi cơ chế tự hủy thông thường, tích tụ thành khối u trong cổ họng.
Thủ phạm gây nên hiện tượng đột biến trên vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư họng. Đó là sử dụng thuốc lá (dạng hút và nhai); lạm dụng rượu bia, chất kích thích; nhiễm virus như HPV, Epstein-Barr; chế độ ăn uống thiếu trái cây và rau xanh; bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD); tiếp xúc lâu với chất độc hại…
Hút thuốc được cho là làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư như gan, phổi, họng... Ảnh: Freepik. |
Làm gì để hạn chế nguy cơ mắc ung thư họng?
Hiện nay, y học chưa tìm ra cách để chứng minh điều gì có thể ngăn ngừa ung thư họng. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh với một số lời khuyên sau đây.
Ngừng hút thuốc: Hút thuốc được cho là thủ phạm khiến chúng ta mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm, nhất là ung thư. Ngoài ung thư họng, hút thuốc còn có thể gây ung thư phổi và nhiều bệnh về đường hô hấp, mạn tính, rối loạn chuyển hóa khác.
Hạn chế rượu bia: Rượu bia nếu dùng ở mức độ cho phép có thể là đồ uống giúp bạn cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, uống nhiều đồ uống có cồn dễ khiến gan, thận, họng dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Duy trì chế độ ăn hợp lý, nhiều rau xanh và hoa quả: Các vitamin và chất chống oxy hóa trong trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ ung thư họng và nhiều bệnh khác. Bạn nên chọn các loại rau củ quả nhiều màu sắc, cung cấp đủ nhóm chất, vitamin cần thiết.
Tránh nhiễm virus HPV: Một trong những nguy cơ gây ung thư họng là virus u nhú ở người HPV, lây qua đường tình dục. Để hạn chế nhiễm virus này, các chuyên gia khuyên bạn nên hạn chế đối tác, sử dụng bao cao su mỗi khi làm “chuyện ấy”. Tiêm phòng vaccine HPV cũng là cách giúp bạn giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus này cũng như ung thư và các bệnh lý truyền nhiễm khác.
Ung thư họng là loại phổ biến ở Việt Nam, độ ác tính cao. Tuy nhiên, chúng ta càng phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi và sống sót càng cao. Do đó, bạn nên đi khám tai mũi họng định kỳ mỗi 6 tháng, nhất là khi tuổi càng cao, việc tầm soát ung thư nói chung càng quan trọng.